Chuyện thao giảng văn toàn quốc ngày ấy…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những kỷ niệm của một thời đáng yêu và món quà tặng của Bộ Giáo dục dành cho 12 thao giảng viên ngày ấy - vẫn luôn có ý nghĩa đến bây giờ…

Các thao giảng viên tại hội nghị Văn toàn quốc / Đà Nẵng.
Các thao giảng viên tại hội nghị Văn toàn quốc / Đà Nẵng.

Đã 42 năm kể từ Hội nghị Thao giảng Văn toàn quốc lần thứ hai, do Bộ Giáo dục tổ chức, chúng tôi, những người dự hội nghị ngày ấy, giờ đùa mình là tỷ phú thời gian.

1.

Trung tuần tháng 3 năm 1980, đúng là một cuộc hội quân toàn quốc ngành Văn - từ lãnh đạo chuyên môn của Bộ, Sở (lúc ấy còn gọi là Ty),… đến giáo viên Văn của nhiều trường trên toàn quốc hạnh ngộ tại Đà Nẵng.

Có bốn đoàn được Bộ Giáo dục chỉ định chuẩn bị thao giảng (thông báo về trước 1 tháng): Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng. Mỗi đoàn cử 3 giáo viên Văn, trẻ có, trung có, đứng tuổi có, tham gia thao giảng 3 tác phẩm Văn học cho cả 3 khối lớp: 10, 11, 12. Đó là trích đoạn Thuế máu (từ Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc), bài thơ Mẹ Tơm (Tố Hữu), bài thơ Quê hương (Giang Nam). Riêng Bình Trị Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng, ngoài yêu cầu về độ chín của tuổi nghề, còn có yêu cầu: Có giáo viên lưu dung (bắc qua 2 chế độ, vẫn tiếp tục dạy học sau 1975) để tạo nên sự đa sắc màu cho hội giảng.

Đoàn Bình Trị Thiên có thầy Lê Ngọc Minh – Trường Cấp III Đông Hà, thao giảng Thuế máu; thầy Nguyễn Văn Dũng - Trường Cấp III Quốc Học Huế, thao giảng bài Mẹ Tơm và tôi, nơi mối tình đầu dạy học - Trường Cấp III Vừa học vừa làm Tân Lâm Quảng Trị, thao giảng bài Quê hương (tên trường gọi theo ngày xưa ấy, nay là trường THPT).

Còn lại 60 tỉnh bạn, trung bình từ 5 đến 9 người, khăn gói quả mướp về Đà Nẵng dự giờ, dự hội nghị… Riêng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc ấy, thật hào phóng, mời tất cả giáo viên Văn của tất cả các trường trong tỉnh cùng về dự, làm cho Hội nghị đông vui, rầm rộ, dễ lan tỏa tình yêu Văn học và giúp gởi đi thông điệp cùng bầu khí quyển mới mẻ của Hội nghị.

Trường THPT Phan Châu Trinh (ngày ấy gọi là trường cấp III) là nơi dành cho Hội nghị và Thao giảng diễn ra. Có một quy trình tiếp xúc rất khoa học, rất tâm lý và nghệ thuật: Các thầy cô giáo thao giảng lớp nào, được chỉ định trước, được gặp giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy Văn lớp ấy, để làm quen, để tìm hiểu học sinh và để dạy trực tiếp một giờ trước khi thao giảng.

Bài 2 tiết (như Mẹ Tơm, Thuế máu) thì giáo viên chỉ thao giảng ở một lớp. Bài 1 tiết (như Quê hương) thì giáo viên sẽ thao giảng ở 2 lớp khác nhau (có trống ở giữa 1 tiết để lớp học chuẩn bị và người dự luân phiên thay đổi). Người dự cũng được chuyên viên của Bộ sắp xếp, bằng phiếu là 1 mảnh giấy nhỏ ghi số phòng, giờ dự..., để đảm bảo, phòng nào cũng có người dự là lãnh đạo, là giáo viên, vừa phải trong vòng 40 người trở xuống và luân phiên thay đổi.

Quà tặng ý nghĩa của Bộ Giáo dục cho các thao giảng viên.

Quà tặng ý nghĩa của Bộ Giáo dục cho các thao giảng viên.

2.

Quy trình này thật đúng và thật đẹp.

Trước tiên, vì một giờ chuẩn bị cho thao giảng thường ngốn một thời gian khá dài tâm sức, đầu tư công phu, có sự góp ý của trường, sở, có khi có cả khách mời của sở (các thầy cô ở trường đại học trong tỉnh),… vì tất cả chúng ta, ai cũng thật sự tôn trọng học sinh và khách mời đến dự. Ở Hà Nội, giáo viên còn có thể gặp nhà thơ Giang Nam… Ở Thanh Hóa, giáo viên còn có thể đến thắp hương viếng Mẹ Tơm… Ở Bình Trị Thiên, lúc có quá nhiều góp ý cho các giờ dạy thử (trong tỉnh), một giáo viên đã thay mặt cho bộ ba thao giảng đề nghị: “Chúng tôi xin lắng nghe tất cả những góp ý chân thành cho bài giảng, nhưng chúng tôi xin được nói cùng học sinh những gì đã thuộc về máu thịt của mình”. Đà Nẵng, bộ ba thao giảng nơi sở tại, được chỉ định dạy trước để 4 đoàn cùng rút kinh nghiệm…

Nhưng chuẩn bị công phu bao nhiêu mà chúng ta chưa hiểu học sinh, chưa tiếp xúc với các em dù chỉ ít thôi, thì cũng khó có môi trường, tâm thế học tập tốt như mong đợi. Vậy nên việc để thao giảng giáo viên dự giờ sinh hoạt cùng chủ nhiệm, dự giờ dạy Văn của giáo viên đang đứng lớp là vô cùng cần thiết. Nhất là những thao giảng viên phải thao giảng ở 2 lớp khác nhau, đối tượng khác nhau, chắc chắn dù dạy cùng tác phẩm nhưng không thể bê nguyên xi kiểu dạy giống nhau ở 2 lớp.

Như vậy vẫn chưa đủ, phải dạy trực tiếp một giờ trước khi thao giảng. Thao giảng viên được tự chọn bất kỳ tiết học nào trong chương trình của tuần hoặc tuần kế tiếp. Để tự chọn là tạo điều kiện cho thao giảng viên phát huy thế mạnh của mình, trong điều kiện thời gian ngắn, tự soạn bài sao cho thật tốt, tương xứng với bài sẽ thao giảng (vốn chuẩn bị quá công phu).

Dự giờ xong, tất cả cùng về hội trường phân tích, đánh giá, góp ý, thảo luận. Bầu khí quyển hội thảo thật trong lành. Giờ dạy thành công là giờ được đại đa số tâm đắc, thảo luận sôi nổi, còn lại tịnh không phê phán. Góp ý là cho cái chung, ít gọi đích danh tên người hoặc tên đoàn thao giảng. Thi thoảng có những nhận xét trữ tình ngoài đề nhưng rất vui, không ảnh hưởng đến yêu thương, hòa bình vốn có.

Ví như: “Ban đầu tôi thấy cô… không đẹp, nhưng càng dạy tôi càng thấy đẹp” hoặc: “Tôi tưởng tiếng Huế, tiếng miền Trung, nói khó nghe, dạy không hay, hóa ra đọc thơ hay chi lạ”… Còn lại là những cảm xúc rất nhân văn, rất chân tình, dành cho những tác phẩm được chọn thao giảng. Chẳng hạn như: “Với câu thơ Giặc bắn em rồi quăng mất xác cho ta cảm nhận ở đâu trên quê hương này cũng có thể có em…” (thầy Nguyễn Đức Quyền - Quảng Ngãi); “Tôi rất tâm đắc với cảm nhận về bài thơ Quê hương của cả 4 thao giảng viên 4 miền đất nước, nếu cùng nhau ngồi lại, nói cho nhau nghe, sẽ có một giáo án cực hay” (thầy Nguyễn Văn Chút – Bắc Giang),…

3.

Được gặp nhau trong không khí tương thân tương ái, tri kỷ tri âm như vậy, nên cán bộ thuộc Bộ Giáo dục, thuộc các Ty sở, thuộc các trường đại học… trở nên gần gũi, không khoảng cách với tất cả giáo viên mọi vùng miền, có những tình bạn – tình thân khởi đi từ đó còn mãi đến bây giờ.

Cho đến tận bây giờ… sau 42 năm, không thể không ghi lại những kỷ niệm của một thời đáng yêu như thế và món quà tặng của Bộ Giáo dục dành cho 12 thao giảng viên - vẫn luôn có ý nghĩa đến bây giờ. Đó là một con sư tử đá đứng ghếch chân lên quả địa cầu (đặc sản lưu niệm của “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”).

Sư tử đá luôn có hồn không chỉ vì thợ đá đã khắc chữ li ti đẹp thành 3 dòng dưới chân tượng: Bộ Giáo dục tặng đ/c (tên chủ nhân thao giảng) / Kỷ niệm hội nghị Văn toàn quốc / Đà Nẵng – 1980/ mà bởi Chuyên viên Văn của Bộ, lúc tặng chúng tôi, có nhắn nhủ đại ý rằng: - Những khó khăn của thầy cô giáo dạy Văn hiện nay có thể nói to như trái đất, nhưng chúng ta phải như chúa tể sơn lâm vượt qua để hạnh phúc với nghề đã chọn.

Xin được nói lời cảm ơn Bộ Giáo dục những năm tháng ấy, dù rất muộn màng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.