Tại Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô Nguyễn Thúy Quỳnh được gọi là chuyên gia về giáo dục STEM. Ngoài những thành tích đạt được trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi cấp quận, cấp thành phố, cô Quỳnh còn sở hữu kho kiến thức STEM phong phú.
Năm học 2020 - 2021, cô Quỳnh được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: nhóm trưởng chuyên môn Sinh học, phụ trách triển khai các hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học lớp 8, 9 và chủ nhiệm đồng thời 2 lớp 7A, 9H.
Cô Quỳnh luôn coi nhiệm vụ được giao là động lực để cố gắng tự học tập nâng cao năng lực cho bản thân. Ở Trường THCS Hoàng Mai cũng như Trường THCS Tân Định, nơi cô công tác trước đó, cô luôn được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn giảng dạy, là chuyên gia STEM của Trường.
Cô Quỳnh cho biết, năm 2019, nhận thấy STEM là phương pháp giáo dục rất tích cực, cô Chu Thị Xuân Hường (khi đó là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định đã gợi ý các giáo viên tìm hiểu. Từ sự gợi mở ấy, cô Quỳnh bắt đầu tìm hiểu về giáo dục STEM và ngay lập tức say mê với phương pháp giáo dục mới mẻ này.
Cô tích cực tham gia các khóa đào tạo về STEM do Trường và Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai tổ chức, say mê cùng học sinh thực hiện các hoạt động khoa học, tổ chức thành công chương trình Ngày hội STEM của trường.
Cô Quỳnh vẫn nhớ khi chương trình Ngày hội STEM kết thúc, cô chợt phát hiện một học sinh nằm ngủ ở góc phòng thí nghiệm. Em ấy bảo vì mấy hôm tập trung thao thức với STEM, khi làm chỉ thấy vui, không thấy mệt. Giờ xong em mới thấm và ngủ quên lúc nào ko biết. "Tôi đã rất xúc động và sự say mê của học trò càng thôi thúc tôi phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa,” cô Quỳnh chia sẻ.
Không thỏa mãn với những kiến thức được học, cô tìm kiếm thông tin trên Internet, tham gia các hội nhóm về giáo dục STEM, tìm hiểu và tự đóng tiền tham gia các khóa học của các chuyên gia về lĩnh vực này ở cả trong và ngoài nước. Từ việc hiểu khá mơ hồ về STEM, thấy STEM khá xa vời với lập trình, robot… các khóa học đã giúp cô hiểu STEM rất gần gũi, đó chính là tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Theo cô Quỳnh, giá trị của giáo dục STEM mang lại không chỉ nằm ở sản phẩm học sinh tạo ra mà quan trọng hơn là ở quá trình thực hiện của học sinh, khi các em phải biết làm việc nhóm, phải biết tìm hiểu và sử dụng kiến thức liên môn, ứng dụng linh hoạt trong thực tế, biết giới thiệu về sản phẩm của mình. Vì vậy, ngay cả khi chưa làm ra sản phẩm, các em vẫn nhận được rất nhiều bài học như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống…
Để có những giờ học cuốn hút, cô đã khép léo lồng ghép những kiến thức STEM sinh động đến với học sinh, giúp các em say sưa với những chủ đề như tái chế rác thải, năng lượng xanh, pha chế đồ uống an toàn, xây dựng hệ thống tưới cây tự động. Những hiệu quả tích cực từ STEM mà cô Quỳnh mang lại đã thổi luồng gió mới trong giáo dục của nhà trường, tạo động lực cho các giáo viên khác cùng đổi mới.