Về làng Địch Vĩ tìm hiểu tục thờ chó đá

Tục thờ chó đá, tín ngưỡng có từ rất lâu trong dân gian, khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Ở một số địa phương, người ta vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, có nơi giữ nguyên tục thờ chó đá và kính cẩn gọi là “cụ Thạch”, “Thần cẩu” hoặc “quan lớn Hoàng Thạch”.

Tượng cặp chó đá ở lối vào thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Nguồn ảnh: An ninh Thủ đô
Tượng cặp chó đá ở lối vào thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Nguồn ảnh: An ninh Thủ đô

Tìm đến làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, (Đan phượng, Hà Nội) - nơi còn giữ nguyên tục thờ chó đá, chúng tôi thấy cụ Nguyễn Chí Cương, Phó Ban Quản lý di tích đình làng Địch Vĩ đang kính cẩn bao sái, dâng hương lên ông Hoàng Thạch ngự ngay cạnh đình làng.

Pho tượng quan Hoàng Thạch cao khoảng 1,4 m, trong tư thế ngồi, chân cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè che hàm răng dưới. Xung quanh ông Hoàng Thạch là 16 chú chó đá con kích thước không đồng đều nhưng tư thế linh động.

Theo cụ Cương, không cứ vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, dân làng cũng thường đến nơi thờ quan Hoàng Thạch để hương khói, xin ngài phù hộ. Thậm chí có những đôi trai gái yêu nhau, gặp trắc trở, người có nỗi oan khuất mong được giải oan đến cầu xin đều được như ý, toại nguyện.

Cụ Cương kể, tục thờ quan Hoàng Thạch tại làng Địch Vĩ có từ hơn 400 năm nay. Tục này xuất phát từ truyền thuyết liên quan đến nỗi oan tình trời xanh không thấu của một chàng trai tên Hoàng Thạch.

Tích xưa kể rằng, thuở trước, có 2 anh em nhà nọ, người anh tên là Ngọc Trì, người em tên là Hoàng Thạch. Người anh ra trận đánh giặc, giao lại công việc nhà cửa cho người em trông nom. Đến khi đánh giặc trở về, người anh thấy vợ mình có thai, nên nghi cho người em đã làm điều bất chính với chị dâu.

Chó đá ở đình làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: VGP
Chó đá ở đình làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: VGP

Trong lúc bực tức, người anh giận giữ chém chết người em rồi mang xác vứt xuống sông. Đến khi sinh nở, vợ người anh lại sinh ra một vật quái dị. Đến lúc này, người anh mới hay biết rằng em mình bị hàm oan. Về phần người em, sau khi chết, xác hóa thành khối đá, trôi dạt về khúc sông đầu làng Địch Vĩ…

Bên cửa đình, cụ Cương nhấp chén trà, giọng trầm ngâm, kính cẩn kể lại: “Theo các cụ truyền lại, ban đầu người dân thôn Thọ Xuân sai trai làng vớt lên, nhưng dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể nhấc pho tượng đá này lên bờ được. Về sau, bức tượng trôi dạt về thôn Địch Vĩ. Điều kỳ lạ là lúc này chỉ cần vài cụ cao niên trong làng ra cũng có thể nhấc bổng bức tượng lên khỏi mặt nước”.

Kể từ đó, “ngài chó đá” được dân làng gọi bằng “ông quan lớn” hay quan Hoàng Thạch. Quan Hoàng Thạch làng Địch Vĩ được dựng hướng về Hát Môn, cũng chính là hướng về quê hương. Cũng từ đó đến nay, làng Hát Môn và Địch Vĩ kết nghĩa anh em. Theo giao kết, trai gái trong làng không được phép yêu nhau.

Trong tâm thức của người dân thôn Địch Vĩ ngàn đời nay, ông Hoàng Thạch như một vị thần phù trợ cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi này nở. Đến tận ngày nay, người dân làng Địch Vĩ vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về tính linh thiêng, cầu được ước thấy đến tâm phục khẩu phục nơi cửa quan Hoàng Thạch. Bởi vậy mà trong làng, nhà nào có công to việc lớn hay khi cưới hỏi đều biện lễ ra trình ngài để mong được che chở, may mắn. Những đám hiếu trong làng đi qua chỗ ngài ngự đều kinh cẩn tạm ngưng lễ nghi, khóc lóc cho đến khi đi khuất hẳn.

Giống như Địch Vĩ, hiện nay, ở phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì, làng Hát Môn, xã Hát Môn, (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng có 4 con chó đá, 2 con nghê đá được đặt trước và sau phủ, gọi là thạch cẩu. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ.

Không chỉ ở chốn thôn quê, ngay đất kinh kỳ cũng vẫn giữ tục thờ chó đá như đền Cẩu Nhi bên hồ Trúc Bạch, Tây Hồ, Hà Nội.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.