Chú rể Ấn Độ xin bố vợ 1.001 giống cây ăn quả làm của hồi môn

GD&TĐ - Ngày cười của Sarojkanta Biswal không chỉ có xe hoa mà còn kèm theo chiếc xe tải nhỏ chở món hồi môn đặc biệt.

Chú rể Ấn Độ xin bố vợ 1.001 giống cây ăn quả làm của hồi môn

Sarojkanta Biswal, 33 tuổi, là giáo viên môn Khoa học, hiện giảng dạy tại một làng ven biển thuộc huyện Kendrapara. Trong buổi gặp gỡ gia đình bạn gái trước lễ cưới, Biswal được bố vợ tương lai gợi ý về món hồi môn gia đình ông muốn tặng cho con rể.

Dù chàng trai Ấn không hề muốn nhận của hồi môn dưới mọi hình thức nhưng cha của bạn gái vẫn khăng khăng đề nghị. Cuối cùng, Biswal nảy ra ý tưởng xin bố vợ 1.001 giống cây ăn quả khiến người đàn ông này "choáng váng" nhưng vẫn phải đồng ý.

Món của hồi môn đặc biệt chú rể người Ấn Độ xin bố vợ.

Của hồi môn đặc biệt chú rể người Ấn Độ xin bố vợ.

Sarojkanta Biswal là người hoạt động tích cực trong phong trào kêu gọi dân làng trồng cây xanh. 21/6, một ngày trước lễ cưới của anh và người bạn gái đồng nghiệp, bố vợ tương lai giữ lời hứa gửi tặng 1.001 cây con. Hôm sau khi rước dâu, bên cạnh xe hoa, Biswal mang thêm chiếc xe tải nhỏ để chở của hồi môn.

Chàng giáo viên trẻ phân phát 700 giống cây xoài và cây bakul (cây sến xanh) cho những người dân trong ngôi làng Balabhadrapur giữa tiếng thổi vỏ ốc xà cừ (loại ốc biển quý hiếm được dùng trong kĩ nghệ khảm trai). Để lễ cưới diễn ra trong sự bình yên, không bị ô nhiễm tiếng ồn, Biswal quyết định không sử dụng các loại nhạc mạnh hay pháo nổ. Khi đến Belana, cách nhà chú rể 60 km, nơi cô dâu đứng chờ, Biswal bước đi mà không có bất cứ tiếng nổ pháo hay âm nhạc chào mừng.

Bố vợ trao những cây con cho chú rểBiswal.

Bố vợ trao những cây con cho chú rể Biswal.

Chú rể Biswal chia sẻ, "đám cưới xanh" là ước mơ từ lâu của anh. Hoạt động tích cực trong tổ chức "Gachha Ti Pai Saathi Tiye" (một tổ chức về cây xanh và bảo vệ môi trường), Biswal đã truyền bá tích cực về thông điệp cần trồng cây để cứu hành tinh khỏi sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Chàng trai Ấn Độ quyết định chọn cây ăn quả bởi người dân có xu hướng nuôi dưỡng và bảo vệ các cây này.

Rashmi, vợ của Biswal, một giáo viên trường trung học nữ sinh Kamala Nehru ở Cuttack, rất vui mừng với quyết định của chồng về "cuộc hôn nhân không hồi môn". "Nếu mọi người đều hành động giống anh ấy thì chúng ta có thể cứu được môi trường", Rashmi nói.

Sau lễ cưới, Biswal đã tổ chức một buổi đón tiếp và vinh danh Rashmi tại ngôi làng của anh. Chú rể cũng phát 300 cây con tại buổi lễ này. Để giữ cho sự kiện sạch sẽ, thân thiện với môi trường, Biswal không sử dụng các sản phẩm nhựa và yêu cầu khách mời cùng thực hiện. 

"Tôi vô cùng tự hào về con rể của mình. Con rể đã cho tất cả mọi người thấy rằng môi trường có thể được cứu bởi hành động chứ không chỉ lời nói", Maheswar Paital, cha vợ của Biswal nói.

Biswal và vị hôn thê.

Biswal và vị hôn thê.

Theo truyền thống của Ấn Độ, trong đám cưới, gia đình cô dâu sẽ trao đồ trang sức bằng vàng làm của hồi môn, được gọi là Stree-dhan. Truyền thống này thay đổi dần theo thời gian, của hồi môn được thay bằng tiền mặt, đất đai, thậm chí chi tiền cho việc học hành củachú rể... Trước lễ cưới, chú rể và gia đình nhà trai được gặp gỡ nhà gái để đưa ra mong muốn về của hồi môn. Việc này trở thành gánh nặng cho các gia đình có con gái, nhiều cô dâu bị giết hoặc bị tra tấn vì của hồi môn, nhiều nhà còn tự tử vì quá nghèo.
Theo Ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.