Độc đáo linh vật chó đá xứ Lạng

GD&TĐ - Từ xưa tới nay, dân tộc Tày, Nùng ở xứ Lạng vốn có tục thờ chó đá trước cửa chính của ngôi nhà và coi chó đá là linh vật thiêng liêng. Trong thế giới tâm linh của họ, chó đá có thể trừ tà ma, yêu quái, mang lại phúc, lộc, thọ, an khang cho gia chủ. Thuận theo quan niệm về đời sống tinh thần đó mà ở Lạng Sơn đã hình thành những làng nghề tạc tượng chó đá nổi tiếng với sự tham gia của nhiều nghệ nhân tài hoa hành nghề theo nghiệp cha truyền con nối.

Chó đá của dân tộc Nùng ở huyện Lộc Bình
Chó đá của dân tộc Nùng ở huyện Lộc Bình

Công phu làng nghề

Ở Lạng Sơn, đồng bào dân tộc Tày, Nùng cư trú lâu đời tại các huyện như Đồng Mỏ, Chi Lăng, Thất Khê, Tràng Định, Văn Quan, Lộc Bình, Cao Lộc và TP Lạng Sơn… đều có tục thờ chó đá và gọi bằng những danh xưng đầy kính cẩn như: Cụ Thạch, Quan lớn Hoàng Thạch, Thần Cẩu.

Khi nhà cửa được dựng xong, người Tày, Nùng dù gia cảnh nghèo, hay giàu thì cũng phải rước bằng được tượng chó đá về thờ trước cửa chính của nhà mình để trừ ma quỷ, đón tài lộc cho gia đình.

Những gia đình có điều kiện thường tìm mua những con chó đá được chế tác bởi những người thợ chuyên nghiệp có tay nghề cao. Ví dụ như con chó đá được tráng men bóng loáng, nặng khoảng 30kg, giá tầm 2 triệu đồng/con; ngoài là linh vật trừ tà ma, đón tài lộc theo phong thủy, thì những con chó đá bạc triệu này còn là vật trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp.

Nổi danh về trình độ điêu khắc tạc tượng chó đá lâu đời nhất ở xứ Lạng là làng Yên Trạch (Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) với rất nhiều nghệ nhân chuyên nghiệp, trong đó nổi tiếng nhất là ông Lương Hải Cường đã có thâm niên hơn 20 năm tạc tượng Thần Cẩu.

Theo nghệ nhân Lương Hải Cường, tượng chó đá ở làng Yên Trạch được chế tác từ loại đá xanh nguyên khối và chỉ có loại đá này mới tạc được, còn các loại đá khác vốn chứa nhiều tạp chất nên khi chạm tạc sẽ bị nứt, bể.

Ông Cường nói, thiên nhiên đã phú cho bản làng Yên Trạch trữ lượng đá xanh rất quý và tập trung nhiều nhất là ở khu vực khe Phai Nghiều, thuộc bản Nà Khuất, với nhiều màu sắc tự nhiên như màu ngả đỏ, màu chuyển vàng nâu, màu đen.

Tuy nhiên, đá xanh lại thường có ở hang sâu, dưới những tầng đất được phủ kín, muốn khai thác đá phải tốn nhiều công sức để đào và tìm kiếm. Từng tảng đá lớn được đưa từ dưới hang sâu lên mặt đất. Sau đó, người thợ sẽ tạc phác qua thành hình dạng con chó đá thô sơ, rồi mới vận chuyển về nhà chạm khắc.

Nói chung để biến những tảng đá nặng hàng chục kí thành con chó đá sinh động, có hồn vía, thần thái thật uy nghi thì những người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn thật công phu, kéo dài liên tục trong nhiều ngày.

Những nghệ nhân có tay nghề chuyên nghiệp cao như ông Lương Hải Cường có thể chế tác được tượng chó đá với từ 4 - 5 kiểu dáng, thế khác nhau như chó đá giơ tay chào ngang tai, chó đá phủ phục, chó đá ưỡn mình…

Ông Cường chia sẻ, nghề chế tác chó đá tuy rất vất vả nhưng một khi đã bắt tay vào thực hiện thì say mê đến mức không dừng được, tập trung hết mọi cung bậc cảm xúc vào từng nét chạm, từng thớ đá. Một nghệ nhân giỏi tay nghề, bền bỉ với công việc thì phải mất 5 - 6 ngày mới tạc hoàn chỉnh một con chó đá.

Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 8 âm lịch đã có rất đông khách hàng từ nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí cả dưới miền xuôi tìm đến nhà ông Cường đặt tạc tượng chó đá, gia đình ông Cường phải tập trung làm suốt ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu. Mỗi năm, gia đình ông Cường (có người con trai đang nối nghiệp), cũng chỉ chế tác được trên 100 con chó đá và ngoài cung ứng cho người tới tận nhà đặt, gia đình ông cũng đem chó đá ra tận chợ Kỳ Lừa, Giếng Vuông (TP Lạng Sơn) bày bán.

Tôn kính nghi thức thờ

Người Tày, Nùng xứ Lạng rất tôn kính con chó đá nên dành cho linh vật này những nghi thức rất độc đáo, đầy chất nhân văn, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc trong cách thờ phụng.

Khi rước chó đá về thờ, gia chủ phải chọn ngày lành tháng tốt và mời một thầy mo có uy tín trong vùng về làm lễ cúng, gọi là lễ mở mắt, mở miệng và nhập thần cho chó đá. Họ cho rằng nếu không thực hiện nghi lễ này, thì con chó đá rước về nhà cũng chỉ là một hòn đá vô tri vô giác, không có uy quyền để trừ tà ma và sẽ không đem lại cho gia chủ những điều may mắn và bình an.

Trước khi thực hiện nghi lễ, chó đá sẽ được một người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình tắm bằng nước lá bưởi và lá đào đã được nấu để tẩy uế; người phụ nữ chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị đồ lễ, không được tham gia vào lễ cúng. Sau khi lễ cúng thực hiện xong, chó đá được quàng lên cổ một mảnh vải đỏ hoặc giấy hồng điều cùng một lá bùa trên lưng, coi như chó đá bị xích lại mãi mãi trước cửa để giữ nhà và trừ tà ma, đem lại tài lộc cho gia chủ.

Sau lễ cúng, cứ vào những ngày lễ, Tết hàng năm hay gia chủ có đám cưới hỏi, trẻ đầy tháng, thôi nôi… Thần Cẩu đều được tắm bằng nước lá bưởi, lá đào; được cúng một mâm cơm với đầy đủ cơm, thịt và cả rượu. Đặc biệt vào dịp Tết, Thần Cẩu còn được cả bao lì xì, được gia chủ cúng lễ tạ ơn mời về ăn Tết.

Chó đá sau lễ cúng

Chó đá sau lễ cúng

Đối với người Tày, Nùng xứ Lạng, chó đá là vị thần (Thần Cẩu) mà họ có thể cầu xin mọi thứ như hóa giải chuyện bất hòa trong gia đình, cầu tự, nam nữ yêu nhau hay cầu nên duyên vợ chồng, đặc biệt là cầu Thần Cẩu ngăn chặn tà ma gây ra dịch bệnh với vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà... nên ngoài thờ chó đá trước cửa nhà, một số nơi còn thờ chó đá ở đầu làng và cả ở bờ ruộng cầu mùa màng luôn bội thu.

Theo một số người dân ở phố cổ Phai Món (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) việc thờ chó đá không chỉ là tín ngưỡng đa thần mà còn là nét đẹp văn hóa thờ cúng linh vật rất độc đáo của người Tày, Nùng xứ Lạng.

Tại biệt phủ cổ ở Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình của ông Vi Văn Đinh (1880 – 1975), một Thổ ty nổi tiếng xứ Lạng, đồng thời là quan Tổng đốc hai tỉnh Thái Bình, Hà Đông (sau năm 1945, ông theo Cách mạng), khi con cháu dòng họ Vi về trùng tu thành khu trưng bày về dòng tộc, vẫn tôn kính đặt tượng chó đá để thờ trước cửa.

Từ xưa tới nay, tục thờ cúng chó đá làm linh vật (không thờ linh vật ngoại lai) của cộng đồng người Tày, Nùng vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thật đáng trân trọng và phát huy.

Chó đá được thờ ở cánh đồng

Chó đá được thờ ở cánh đồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.