Chuyện khởi nghiệp trên núi của thanh niên người dân tộc Tày

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với sức trẻ cùng khát vọng khởi nghiệp, chàng thanh niên người dân tộc Tày Lâm Tiến Lộc đã và đang thực hiện mô hình kinh tế sáng tạo, đem hiệu quả cao.

Chuyện khởi nghiệp trên núi của thanh niên người dân tộc Tày.
Chuyện khởi nghiệp trên núi của thanh niên người dân tộc Tày.

Khởi nghiệp ở miền núi

Khởi nghiệp ở miền núi đặt ra nhiều thách thức, buộc người trẻ có nhiều hơn một tinh thần thép để vượt lên những khó khăn, biết áp dụng khoa học kĩ thuật và tính toán hợp lý nguồn vốn ít ỏi.

Năm 2020 sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi lợn rừng chàng trai người dân tộc Tày Lâm Tiến Lộc trú tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã bắt tay vào nuôi thử nghiệm. Nhận thấy giống lợn này có nhiều ưu điểm so với giống lợn thịt mà người dân đang nuôi, anh Lộc đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách địa phương để nhân rộng mô hình.

Anh Lộc cho biết: Trên mảnh đất của gia đình, tôi xây dựng chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 2ha, quy mô khoảng 15 con/lứa và kho thức ăn chăn nuôi vừa tự cấp vừa kinh doanh. Để việc tiêu thụ được thuận lợi, chúng tôi chăn nuôi theo hình thức cuốn chiếu, trung bình khoảng 1 tháng tôi lại thả 1 lứa.

Hiện nay, giá lợn rừng thương phẩm dao động từ 130.000 đồng – 150.000 đồng/kg, cao hơn khá nhiều so với giá lợn thịt lợn nuôi thông thường. Ngoài ra gia đình anh cũng nuôi thêm 50 con gà, ao cá xen lẫn với các loại cây như chuối, rau,…

Trang trại lợn rừng được anh Lộc đầu tư và phát triển chăn nuôi bài bản.

Trang trại lợn rừng được anh Lộc đầu tư và phát triển chăn nuôi bài bản.

Tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi

Không chỉ phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, tận dụng nguồn thức ăn lấy ngắn nuôi dài, anh Lộc vừa duy trì chăn nuôi, vừa có thêm thu nhập từ việc nấu rượu.

Anh Lộc cho biết: Để có nguồn thức ăn cho lợn, mỗi ngày gia đình anh Lộc nấu 200 - 300 kg gạo sau khi trưng cất rượu, phần bã sẽ trở thành nguồn thức ăn chính trong chăn nuôi.

Anh Lộc chia sẻ: Việc kết hợp nấu rượu với chăn nuôi đem lại hiệu quả rất tốt. Bởi giúp gia đình tôi tận dụng được nguồn bã rượu để trộn với bột ngô, cám gạo và thức ăn xanh làm cám tổng hợp để nuôi lợn, thứ hai nữa là tiết kiệm được công nấu cám và dùng cám này giúp đàn lợn sẽ ham ăn hơn, lớn nhanh hơn và chất lượng thịt đạt tốt hơn, được thị trường ưa chuộng hơn...

Cũng theo anh Lộc, bã rượu có giá trị dinh dưỡng cao, cùng với những axit amin, bã rượu còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin giúp kích thích tiêu hóa, giúp lợn ăn chóng lớn.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề môi trường cho chăn nuôi, anh Lộc còn tận dụng phân lợn từ các ô chuồng được rửa sạch hàng ngày sau khi ủ mục sẽ sử dụng bón cho rau màu và cây ăn quả.

Hiện nay, lượng rượu gia đình anh làm ra không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà anh Lộc còn tích cực chia sẻ, rao bán trên các sàn thương mại điện tử để có cơ hội tiếp cận với thị trường lớn hơn. Cũng theo anh Lộc, quá trình nấu rượu gia đình tôi luôn lựa chọn nguồn nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc xuất sứ, do đó các sản phẩm khi đưa ra thị trường đều đảm bảo về chất lượng an toàn vệ sinh, nhờ đó khách hàng mới tin tưởng đón nhận.

Nấu rượu, nuôi lợn rừng không chỉ giúp cho gia đình anh Lộc vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định mà mô hình chăn nuôi khép kín này còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số hộ dân xung quanh.

Theo anh Lộc, trung bình một năm, việc kết hợp và sáng tạo trong mô hình chăn nuôi đã giúp gia đình anh có thu nhập trên 300 triệu, trừ các khoản chi phí sẽ lãi khoảng 100 triệu. Bên cạnh đó, mỗi tháng, anh Lộc thuê từ 5-7 người làm, tạo thu nhập từ 3 – 4 triệu/ tháng/ người.

Không chỉ phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, tận dụng nguồn thức ăn lấy ngắn nuôi dài, anh Lộc vừa duy trì chăn nuôi, vừa có thêm thu nhập từ việc nấu rượu.
Không chỉ phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, tận dụng nguồn thức ăn lấy ngắn nuôi dài, anh Lộc vừa duy trì chăn nuôi, vừa có thêm thu nhập từ việc nấu rượu.

Ông Nguyễn Văn Năm thôn Ao Vệ xã Thái Sơn huyện Hàm yên là một trong những lao động thường xuyên tại mô hình chăn nuôi nhà anh Lộc biết: Mỗi ngày tôi làm khoảng 4-5 tiếng, công việc là vệ sinh chuồng trại, hỗ trợ cho đàn lợn ăn, đây là công việc phù hợp với sức khoẻ và đem lại thu nhập giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống.

Đánh giá về mô hình sáng tạo của anh Lộc, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Long khẳng định: Mô hình nấu rượu kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Lâm Tiến Lộc là một trong những mô hình điển hình đem lại thu nhập cao cho gia đình. Đặc biệt, mô hình còn góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân địa phương nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Chính lợi thế của việc sử dụng bã rượu trong chăn nuôi đã duy trì phong trào làm kinh tế hộ gia đình của người dân xã vùng cao huyện Hàm Yên, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ