Chuyện làm lịch Tết dưới triều Nguyễn

“Ở cuốn lịch năm ấy bìa vàng nhòe nét son dấu kim ấn tòa Khâm thiên giám có niên hiệu Duy Tân thập niên, người ta thấy tiết thu phân và ngày lập thu qua đã lâu rồi”. Đó là những dòng mà nhà văn Nguyễn Tuân viết trong truyện ngắn “Báo oán” về cuốn Lịch Hiệp kỷ đã từng một thời đóng vai trò quan trọng dưới triều Nguyễn.

Chuyện làm lịch Tết dưới triều Nguyễn

Chuyện làm lịch dưới triều Nguyễn ra sao? Câu trả lời được tìm thấy trong các văn bản hành chính triều Nguyễn cùng những ghi chép của Quốc sử quán trong sách Đại Nam thực lục.

chuyen lam lich tet duoi trieu nguyen

Lễ ban sóc (Lễ Vua ban lịch) trước Ngọ môn (nguồn: sưu tầm).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Khâm thiên giám triều Nguyễn là làm lịch, cụ thể là: Phải tính toán cho biết độ sai của từng năm, tính cho đều để khí tiết vừa đúng. Làm thông lịch để biết thì giờ làm ăn, tính ngày giờ để chọn ngày tốt.

Những năm đầu thời Gia Long, lịch tết vẫn được gọi là Lịch Vạn toàn. Từ ngày 1 tháng 12, năm Gia Long thứ 11 (1812), vua Gia Long cho đổi Lịch Vạn toàn làm Lịch Hiệp kỷ. Cũng theo Đại nam thực lục, Lịch Hiệp kỷ là lịch chép ngày tháng trong mỗi năm theo can, chi, có chia các tiết, các mục.

Lịch Hiệp kỷ được phân chia thành các loại lịch: Loại lịch chép tay, chỉ làm duy nhất 1 cuốn để dâng lên vua, gọi là “Ngự lịch”. “Quan lịch” là lịch dùng cho các quan và “Dân lịch” ban phát xuống các làng xã. Ngoài ra còn có ấn bản đặc biệt chỉ để thờ tại các miếu trong đại nội như Thái miếu, Thế miếu… gọi là “Long phụng lịch”.

chuyen lam lich tet duoi trieu nguyen

Lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn (Ảnh: Đoàn Kiên).

Ban đầu, lịch của vua dùng cũng có nội dung giống như lịch cấp cho quan và cho dân, vì đều được in ra từ các bản khắc gỗ. Nhưng đến năm 1831, Vua Minh Mạng cho rằng, từ trước tới nay lịch của vua dùng, Khâm thiên giám theo sách Hiệp kỷ biện phương làm để dâng lên, ở trong phần nhiều theo thói quen chép những việc thường làm của dân gian, bèn chuẩn định: Bắt đầu từ sang năm, lịch của vua dùng bỏ bớt những điều như: Thu nộp của cải, khơi ngòi, đào giếng, đặt cối giã gạo, quét nhà, trồng cây, chăn nuôi, thu nhận súc vật, dựng cột nhà, cất nóc; còn chữ “nhập học” thì đổi là “ngự kinh duyên”.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua quy định thêm: Cho Khâm thiên giám từ nay về sau in sách lịch, phàm những ngày nên cấm hát xướng, yến lạc, mặc các sắc đỏ, tía, đều thêm một khuyên mực to ở trên đầu dòng, những ngày nên cấm xử việc hình, sát sinh, thêm một khuyên mực nhỏ, để tiện cho người xem, đến ngày ban lịch, tư kèm cho các địa phương biết.

Lịch dành cho các quan lớn nhỏ hay ban xuống địa phương phân biệt ở loại giấy in và con dấu đóng trên đó. Lịch dành cho các quan lớn (quan văn từ tứ phẩm trở lên, quan võ từ tam phẩm) và các thành viên trong hoàng gia (thái hậu, hoàng quý phi, cung tần, hoàng thân, hoàng tử, công chúa…) đóng ấn Trị Lịch Minh Thời Chi Bảo (1802-1840) hay ấn Đại Nam Hiệp Kỷ Lịch Chi Bảo (1841-1945) của vua, còn lịch dành cho các quan cấp nhỏ và các cơ quan, địa phương, làng xã đóng ấn của Khâm thiên giám. 

chuyen lam lich tet duoi trieu nguyen

Bìa một cuốn Ngự lịch (nguồn: sưu tầm).

Theo nhà nghiên cứu Võ Hương An, đời Gia Long và Minh Mạng, dùng ấn Trị Lịch Minh Thời Chi Bảo, nhưng từ đời Thiệu Trị (1841-1847) cho đến ngày chấm dứt chế độ quân chủ (1945) thì thay bằng ấn Đại Nam Hiệp Kỷ Lịch Chi Bảo, vì trong ấn trước chữ Trị phạm húy nên phải đổi ấn mới. Cả hai đều được đúc bằng vàng.

Lúc bấy giờ việc in ấn bằng bản khắc gỗ là thông dụng. Giấy, bút, mực dùng để làm Lịch Hiệp kỷ đều phải là loại tốt. Cũng theo nhà nghiên cứu Võ Hương An, Lịch Hiệp kỷ được đóng bằng cách dùi lỗ ở mép gáy rồi cố định bằng dây xỏ qua lại.
Bìa lịch của “Ngự lịch” phân biệt với các loại lịch khác ở chỗ làm bằng lụa Tàu (đoạn bát ty), màu vàng, thêu rồng mây. Năm Thành Thái thứ 18, giấy bìa lịch dâng vua làm theo mẫu mới là giấy vàng Tây phương.

Việc làm lịch tết được thực hiện và hoàn thành bản thảo ngay từ giữa năm. Thêm nữa, có năm có tháng nhuận, lúa cấy sớm phần nhiều kém, nên vua Tự Đức sai Khâm thiên giám làm lịch phải dự tính trước lịch sang năm, nếu có để tháng nhuận vào tháng nào, thì phải tra xét ngay từ tháng 6, tháng 7 năm nay, tâu lên đợi Chỉ chuẩn thông sức cho trong Kinh, tỉnh ngoài để biết thời tiết.

chuyen lam lich tet duoi trieu nguyen

Tranh vẽ nhạc công, lính đánh trống, lính đốt pháo triều Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Lúc bấy giờ đi lại khó khăn, việc vận chuyển trông cậy hoàn toàn vào đôi chân, vào sức ngựa và thuyền buồm của hệ thống trạm dịch đặt suốt quan lộ nên vận chuyển một số lượng lớn sách lịch đến các địa phương khắp cả nước không phải là việc đơn giản. Vua Gia Long thấy Gia Định thành và Bắc Thành mỗi năm “Quan lịch” từ Kinh ban ra, phu trạm chuyển rất khó nhọc.

Vì vậy, năm Gia Long năm thứ 8 (1809), vua chuẩn định cho hai thành, mỗi năm cứ đến thượng tuần tháng 4 đều ủy cho ty Chiêm hậu về Kinh lãnh bản thảo lịch sang năm, đem về viết rõ rồi khắc in. Đến thượng tuần tháng 10 lại ủy người đem bìa lịch vào cho Khâm thiên giám đóng ấn.

Từ Bình Hòa trở ra, từ Thanh Hoa trở vào, theo lệ cũ thì cứ đến ngày mùng 1 tháng 12 ban lịch, rồi sau đó các bộ thần mới gửi đi, sau đó vua lệnh cho các dinh trấn ủy người đến lĩnh, đến ngày ấy ban cấp một loạt... Nghi lễ ban “Quan lịch” và “Dân lịch” được tổ chức rất trang trọng vào ngày 1 tháng 12 hằng năm.

Có thể nói, các vua triều Nguyễn khi xưa đã rất chú trọng việc làm lịch hằng năm. Đó cũng là một niềm vui mà triều đình mang lại muôn dân mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Theo petrotimes.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ