Không chủ quan
Ghi nhận của cơ quan Y tế TPHCM cho thấy, chỉ tính riêng trong tuần thứ 2 của tháng 3, cơ quan y tế ghi nhận 72 ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị; tăng 35% so với trung bình 4 tuần trước (53 ca) và đã có sự tăng nhẹ từ tuần 8; đưa tổng số ca bệnh ở đây lên gần 540 trường hợp từ đầu năm 2016 đến nay. Số ca bệnh cộng dồn đến tuần 10 (665 ca) giảm 41% so với cùng kỳ năm 2015 (1.118 ca).
Điều đáng chú ý là ngoài dịch bệnh tay chân miệng có dấu hiệu, Sở Y tế TPHCM cũng đang tiếp tục giám sát các loại dịch bệnh khác, đặc biệt là các dịch bệnh đường hô hấp: Thủy đậu, quai bị, cúm,… ở mức ổn định. Riêng chỉ bệnh tay chân miệng, sự cảnh báo đã được đưa ra khi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây.
Còn tại Hà Nội, tính đến ngày 13/3, toàn thành phố có 176 trường hợp bị tay chân miệng, với con số từng tháng rất chênh lệch, rải rác tại 19 quận, huyện. Cụ thể trong tháng 1, Hà Nội có 52 ca, tháng 2 ghi nhận 47 ca. Còn trong tháng 3, mới chỉ qua 2 tuần đầu tiên, số ca bệnh đã là 73 ca, trong đó có 2 ca dương tính với virus EV71.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, mặc dù các trường hợp mắc bệnh còn rải rác và chưa có tử vong, số liệu trên cũng cho thấy có sự gia tăng nhanh chóng căn bệnh này, bởi thời điểm giao mùa hiện nay cũng chính là giai đoạn thuận lợi cho sự phát triển của bệnh chân tay miệng ở trẻ, mà ngành Y tế vẫn ghi nhận hàng năm.
Nguyên tắc “3 sạch” cho trẻ
Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng nêu rõ, do đang ở thời điểm thuận lợi của bệnh tay chân miệng bùng phát, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả trạm y tế các quận, huyện, thị xã phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không để dịch lây lan; phối hợp với Phòng Giáo dục tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho học sinh, khuyến cáo phụ huynh khi có trẻ mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly kịp thời.
Các trường học cũng cần được hướng dẫn cách phòng bệnh như: Vệ sinh lớp học (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi...) bằng xà phòng hoặc chloramin B... Đối với người dân, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nguyên tắc “3 sạch” cho trẻ: ăn (uống) sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch.
Ông Nguyễn Nhật Cảm phân tích: Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường tiêu hóa, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc tay chân miệng, 90 - 95% ca bệnh sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày, số ít trường hợp diễn tiến nặng, biến chứng nguy hiểm rơi vào các nhóm nhiễm virus EV71, gây ảnh hưởng tới đường hô hấp, hệ thần kinh. Thời gian bệnh chuyển biến sang nặng rất nhanh.
“Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng thường có những vết bỏng, vết loét ở vòm miệng, bàn tay, bàn chân. Nếu sốt nhẹ, có thể dùng paracetamol tại nhà, uống nhiều nước, các nốt trên chân, tay chỉ cần rửa bằng xà phòng, không cần bôi thuốc, cũng không cần lau miệng cho trẻ bằng nước muối. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học”, ông Nguyễn Nhật Cảm đưa ra lời khuyên.