Để những kỷ niệm nối dài theo năm tháng

GD&TĐ - Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2021 đã khép lại với lễ Tổng kết và trao giải trang trọng, trong điều kiện tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng dịch Covid-19 chiều 29/12.

Cô Lê Hải Vân - tác giả đoạt giải Nhất chia sẻ cảm xúc tại lễ trao giải.
Cô Lê Hải Vân - tác giả đoạt giải Nhất chia sẻ cảm xúc tại lễ trao giải.

Cuộc thi năm nay đã ghi nhận sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các tác giả là nhà giáo – những người đang trực tiếp đứng trên bục giảng. Họ đã chia sẻ những kỷ niệm, ký ức khác nhau với bạn bè, thầy cô, học trò của mình ở cùng một nơi có tên là “trường học”.

Kỷ niệm luôn còn mãi

Tác giả Lê Hải Vân, giáo viên Toán Trường THCS Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đoạt giải Nhất với tác phẩm: “Viết về em, người đã khuất” chia sẻ: Trong cuộc đời dạy học, tôi đã gọi mình là người đi gom góp kỷ niệm, đặc biệt là những kỷ niệm về học trò. Tác phẩm tôi viết lần này là một kỷ niệm buồn nhưng có ý nghĩa lớn lao đối với tôi trong những tháng năm dạy học.

Câu chuyện của cô Vân là chuyện buồn về một học trò đã mãi mãi đi xa. Cậu học trò ấy có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khi bố mẹ ly hôn, từng là học sinh ngang tàng, nhưng bằng sự gắn bó của bạn bè, quan tâm của thầy, cô giáo nên em thay đổi trở thành học sinh ưu tú. Tưởng chừng sẽ là câu chuyện kết thúc có hậu, nhưng giờ đây, cậu học trò ấy đã ra đi mãi mãi, đúng ở độ tuổi 18 tuyệt đẹp nhất của đời người, em đã gặp tai nạn bất ngờ trong một chuyến thiện nguyện.

“Thực sự, tôi đã không hề có ý định viết, vì tôi sợ, khi viết ra thì những kỷ niệm đó không còn lớn lao như khi nó ở trong tâm trí tôi. Nhưng hôm nay, khi nhận giải Nhất của cuộc thi với hơn 50 nghìn bài tham dự, tôi đã nhận ra rằng, sự lớn lao ấy không phụ thuộc vào cách tôi đã viết mà phụ thuộc vào cách tôi đã đi qua và sống với những kỷ niệm đó như thế nào” – cô Vân bộc bạch.

Cô Vân chia sẻ: “Đối với một giáo viên không chuyên, giải thưởng này càng khiến tôi thêm tin tưởng vào những gì mình đã làm, đã sống. Tôi sẽ có thêm nhiều động lực tiếp tục làm việc, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà tôi đã lựa chọn”.

Cô Hiệu trưởng - người đã lan toả cuộc thi ý nghĩa này tới gần 1.000 học sinh và giáo viên của nhà trường, cũng chính là người đã động viên tôi hoàn thành tác phẩm ngay trước khi giờ nhận bài kết thúc. Cô đã nói với tôi rằng: “Kỷ niệm dù vui hay buồn đều là một phần không thể thiếu của cuộc đời mỗi con người, là động lực để ta bước tiếp. Em cứ viết đi, hãy viết và hãy coi như ta đang viết cho bản thân mình. Khi tuổi tác nhiều lên, em sẽ thấy, nếu không viết, những kỷ niệm đó sẽ trở thành quên lãng”.

Trong khoảnh khắc xúc động này, cho phép tôi được một lần nữa gọi tên em - nhân vật chính trong tác phẩm ấy của tôi… Trần Đức Ngọc, em luôn sống mãi trong tâm trí cha mẹ, thầy cô, bạn bè và tất cả mọi người.

Tác giả Trương Thị Thủy
Tác giả Trương Thị Thủy

Bất cứ ai cũng có người thầy trong tim

Với tác phẩm: “Người thầy trong tôi”, cô Nguyễn Thị Minh – giáo viên Trường Tiểu học Hải Phương (Hải Hậu – Nam Định) khắc ghi và kính trọng người thầy giáo năm xưa của mình bằng tất cả ký ức đẹp đẽ và tình cảm chân thực. Cô Minh  luôn biết ơn, trân trọng thầy đã truyền cảm hứng, truyền lửa để bản thân có định hướng về nghề nghiệp.

Đã gần 40 năm trôi qua song cô Minh vẫn không thể nào quên sự ân cần của thầy Phạm Văn Hoà, chủ nhiệm lớp 2A – Trường Tiểu học Hải Long (huyện Hải Hậu – Nam Định) ngày ấy.

Cô Minh chia sẻ: Năm 1985, gia đình tôi chuyển từ Thanh Hóa về Nam Định sinh sống. Do khác biệt về phương ngữ, tôi luôn bị các bạn chế nhạo dẫn đến chán nản không muốn đi học, dù được gia đình động viên rất nhiều. May mắn thay, thầy giáo chủ nhiệm đã thấu hiểu. Bằng tình cảm chân thành, trách nhiệm của một người cha, thầy đã phân tích động viên và từng bước giúp tôi vượt qua rào cản của sự rụt rè để tự tin hòa nhập cùng các bạn ở trường mới.

“Được có tên trong danh sách tác giả đoạt giải cao của cuộc thi, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc. Đây là món quà tinh thần vô giá cũng là lời tri ân của cô trò nhỏ tới người thầy đáng kính của tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi” – cô Minh cho hay.

Tác phẩm “Người thầy trong tôi” là lời tri ân sâu sắc tới người thầy đáng kính. Khi tiếp bước thầy giáo của mình giữ lửa cho sự nghiệp trồng người, cô Minh luôn tâm niệm: Là thầy cô, hãy luôn thấu hiểu tâm lý của học trò. Hãy hành động và dành tình cảm cho học trò như người cha, người mẹ để góp phần cảm hóa, soi đường cho học trò đến tương lai tươi sáng.

Nhiều bài học quý đến từ học trò

Tác giả Trương Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong – (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) với tác phẩm “Câu chuyện nhỏ - Bài học lớn ghi lại câu chuyện có thật khi làm chủ nhiệm niên khoá 2015 - 2016. “Đối với tôi, đó là một kỷ niệm, bài học đáng nhớ trong quãng thời gian hơn chục năm đứng lớp trên cương vị giáo viên chủ nhiệm. Một bài học mà sau này trong những năm tháng làm chủ nhiệm tôi luôn dặn mình thận trọng trong mọi trường hợp, nhất là khi đánh giá nhân cách một học sinh cũng như giải quyết mọi tình huống phát sinh khi làm công tác chủ nhiệm lớp”, cô Thủy nói.

Chia sẻ sự xúc động khi biết mình đoạt giải của cuộc thi, cô Thủy đồng thời cho hay: “Cuộc thi là cơ hội để tôi cũng như nhiều giáo viên khác ghi lại những kỷ niệm về nghề. Ở đó, có kỷ niệm đẹp, bài học đáng nhớ để mỗi giáo viên - người được trao sứ mệnh trồng người luôn dặn mình phấn đấu tự hoàn thiện bản thân, mang yêu thương chia đều cho lớp lớp học trò, trái ngọt nhận về là sự trưởng thành về tri thức, nhân cách của học sinh”.

“Là một cựu học sinh, nhà giáo, phụ huynh học sinh hay bất kể là ai, chắc cũng đều mong cuộc thi sẽ duy trì lâu dài. Cuộc thi mang theo thông điệp “nối dài quá khứ tới tương lai” để giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống các thầy cô được trải lòng mình, thắp lên ngọn lửa nhiệt tình, yêu người, yêu nghề từ đó tự hào hơn với sứ mệnh trồng người cao cả” - tác giả Trương Thị Thủy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...