Xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 qua trực tuyến

GD&TĐ - Sáng 26/10, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến tới gần 300 điểm cầu.

Vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021
Vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021

Dự điểm cầu tại Sở GD&ĐT có ông Nguyễn Ngọc Ân- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; bà Trần Thị Thu Hà- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học.

Phát biểu khai mạc hội đồng xét duyệt, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ  5 được Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Giải thưởng cũng nhằm khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường. Đồng thời động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị và ngành giáo dục Thủ đô ngày càng vững mạnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu khai mạc
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu khai mạc

Trước đó, từ tháng 2/2021 đến tháng 5/2021, Giải thưởng  “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 đã được các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học triển khai sâu rộng đến các nhà giáo. Nhiều ý tưởng giải pháp đổi  mới trong quản lý, chỉ đạo dạy học, đổi mới phương pháp, xây dựng trường học hạnh phúc, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học trực tuyến, công tác giáo viên chủ nhiệm, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng dạy học đã được các nhà giáo khai thác, triển khai hiệu quả.

Một số Phòng GD&ĐT tổ chức giải thưởng cấp quận, huyện tốt như quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai, quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, huyện Đan Phượng...  Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, 155 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT đã được đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp Ngành.

Hội đồng xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021
Hội đồng xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021

Tại cấp Ngành, Hội đồng xét duyệt đã tổ chức chấm vòng sơ loại để chọn 40 nhà giáo xét duyệt vòng Chung khảo bắt đầu từ ngày 26/10, gồm 10 nhà giáo cấp học Mầm non, 10 nhà giáo cấp học Tiểu học, 10 nhà giáo cấp học THCS, 10 nhà giáo cấp học THPT và GDTX. Tại vòng Chung khảo, 40 nhà giáo tiêu biểu sẽ trực tiếp báo cáo những đổi mới, sáng tạo trước Hội đồng thẩm định và trả lời một số câu hỏi mà Hội đồng thẩm định đưa ra.

Trong sáng 26/10, các nhà giáo tiêu biểu cấp tiểu học đã trình bày những đổi mới, sáng tạo trước Hội đồng xét duyệt, nhiều sáng kiến được Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao. Đó là sáng kiến xây dựng website học tập mang tên ATM hạnh phúc của cô Nguyễn Phương Thảo- giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Cô Thảo còn xây dựng kênh youtube "Cánh diều story telling chanel” với nội dung là những câu chuyện do học sinh tự kể lại, thiết kế các game học tập để các con vừa học vừa chơi trong mùa dịch.

Các nhà giáo tiêu biểu trực tiếp trình bày những đổi mới, sáng tạo trước Hội đồng xét duyệt
Các nhà giáo tiêu biểu trực tiếp trình bày những đổi mới, sáng tạo trước Hội đồng xét duyệt

Còn cô Nguyễn Thị Kiều Trang - giáo viên Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) trình bày quá trình xây dựng lớp học hạnh phúc với các giải pháp: đảm bảo an toàn cho học sinh, yêu thương, tôn trọng, được hiểu, có giá trị... thông qua việc trang trí lớp học,tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn, tạo cảm xúc tích cực khi đến trường cho học sinh qua hoạt động chào đón học sinh, khen ngợi học sinh, tặng phần thưởng cho học sinh, hòm thư “Điều em muốn nói”, xây dựng nội quy lớp học tự quản. 

Cô Phạm Thị Hệ Ngân - giáo viên Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) lại tâm đắc với dự án “Gieo mầm từ những trang sách” qua việc xây dựng giá sách tại lớp và tạo cho HS thói quen đọc sách. Cô đã triển khai các giải pháp tạo cho học sinh yêu thích đọc sách, viết văn hay hơn, tự tin trình bày trước đám đông, chăm ngoan, học giỏi. Dự án đã được phụ huynh ủng hộ, phản hồi tích cực, góp phần xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc.

Điểm mới của vòng Chung khảo năm nay, đó là Hội đồng thực hiện xét duyệt theo hình thức trực tuyến. Mỗi buổi xét duyệt, theo từng cấp học, Ban Tổ chức sẽ kết nối trực tuyến tới điểm cầu các phòng GDĐT, các đơn vị trường học để Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn các đơn vị cùng tham dự (cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên sẽ kết nối tới hơn 100 điểm cầu/cấp học, riêng cấp THPT kết nối tới 200 điểm cầu). Việc đổi mới này nhằm mục đích lan tỏa những giải pháp ý tưởng đổi mới sáng tạo trong quản lý, trong giảng dạy và chỉ đạo tốt hơn nữa mùa giải thứ 6 năm học 2021-2022.

Dự kiến, lễ tổng kết và trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 diễn ra vào tháng 11/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.