Chuyện người truyền lửa thú chơi… chó đá

GD&TĐ - Đến chơi nhà họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - con trai cụ Kim Lân, cứ quen với việc lia mắt đến ngổn ngang lũ chó đá nằm ngồi ở chân rào nhà sàn giữa khu tập thể. Nay chẳng thấy đâu, lại thấy đôi chó mực nằm dài ở chân cột, nhà cửa thì rỗng tượng, rỗng đồ, ông chủ thì thảnh thơi ngồi vắt chân hút thuốc...

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - con trai nhà văn Kim Lân - người truyền lửa thú chơi chó đá
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - con trai nhà văn Kim Lân - người truyền lửa thú chơi chó đá

Hỏi thăm mới biết họa sĩ sắp chuyển đất cho chủ mới rồi, chợt thấy nhớ nhớ đám đồ vật cũ, nhớ đám chó đá mốc thếch lê la bờ rào...

Đàn chó đá

Cái đám chó đá đó một thời là thương hiệu của anh em họa sĩ Mạnh Đức. Cả nhà họa sĩ ai cũng yêu thích chó đá, từ họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, họa sĩ Mạnh Đức, ai cũng sưu tập cả trăm con chó đá, bày biện ở trong nhà, ngoài vườn, ở phủ của mình.

Trên Phủ Thành Chương một khu vực dành riêng để trưng bày chó đá. Hai đàn chó đá bày chia làm hai bên, mặt đều hướng về bàn thờ thờ chữ Thiên, hướng về quyền lực, như đang chờ đợi mong ngóng.

Đàn chó đá trong Việt phủ của Họa sĩ Thành Chương

Đàn chó đá trong Việt phủ của Họa sĩ Thành Chương

Đàn chó đá này được sưu tầm với đủ hình dạng tạo hình phong phú, nhìn vào có thể cảm nhận được có con chó đá như đang bị bệnh tật ốm yếu, có con thì khỏe mạnh, con tinh quái, con ụ ị, con lười nhác, con đứng, con ngồi, con nằm... Về mặt nghệ thuật, đây là một sắp đặt đẹp và thú vị.

Chó là con vật rất gần gũi với con người. Trong quan niệm của người Việt, con chó là một đầy tớ trung thành. Không như con nghê là biểu tượng dũng mãnh; con hạc tượng trưng cho sự sang quý; con phượng biểu tượng cho sự thanh nhã; con rồng biểu tượng cho quyền lực; con rùa tượng trưng cho sự vĩnh cửu, bề thế; con chó phản ánh đúng đời sống của người Việt, đúng là một nhân vật trong gia đình, họ nuôi chó coi đó là một thành viên trong nhà, dù cho không tôn vinh nhưng luôn gắn liền với con người.

Để thấy rằng mỗi một con chó đá đều gợi đến một nhân vật nào đó, một lớp người nào đó trong xã hội. Chó đá được xây dựng thành tầng lớp đúng như tầng lớp xã hội con người vậy. Có tầng lớp trung niên, tầng lớp nghèo khó, có chó nghèo, chó giàu, chó cô đơn, chó thông minh, chó đần ngu do tạc bởi cảm giác khối đá, cảm giác từ bên trong, từ hoàn cảnh làm ra nó khiến cảm giác về con chó đá rất thật. Chó đá phong phú vì thế.

Hình dạng chó đá như thế nào tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình con chó xuất thân, từ không gian, bối cảnh nào xuất hiện con chó có kiểu hình dáng như thế.

Ví dụ như ở đình chùa miếu mạo, chó đá rất uy nghi, đầy đủ, vững chãi. Nếu chó đá xuất hiện ở các cổng làng, cổng cầu, chó đá cũng rất dũng mãnh, nhưng làng nghèo thì quy mô cũng vừa phải còn làng giàu có thì chó đá cao lớn hàng mét. Có những làng theo công giáo, con chó đá cũng trông thanh thoát hơn, cầu kỳ hơn.

Chó đá trong Việt phủ Thành Chương

Chó đá trong Việt phủ Thành Chương

Chó đá thậm chí phản ảnh diện mạo của một xã hội người Việt, có đủ các thành phần, từ ăn mày ăn xin cho đến đại diện cho người đạo mạo, gian manh, nguy hiểm, cũng có chó đá độc ác, chó đá ốm nhom bé tí tẹo nhưng nom lại thấy rất nguy hiểm.

Cái gian giảo này không có nghĩa là không đẹp. Điều quan trọng là nó phản ánh được các sắc thái phong phú đó trong một tạo hình mỹ thuật, với cái nhìn nghệ thuật, hình khối tạo ra cảm giác được như vậy là rất khó. Và tài tình là dưới bàn tay của người thợ Việt, có những con chó đá phản ảnh được điều đó.

Chó đá mỗi con mỗi vẻ

Chó đá mỗi con mỗi vẻ

Nghệ sĩ Việt thích chó đá kiểu gì?

Thông thường thì chó đá không có bộ phận sinh dục để phân biệt chó đực chó cái, hãn hữu lắm có những người thợ tinh nghịch mới tạc thẳng bộ phận sinh dục vào chó đá. Còn thông thường, người ta nhìn vào phong thái để đoán giới tính của chó.

Ví như chó khỏe mạnh hùng dũng, hình dáng oai phong, không ngó nghiêng thì là chó đực, chó uyển chuyển duyên dáng thì như chó mẹ, hiền hòa, ngây thơ thì như chó con. Người ta còn chọn những con chó đá có hình dáng như vậy ghép vào để tạo thành câu chuyện gia đình nhà chó!

Có những con chó đá có hình rất khác thường, thậm chí ngây ngô, đơn giản đến mức cảm thấy hình như chưa được làm gì, nó gần như chỉ là cục đá chỉ hơi có đầu tròn tròn. Các nghệ sĩ rất thích những con chó này, họ bảo dù tính tạo hình ít, nhưng lại cảm thấy nó rất… chó!

Nghệ sĩ đôi khi lại thích con chó đá lùm lùm như đống phân trâu, có mỗi cái đầu với hai chỗ lõm lõm là mắt. Theo họ, sự thô sơ đó còn cái phản ánh nội tạng, cái chất bên trong, thể hiện cái sức mạnh bản năng. Mà những con này lại không đắt tiền.

Chó đá có hình dạng con đứng, con ngồi

Chó đá có hình dạng con đứng, con ngồi

Nhưng có những người, đặc biệt là các ông chủ doanh nghiệp lại thích những con chó đá bề thế, ngay ngắn, không những uy dũng mà còn đầy đủ các “phụ kiện”: Đằng trước có khánh đá, lưng có các núm chuông đồng, đuôi được tạo hình rất đẹp đằng sau lưng.

Họa sĩ Mạnh Đức giờ cũng thở phào vì hoàn thành xong sứ mệnh “truyền lửa”. Đám chuyên sưu tập đồ cổ nói rằng biết ơn những người như họa sĩ, vì đã làm cho đá tăng giá rất nhanh, vì ảnh hưởng truyền thông cũng như thú chơi chó đá thành ra đại trà, kéo theo rất nhiều người thấy được cái đẹp của chó đá, thấy được ý nghĩa của nó. Trước đây khoảng 150 nghìn, nay lên 7-8 triệu đồng/con chó đá.

Rất nhiều người đến nhờ họa sĩ Mạnh Đức sưu tầm hộ chó đá cho họ. Có người nhờ sưu tầm hộ đến vài trăm con, như đạo diễn Trần Anh Hùng đặc biệt thích chó đá, anh nhờ lấy chó đá làm quà tặng cho những người làm phim.

Hai con chó đá giả cổ một con mặt tinh khôn, một con mặt ngây ngô
Hai con chó đá giả cổ một con mặt tinh khôn, một con mặt ngây ngô

Vì sao chó đá… lòi ra giữa đường?

Thế nên mới có chuyện nhiều người đến nhà họa sĩ Mạnh Đức lúc nào cũng thấy nhà ăm ắp chó đá để khắp nơi, cứ tưởng anh buôn chó đá chứ đâu biết anh sưu tầm hộ người khác. Đấy toàn là những con chó đá cổ, bị người ta không chuộng nữa vứt đi.

Họa sĩ Mạnh Đức kể trước đây chó đá chôn trước cổng nhà, rồi sau làm đường, nhà dẹp vào trong, con chó đá lòi ra giữa đường. Vào trong những khu vực như Thạch Thất hay La Khê, họa sĩ thấy có những con chó đá gần như nằm vạ vật ra giữa đường, đầu chỉ nhô lên một tý thôi. Vậy là xin đào mang về nhà để sưu tầm cho người khác. Nhà như là cái trạm trung chuyển vậy đó.

Hiện ở những vùng xa xôi hẻo lánh vẫn làm chó đá, những con chó này không gọi là chó đá cổ, bị thị hiếu của con mắt của người hiện đại chi phối. Giờ phong trào chơi chó đá đang lạnh đi vì người ta chơi chó đá kiểu đặt hàng, làm chó đá kiểu hoành tráng, chó đá không còn tính chất ước lệ, tượng hình nữa mà theo tính chất đặt hàng, bị ảnh hưởng bởi những con linh vật ngoại lai.

Chó đá canh giữ nhà phải trong tư thế mặt quay ra ngoài, lưng hướng vào trong, sẵn sàng nghe mệnh lệnh chủ
Chó đá canh giữ nhà phải trong tư thế mặt quay ra ngoài, lưng hướng vào trong, sẵn sàng nghe mệnh lệnh chủ

Tâm linh chó đá

Chó đá luôn luôn bảo vệ chủ. Thế nên người ta mới luôn chôn chó đá trước cửa là thế. Nếu bày hai con thì phải quay chó đá ra ngoài để sẵn sàng chiến đấu theo mệnh lệnh của chủ. Ở nhà họa sĩ Việt Tuấn, em trai của họa sĩ Mạnh Đức, con trai út nhà văn Kim Lân cũng có hai con chó đá canh cửa nhà, ngự trên hai cái cối đá to nặng, mặt lăm lăm quay ra cửa đằng trước rất hung dữ!

Mỗi con chó đá đều có điểm tâm, nghĩa là đều có đục một lỗ tròn ở đằng trước bụng. Ở lỗ đục sẽ nhét một số bùa yểm, rồi làm lễ hô thần nhập tượng, để con chó đá không chỉ là con chó đá vô tri vô giác nữa mà biến thành chó đá tâm linh có vai trò ngăn cảm âm binh có thể gây bất lợi cho chủ nhà. Chỉ có như thế nên người ta mới tin tưởng để bày chó đá trước cửa. Có những nơi người ta gọi là ông chó, lập miếu để thờ.

Chơi chó đá nhiều năm, nghe nhiều chuyện tâm linh về chó đá, họa sĩ Mạnh Đức nghe kể có anh bạn được tặng hai con chó đá. Anh bày trước bàn thờ rồi cứ kể rằng mơ có con rắn xuất hiện rồi. Rồi một thời gian bảo rằng hai mắt cứ tự dưng mờ dần đi, bác sĩ bảo rằng mắt hỏng rồi, không chữa được. Một thời gian sau, đi xem đông xem tây thì bảo là do bày chó đá trước ban thờ, các cụ không về được vì chó dữ quá, canh không cho về nhà nên các cụ giận làm cho mắt thế, giờ bảo chó đá đi thì mắt lại sáng lại…

Nghe thì biết thế chứ cũng chả biết kết luận sao! Chỉ biết rằng cứ chơi chó đá, thấy hay hay, chơi để trước cửa nhà, để ở trong sân vườn, như nuôi một con chó thật thôi, chứ chả bao giờ để ở trước ban thờ như anh bạn cả!

Chó đá ở phủ Thành Chương
Chó đá ở phủ Thành Chương

Tưởng trộm chó đá mà sướng à!

Giờ thì họa sĩ Mạnh Đức không còn sưu tầm chó đá nữa. Thị trường chó đá giờ cũng rộn ràng hơn xưa rồi. Vợ chồng họa sĩ giờ có thể yên tâm kê cao gối với sự canh giữ của hai con chó mực sủa gâu gâu chứ không phải đàn chó đá im lìm không biết sủa năm nào nữa. Thế nhưng nhớ về đan chó đá và nghĩ đến sứ mệnh truyền lửa văn hóa đã thành toàn của mình, họa sĩ Mạnh Đức vẫn cứ mủm mỉm cười.

Hạnh phúc quá đi chứ, từ chỗ chó đá chả ai thèm để ý, anh còn cứu chúng từ lò nung vôi, từ chỗ chả ai buồn lấy trộm chó đá, giờ đã có người hì hục bỏ sức ra hì hụi khênh chó đá nhà anh mang đi.

Nhớ lại tối hôm phát hiện ra có ông trộm một con chó đá, anh chả buồn hô hoán lên, kệ cho ông anh đó mang vác một đoạn xa, anh hút thuốc đi theo, ông này vác mệt quá, thả chó đá lăn quay ra bụi rậm nằm thở hì hò, họa sĩ Mạnh Đức lại thong thả vác chó đá mang về hàng rào nhà mình.

Thế đấy, tưởng trộm chó đá mà sướng à!!! Ông đừng tưởng bở nhá!!!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ