Chuyển mạng giữ số: Tỉ lệ thành công chưa cao

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều người dân liên tiếp phản ánh về tình trạng chuyển mạng giữ số gặp khó khăn. Họ cho rằng, các nhà mạng dùng chiêu trò nhằm “giữ chân” khách hàng ở lại nên đã tìm cách gây khó dễ.  

Điểm giao dịch của nhà mạng Viettel
Điểm giao dịch của nhà mạng Viettel

Nhiều bất cập

Để thực hiện chuyển mạng giữ số, khách hàng đến điểm giao dịch của nhà mạng làm thủ tục. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Chị Thu Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi cảm thấy khó chịu với nhà mạng Mobifone. Khi tôi muốn chuyển mạng thì được Mobifone tự ý thêm một điều khoản buộc thuê bao phải sử dụng mạng thêm 2 năm nếu muốn gia hạn gói dịch vụ dữ liệu 3G/4G. Trong khi đó, điều khoản này không được thông báo trước, mãi tới khi chuyển đổi mạng khách hàng mới được biết.

Do đó, khi muốn chuyển đổi mạng, khách hàng chỉ có thể lựa chọn một trong hai giải pháp: Hoặc là hủy gói cước, hoặc tiếp tục sử dụng dịch vụ trong vòng 2 năm. Không những thế, trường hợp khách hàng vô tình đăng ký sử dụng dịch vụ data thì sẽ không thực hiện chuyển mạng giữ số được. Mấy người bạn của tôi đã ngỡ ngàng biết được điều này khi tới điểm đăng ký chuyển đổi mạng”.

Anh Lê Minh Tuyển, kỹ sư xây dựng ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội) tỏ ra ngao ngán vì cách “giữ chân” khách hàng của nhà mạng. Anh Tuyển chia sẻ: “Tôi rất bực bội với việc chuyển mạng trong thời gian qua. Tôi dùng mạng Vinaphone được hơn chục năm, nay muốn chuyển mạng giữ nguyên số sang mạng khác thì gặp phải nhiều tình huống “giữ chân” như: Báo số thuê bao không tồn tại; tự động huỷ yêu cầu chuyển mạng; Thậm chí còn gợi ý các dịch vụ khuyến mại để giữ chân khách hàng...

Điều này không những gây khó chịu cho tôi mà nhiều khách hàng khác cũng đã gặp phải những tình huống tương tự. Qua sự việc này, thiết nghĩ, các nhà mạng cần làm tốt dịch vụ của mình, chắc chắn sẽ giữ chân được khách hàng, đồng thời sẽ có nhiều khách hàng mới tìm đến”.

Mục tiêu tối thiểu là 90%

Về vấn đề chuyển mạng giữ nguyên số, tại cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước tháng 1/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông cho biết: Từ ngày 16/11/2018 đến ngày 13/2/2019, tỉ lệ đăng ký chuyển mạng giữ số thành công là khá thấp. Cụ thể, mạng Mobifone có 25.578 người dùng đăng ký chuyển mạng chỉ có 6.906 thuê bao được chuyển thành công, đạt tỉ lệ 23,09%; Vietnamobile có 5.929 người dùng đăng ký chuyển mạng, chỉ có 386 thuê bao được chuyển thành công, đạt tỉ lệ 6,51%; Viettel có 33.438 người dùng đăng ký và 27.941 thuê bao chuyển thành công, đạt tỉ lệ 83,56%. Vinaphone có 28.451 người dùng đăng ký chuyển mạng thì có 19.425 thuê bao thành công, đạt tỉ lệ 68,28%.

Cùng với đó, báo cáo của Cục Viễn thông cũng cho biết, Mobifone nhận được 9.940 thuê bao đăng ký chuyển đến, trong đó có 5.907 thuê bao chuyển thành công; Con số tương tự của Vinaphone là 35.688/19.425; Viettel là 46.961/27.941 và Vietnamobile là 816/386.

Từ thực tế người dùng mạng phản ánh và việc thống kê của các nhà mạng cho thấy, việc chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian qua còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ, nhất là nhà mạng Mobifone và Vietnamobile.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các nhà mạng cần loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Đồng thời đề nghị Cục Viễn thông cập nhật các số liệu liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thương xuyên hơn nữa. Bộ trưởng chỉ đạo trong tháng 3, các nhà mạng cần nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công, đạt tối thiểu 90%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.