Chuyện sinh hoạt của chiến sỹ qua hồi ức của vị Tướng già

Vị Tướng già lặng đi, đôi tay run run khi lần giở lại số ảnh tư liệu về cuộc đời binh nghiệp với những tháng ngày “nếm mật nằm gai” nơi chiến trường ác liệt. “Đời lính nhiều kỷ niệm lắm,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác mở đầu câu chuyện với người khách trẻ.

Chuyện sinh hoạt của chiến sỹ qua hồi ức của vị Tướng già
Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác bên bàn làm việc tại nhà riêng tại phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Ảnh: A.N/Vietnam+

Ông bảo, những đồng đội năm ấy, giờ đây, người còn, người đã mất. “Mỗi lần có dịp hàn huyên, chúng tôi vẫn thường ôn lại, kể cho nhau nghe những câu chuyện giản đơn nhưng ấm tình đồng đội như chuyện ăn uống, sinh hoạt nơi ‘rừng thiêng nước độc’,” vị Tướng già bồi hồi.

“Đại tiệc” giữa rừng

“Năm ấy” mà Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác nói tới chính là năm 1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu.” Khi đó, ông là Trung đội trưởng Trung đội xung kích của Đại đội 60, thuộc Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57, Đại đoàn 304).

Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác nhớ lại, từ tháng 3 năm1954, vòng vây đánh lấn bằng các đường chiến hào của quân ta ngày càng xiết chặt vào gần cứ điểm của địch.

Tướng Lauzin - Tư lệnh Không quân Pháp ở Đông Dương chỉ thị máy bay phải thả dù hàng tiếp tế cho quân Pháp độ cao 2-3km. Thế nhưng, các loại dù tiếp tế của địch hầu hết vẫn rơi sang trận địa của ta.

Ông kể, quân ta thu được khá nhiều thùng bơ, thịt hộp và những chiếc hộp mơ-nuy (menue) bằng sắt cung cấp đồ cá nhân của quân địch. 

Trong mỗi chiếc hộp mơ-nuy to bằng viên gạch đó có một chai rượu rum to bằng bao diêm, vài chiếc bánh quy, vài thanh chocolate, một ít đường viên…

Thế nhưng, trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, “đại tiệc” giữa rừng không phải những khi thu được đồ tiếp tế của địch mà là những bữa cơm ăn với rau tàu bay luộc.

“Các chiến sỹ thường phải ăn độn măng rừng nhưng không ai dám ăn nhiều đồ Tây bởi rau xanh ở chiến trường rất khan hiếm, ăn nhiều đồ Tây rồi sẽ rất bất tiện” - Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa nhớ lại, nở nụ cười hóm hỉnh.

Miên man trong dòng hồi ức, ông bảo, để có ánh sáng trong những căn hầm ngoài trận địa, bộ đội Điện Biên đã chọc thủng một số hộp bơ, nhét sợi băng cá nhân vào làm bấc thắp sáng.

“Nhờ thứ ánh sáng leo lét đó, chúng tôi đọc cho nhau nghe một vài trang sách hoặc cùng nhau ôn lại một vài câu tiếng Pháp để dùng khi bắt được tù binh,” ký ức ùa về như thước phim quay chậm trước mắt vị Tướng già.

Bộ đội tranh thủ ăn cơm ngay giữa chiến hào. Ảnh tư liệu: TTXVN

Món ăn yêu thích nhất

Ông như được sống lại những tháng ngày giữa chiến trường ác liệt. Đôi mắt ông ánh lên niềm vui. Kể về “thú ẩm thực” giữa rừng của mình và đồng đội, giọng ông đầy hào hứng.

“Cơm nắm với muối vừng vẫn luôn là món ăn yêu thích nhất của anh em chiến sỹ. Khi không có đủ vừng, bột ớt được dùng để thay thế,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác nhớ lại.

Ông kể, kỷ niệm đặc biệt nhất với món ăn ấy nơi chiến trường Điện Biên là một lần ăn cơm nắm khi bàn tay còn dính đầy… máu đồng đội.

Đó là thời điểm sau một trận chặn đánh địch ở Đường 41 (bản Noong Nhai). Khi Trung đội trưởng Nguyễn Chu Phác vừa băng bó xong cho một chiến sỹ bị thương, máu đỏ vẫn ướt hai bàn tay thì được anh nuôi đưa cho một nắm cơm.

“Giọng chất phác, anh bảo tôi: "Lau tay vào áo rồi cầm lấy nắm cơm, nhanh lên! Tranh thủ ăn đi, không cần vệ sinh đâu, địch sắp tấn công đợt nữa đấy!" Nói rồi, anh lại vội vàng, hấp hoảng chạy đi phát cơm cho những chiến sỹ khác” - Vị Tướng già bồi hồi nhớ lại.

Giọng ông bỗng chùng lại, đôi mắt đầy vẻ ưu tư nhìn về phía xa xăm: “Có gì đó như nghẹn lại nơi cổ họng, sống mũi bỗng cay cay… Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được tâm trạng khi đó”.

Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ