Những ngôi nhà khác thường
Bằng chứng về sự thấp bé của người làng Makhunik được tìm thấy ở những kiến trúc tại địa phương. Có xấp xỉ 200 ngôi nhà bằng đá và đất sét trong ngôi làng cổ này. Bảy mươi hoặc tám mươi trong số chúng có độ thấp khác thường, các ô cửa thì hẹp, người có chiều cao trung bình không thể đi vào mà không cúi đầu. Đặc biệt một số ngôi nhà có trần chỉ cao 140cm.
Điều khiến giới khoa học quan tâm là cư dân của Makhunik xây nhà của họ theo kiểu kiến trúc phổ biến vào thời kỳ đồ đá mới. Đặc biệt là họ có những ngôi nhà được dùng làm nơi trú ngụ cho những người bệnh. Dân làng nếu biểu hiện các triệu chứng của một bệnh nào đó thì được đưa ngay vào những nơi ở cách xa khu dân cư để được điều trị ở đây cho đến khi hồi phục hoàn toàn mới trở về nhà.
Một du khách khom người mới vào được căn nhà nhỏ |
Trong nhiều thế kỷ, tổ tiên của người Makhunik sống trong khu vực gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới hiện đại. Vùng này hoang vắng, cằn cỗi, khí hậu khô cằn khiến cho việc canh tác và chăn nuôi gia súc rất khó khăn. Trên các cánh đồng, người ta chỉ thấy cây củ cải, lúa mạch và chà là. Bữa ăn hằng ngày của người dân ở đây đạm bạc, thức ăn của họ thường chỉ có kashk - beneth (được làm từ nước sữa và một loại quả hồ trăn có ở vùng núi) và pokhteek (một hỗn hợp sữa bột và củ cải).
Những cư dân đầu tiên đến đây phần lớn là nông dân, họ canh tác trên những cánh đồng cằn cỗi, trong khi việc chăn nuôi gia súc không phổ biến ở vùng này. Tuy nhiên, họ thường xuyên bị đe dọa bởi những người xâm nhập cướp bóc thành quả trên những cánh đồng. Để tránh bị trắng tay dẫn đến đói kém, cư dân đã đào những hầm sâu trong núi để trữ thực phẩm. Những hầm sâu gọi là “Kanduk” hiện vẫn được người làng sử dụng.
Suy dinh dưỡng góp phần quan trọng vào hiện tượng thiếu chiều cao của cư dân ở đây. Tình trạng sống biệt lập cũng là nguyên nhân dãn đến hôn nhân cận huyết thống khiến con cái bị cả cha và mẹ truyền các gene xấu. Một số trong những gene này góp phần hình thành những người thấp bé.
Thiếu chiều cao không phải là nguyên nhân duy nhất lý giải việc người dân ở đây xây những ngôi nhà nhỏ. Gia súc lớn để kéo xe vận chuyển thì hiếm, đường sá không rộng rãi nên cư dân khi làm nhà phải khuân vác vật liệu bằng sức người, đi bộ nhiều cây số. Do đó, làm nhà nhỏ sẽ ít tốn vật liệu hơn, ít cực nhọc hơn. Ngoài ra, một ngôi nhà thấp bé sẽ sưởi ấm và làm mát nhanh hơn những ngôi nhà lớn, đồng thời dễ lẫn vào cảnh quan chung quanh khó bị phát hiện khi có kẻ địch tấn công.
Tiềm năng du lịch
Vào giữa thế kỷ 20, khu vực này có dáng dấp của sự phát triển đô thị với việc xây dựng đường sá, phát triển giao thông và việc xâm nhập của ô tô, giúp người dân ở Makhunik mang về nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn của họ như gạo và thịt gà. Trẻ con trong thời kỳ này lớn lên khỏe mạnh và cao hơn cha mẹ chúng, đồng thời với việc chăm sóc y tế được cải thiện, số người lùn bắt đầu giảm bớt đáng kể. Hầu hết trong số 700 cư dân của Makhunik hiện nay đã đạt được chiều cao trung bình. Theo một cuộc khảo sát hiện chỉ còn 7 người lùn trong làng, hầu hết đều già yếu.
Hiện chỉ còn một ít người lùn ở trong làng
Phải mất nhiều năm những cư dân của Makhunik mới chịu rời những nơi ở nhỏ bé của tổ tiên và chuyển vào các căn nhà gạch hiện đại. Nhưng ngoài nơi ở và chiều cao của họ, không có gì nhiều được cải thiện nơi những dân làng này.
Những người lớn tuổi ở đây thích xài đèn dầu kiểu cũ và lò sưởi bằng củi hơn là xài đồ điện. Ở đây TV cũng không phổ biến vì dân làng cho rằng chúng là ma quỷ hiện hình. Họ không bao giờ để trẻ con ngồi trước màn hình TV vì sợ chúng bị ma quỷ làm hại. Một điều đáng ngạc nhiên trong chế độ ăn uống của người làng này là họ không ưa trà, trong khi đây là một trong những đặc trưng ẩm thực và lòng mến khách của người Iran. “Kể từ khi còn nhỏ, tôi không thấy ai uống trà cả. Nếu có một người nào đó uống trà, họ sẽ bị trêu là người nghiện”, Ahmad Rahnama, một cư dân 61 tuổi nhớ lại. Họ cũng không hút thuốc, vì cho đây là một tội lỗi.
Đời sống vẫn khó khăn và nông nghiệp vẫn còn lạc hậu do tình trạng hạn hán liên tục. Những người trẻ đi đến các thành phố cạnh bên để làm việc, còn phụ nữ thì vẫn bên khung dệt. Một số cư dân lớn tuổi sống dựa vào nguồn trợ cấp của chính phủ. Làng hiện có một trường học. Vào buổi chiều, những người trẻ học giáo lý tại một nhà thờ Hồi giáo trong làng.
Kiến trúc độc đáo và di sản của Makhunik có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ở vùng này. Những người dân ở đây hy vọng du lịch sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh trong làng vào một ngày không xa.
Với sự gia tăng của du khách, các giới chức quyết định thiết lập các trung tâm nghỉ trọ. Đây là kiến trúc đặc biệt trong làng, được bảo tồn qua nhiều thế kỷ lôi kéo sự chú ý của mọi người tìm đến làng. Những người có trách nhiệm cho rằng việc xây dựng các khách sạn hiện đại gần làng có thể hủy hoại môi trường và nền văn hóa cổ ở đây. Do đó, họ tận dụng một số ngôi nhà trống trong làng biến thành những chỗ trọ thân thiện với môi trường. Du khách nước ngoài thích ở những ngôi nhà như thế này hơn các khách sạn hiện đại.
Một người lớn tuổi trong làng cho biết, nếu trước đây người ta nghĩ đến du lịch sớm hơn thì ngôi làng này đã phát triển mạnh rồi. Bởi vì lúc đó, người lùn còn nhiều. Hiện nay, ngoài những căn nhà bé xíu, người dân ở đây đã cao dần lên rồi.