Dương Đức Nhan (1442 - 1524), người ấp Dương Xuyên, sau là xã Hà Dương, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Là Tiến sĩ nhà Lê sơ, cuộc đời làm quan không thật nổi bật, song Dương Đức Nhan lại có công lớn trong việc đào tạo người con rể là Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất đương thời.
Học trò Thám hoa đỗ Tiến sĩ
Dương Đức Nhan (1442 - 1524), người ấp Dương Xuyên, sau là xã Hà Dương, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Hà Dương, xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo – Hải Phòng).
Theo một số tư liệu và gia phả họ Dương ở Hà Dương thì thủy tổ dòng họ là Dương Công, từng tham gia quân đội nhà Hậu Trần đời vua Trần Quang Đế đánh giặc Minh vào đầu thế kỷ 15 tại vùng Thượng Hạ Hồng (nay thuộc các huyện Chí Linh, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo và Thanh Miện). Sau cuộc chiến, ông về mảnh đất bên triền tả sông Tranh khẩn hoang, kết hôn với người đàn bà họ Nguyễn sinh ra hậu duệ đời thứ hai là ông Dương Tiến Tài.
Đến năm Tân Dậu (1442), thì hậu duệ đời thứ ba ra đời là cậu bé Dương Tiến Đức. Càng lớn Dương Tiến Đức càng khôi ngô tuấn tú, đặc biệt rất sáng dạ. Mười ba tháng đã nói sõi, ba tuổi đã biết khuôn phép, lễ nghĩa. Lúc đến tuổi đi học, gia đình mời thầy về dạy, cậu bé Dương Tiến Đức học đâu hiểu đấy, học một biết mười, bách gia chư tử, tứ thư ngũ kinh đều thuộc làu làu.
Tuy nhà chẳng có gì làm dư dả nhưng ông bà Dương Tiến Tài cố gắng hết sức lo cho con ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, nho sinh Dương Tiến Đức học hành ngày càng tấn tới và còn được biết đến là một trong những học trò xuất sắc của Thám hoa Lương Nhữ Hộc.
Trước khi thi Hương, ông lấy hiệu là Đức Nhan. Thời gian sau ông đã dày công sưu tầm, biên soạn cuốn “Tinh tuyển chư gia thi tập” với các thi phẩm của các thi nhân thời Trần và Lê sơ, được thầy Lương Nhữ Hộc bình và chấm câu. Hiện tập sách này vẫn được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Đến khoa thi Đình năm Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông, Dương Đức Nhan đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân cùng với Nhữ Văn Lan (ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) do Đông các Hiệu thư Đào Cử soạn, Trung thư giám chính tự Nguyễn Tủng viết chữ và Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại khắc chữ, có đoạn viết: “Gặp năm có khoa thi lớn, kẻ sĩ ca bài ‘Lộc minh’ mà đến, đông tới 1.400 người, để cùng nhau đua tranh tài nghệ trong chốn xuân vi, hạng xuất sắc chọn được 44 người.
Ngày 16 tháng Hai, Hoàng thượng ngự ở hiên điện thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương… Ban cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống đỗ Tiến sĩ cập đệ, xuất thân thứ bậc có khác nhau.
Ngày 22, vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan bộ Lễ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Đông Hoa để cho các sĩ tử xem tên. Lại ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu…”.
Sau khi đỗ đại khoa, Tiến sĩ Dương Đức Nhan làm quan tại Thăng Long. Ông đã tham gia soạn thảo bộ Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật), có thể coi là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số tư liệu còn cho biết, do có kiến thức uyên thâm và tài ngoại giao, giỏi ngoại ngữ nên ông từng được triều đình nhà Lê cử đi sứ nhà Minh.
Thành bố vợ Trạng Trình
Thời gian làm quan tại Thăng Long, Tiến sĩ Dương Đức Nhan đã đưa gia đình và con cháu lên đây sinh sống. Do có nhiều cống hiến cho đất nước, Dương Đức Nhan được vua ban tước Dương Xuyên hầu và đất đai. Năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) đời vua Lê Hiến Tông, ông về trí sĩ (thôi làm quan), đưa theo vợ và con gái út Dương Thị Ý về quê.
Số ruộng đất mà vua ban, ông hiến tặng cho làng tổng cũng như mở trường dạy học, sau này là thực địa khu văn chỉ của làng. Nghe danh ông, rất nhiều học trò từ xa kéo đến, trong đó có cháu ngoại người bạn đồng khoa Nhữ Văn Lan là Nguyễn Văn Đạt (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Thời thơ ấu Nguyễn Văn Đạt học tại xã Cổ Am do Tú tài Trần Ông Sóc giảng dạy. Do học “hết chữ của thầy”, ông Nguyễn Văn Định phải xin cho con là Nguyễn Văn Đạt mới tròn chục tuổi đến học trường của Tiến sĩ Dương Đức Nhan.
Với tài năng vượt trội, Văn Đạt đã chiếm được tình cảm của cả gia đình thầy Dương Đức Nhan. Rồi tình yêu giữa Nguyễn Văn Đạt và cô con gái út của thầy là Dương Thị Ý nảy nở. Chuyện tình lãng mạn này vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Chuyện rằng, thời trai trẻ, ngoài việc học hành, văn chương, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thích giao lưu bạn bè, thăm thú danh lam, thắng cảnh. Tình cờ đi qua đất Hà thành gặp một cô gái đi gánh nước, dáng yêu kiều, xinh đẹp khiến cậu học trò tiến đến gần, nhìn say đắm làm cô gái xấu hổ vứt cả quang gánh mà chạy.
Bỉnh Khiêm có phần hối hận về thái độ “sỗ sàng” nhưng mắt vẫn nhìn theo lưu luyến. Thấy chiếc đòn gánh trên đường, chàng thầm vui nhặt lên và viết mấy chữ “Huyền lý hải cầu”. Cô gái chờ cho chàng trai lạ mặt đi xa mới quay lại lấy đòn gánh, đọc thấy dòng chữ nhưng không hiểu có ý là gì bèn vội vàng trở về thưa chuyện với cha.
Thấy con gái mình mặt còn đỏ lên vì ngượng, lại hỏi ngay ý tứ của dòng chữ trên đòn gánh, biết có chuyện vui, người cha đọc to bốn chữ rồi cười lớn và giải thích “Huyền lý hảo cầu” nghĩa là từ nơi xa đến tìm điều tốt lành.
Nói xong ông hỏi con gái: “Ai viết cho con những chữ này?”. Cô gái đáp: “Dạ, đó là một anh học trò qua đường!”. Nghe xong, ông lại cười mà nói: “A, phải chăng chàng trai này muốn nói mình từ nơi xa đến tìm người con gái tốt để làm hồng nhan tri kỷ? Với khẩu khí này ta đoán cậu ta là học trò yêu của quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng chứ không sai”.
Thấy cha vui cười, lòng cô gái xốn xang vội lánh vào phòng để che giấu tình cảm của mình đang thể hiện rõ trên khuôn mặt xinh đẹp. Dù không dám hỏi nhưng cô đã biết rõ tên của người ấy, một chàng trai nổi tiếng thông minh mà cha cô thường khen ngợi mỗi khi nhắc tới những học trò của người bạn đồng liêu.
Không lâu sau đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận được giấy mời của cha cô gái gánh nước mà chàng tình cờ đã gặp và kể từ đấy cuộc tình duyên thắm đẹp giữa hai người chính thức được bắt đầu với sự vun vén của hai gia đình, cuối cùng là lễ thành hôn của đôi trai tài gái sắc.
Người có ảnh hưởng lớn với Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trong thời gian Tiến sĩ Dương Đức Nhan về trí sĩ, ngôi chùa làng ở ngoài cánh đồng bị hư hại do một cơn bão lớn trước đó, ông liền bàn với Hương lý kỳ mục cùng các bậc cao niên trong làng di chuyển ngôi chùa về mảnh đất có vị trí phong thủy đắc địa hơn, rồi ngay sau đó ông đứng ra hưng công.
Khi ấp Dương Xuyên đủ số dân trở thành làng, chức sắc làng xin Tiến sĩ Dương Đức Nhan cho tên mới, ông vui vẻ nhận lời và chọn tên Hà Dương. Còn một giải thích khác về sự hình thành tên làng Hà Dương là do xã Hà Dương, tổng Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, thừa tuyên Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) là quê gốc của ông tổ họ Dương.
Và cũng có thể vì lý do này, mà Tiến sĩ Dương Đức Nhan đã gửi chàng rể út của mình là Nguyễn Bỉnh Khiêm vào học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng quê ở xã Hội Triều, tổng Bái Cầu cùng huyện Hoằng Hóa.
Vì Dương Đức Nhan có công lớn đối với quê hương, nên khi ông mất (1524), được nhân dân địa phương đặc cách ký táng ông tại đầu hồi phía Đông chùa Hoa Am. Hình thức mai táng cũng rất đặc biệt khi quan tài được đặt trong khối hộp đá có trục xoay được phần lắp trên, nhưng không thể mở ra được.
Ngay sau đó, đền thờ nhà khoa bảng Dương Đức Nhan được dựng bên cạnh nơi yên nghỉ của ông. Sau này thôn dân địa phương đã tôn danh ông là Phúc thần, và nơi đây được gọi với cái tên tôn kính là “mả Nghè” (tức mộ Tiến sĩ).
Cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Dương Đức Nhan có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ chỗ nhận làm học trò, dạy dỗ với thời gian khá dài và ảnh hưởng tới cả nhân cách. Sau lại gả con gái, và gửi con rể vào học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng - danh sĩ nổi tiếng nhất đương thời.
Mọi việc lớn nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm đều hỏi ý kiến Dương Đức Nhan. Với tầm nhìn xa về thời vận nhà Lê đang ở thế suy vi, lại gặp lúc Mạc Đăng Dung lên ngôi nên Nguyễn Bỉnh Khiêm không tiện lộ diện. Khi Mạc Đăng Doanh nối ngôi, lúc đó ông đã sang tuổi 45, mới quyết định đi thi năm Ất Mùi (1535) và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên).
Trong thời gian Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan triều Mạc (1535 - 1542). Tục truyền, vào thời kỳ này, ông thường đi thăm thú vùng ngoại thành phía Bắc Thăng Long ven sông Thiên Đức, thấy đất đai nơi đây màu mỡ, phong cảnh hữu tình, cũng giống như ấp Trình Tuyền ở quê, ông liền làm ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô ven sông Đuống để nghỉ ngơi cũng như tiếp đãi bạn bè.
Sau đó lại đưa nhiều con cháu và dân làng nội ngoại từ Trung Am và Hà Dương đến sinh cơ lập nghiệp. Theo gia phả họ Dương ở Hà Dương, thì bà Dương Thị Ý sinh được 5 người con, trong đó người con trai là Hàn Giang cư sĩ, sau đổi họ Nguyễn thành họ Giang về Ninh Bình định cư. Và người con gái lớn lấy Phạm Dao, sau làm đại quan nhà Mạc được phong tước Phú Xuyên hầu.
Tác phẩm duy nhất và nổi tiếng của Tiến sĩ Dương Đức Nhan là bộ “Tinh tuyển chư gia luật thi” (còn được gọi là “Thi gia tinh tuyển”, “Tinh tuyển tập”, “Tinh tuyển chư gia thi tập” hay “Cổ kim chư gia tinh tuyển”). Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Huệ Chi, bộ sách này có lẽ được Dương Đức Nhan biên soạn khi chưa đỗ Tiến sĩ, tức trước năm 1463. Theo Lê Quý Đôn, bộ sách này gồm 15 quyển, nhưng theo Phan Huy Chú thì chỉ “có 5 quyển, chép từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn trở xuống, (gồm) 13 thi gia, tất cả 472 bài”.
“Tinh tuyển chư gia luật thi” không phải là một tuyển tập thơ toàn bích về từng triều đại hay về cả một thời đại, mà chỉ là một tuyển tập “bổ sung những bài còn thiếu” (nhận xét của Lê Quý Đôn).
Tuy bài tựa ở đầu bộ sách đã mất, nhưng Lê Quý Đôn còn ghi được một đoạn trong “Toàn Việt thi lục”, và cho rằng, đó là một lời thanh minh, than thở của người soạn sách về sự bất lực của mình trong việc sưu tầm, và tình cảm dân tộc thật rõ nét sau những lời cảm thán này.
Khu đền thờ Tiến sĩ Dương Đức Nhan được xếp hạng di tích lịch sử năm 2013. Năm 2021, công trình được phục dựng cơ bản, trở thành công trình văn hóa tâm linh, nơi thờ cúng, tri ân, vinh danh và lưu danh các bậc hiền tài của quê hương. Đồng thời, đền thờ cũng là nơi kết nối và duy trì bản sắc, truyền thống hiếu học; giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, cội nguồn.