Giàu truyền thống hiếu học
Nơi nuôi dưỡng, ươm mầm những ước mơ, tiếp lửa cho truyền thống hiếu học của các thế hệ người con Vĩnh Bảo chính là những ngôi trường có bề dày như: Trường Tiểu học Cổ Am, Trường THCS Cổ Am, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THPT Vĩnh Bảo…
Ở những ngôi trường ấy luôn có những người thầy, người cô giỏi nghề, tận tâm và ngày ngày có những tiết dạy hay những sáng kiến giỏi để rồi đào tạo nên từng thế hệ học trò vừa hồng, vừa chuyên.
Thầy giáo Phạm Quốc Hiệu - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo chia sẻ: Trường THPT Vĩnh Bảo tự hào khẳng định “thương hiệu” gần 60 năm dạy tốt, học tốt trong hệ thống các trường THPT trong thành phố. Đó là, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp luôn đạt từ 99,9 - 100%; tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi xếp từ thứ 3 đến thứ 5 thành phố; thi học sinh giỏi lớp 12 đạt kết quả cao xếp từ thứ 5 đến thứ 10 và dẫn đầu khối ngoại thành.
Tại các kỳ thi học sinh giỏi thành phố và quốc gia, học sinh của trường liên tục giành giải. Bên cạnh thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều năm nay Trường THPT Vĩnh Bảo luôn được xếp trong tốp 200 trường THPT có điểm thi vào đại học cao nhất cả nước, có nhiều thủ khoa đỗ vào các trường đại học danh tiếng cả nước.
Kể về truyền thống hiếu học trên quê hương cụ Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm và những thành tích của nhà trường, cô giáo Trần Thị Trang Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo cho hay, tọa lạc tại thị trấn Vĩnh Bảo nhưng Trường THPT Vĩnh Bảo không chỉ giáo dục cho những thế hệ những người con của quê hương.
Mà với “tiếng thơm” truyền đời, hàng năm nhà trường đón nhận rất nhiều em học sinh từ những huyện, tỉnh khác như Tiên Lãng (Hải Phòng), Tứ Kỳ (Hải Dương), Quỳnh Phụ (Thái Bình), thậm chí nhiều con em người nhà của cán bộ giáo viên nhà trường gửi về quê học.
Tạm “gác bút” sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT để chờ kết quả tuyển sinh vào đại học, Hoàng Anh Dũng (HS lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) vẫn không khỏi xao xuyến khi nhắc về ngôi trường cấp 3 thân yêu nơi mình gắn bó suốt 3 năm học phổ thông.
Dũng kể, từ khi cắp sách tới trường, Dũng đã ước mơ được học tại Trường THPT Vĩnh Bảo bởi nơi đó em được nghe những câu chuyện về truyền thống hiếu học của trường, gương học sinh giỏi, những thủ khoa đại học. Đặc biệt, ngôi trường có các thầy cô giáo luôn “cháy” hết mình với những giờ giảng trên lớp, luôn ân cần, hỏi han vỗ về học trò như những đứa con ngoan.
Chẳng vậy mà đến tận bây giờ trong Dũng vẫn vẹn nguyên cảm xúc nhớ về buổi xem bóng đá cùng thầy hiệu trưởng. Đó là dịp cách đây hơn 2 năm, khi em đang học năm lớp 10.
Một buổi chiều học thêm trong tiết trời đông lạnh giá, nắm được tâm lý học trò vừa học vừa nhấp nhổm cổ vũ cho tuyển U23 Việt Nam trong trận chung kết tại Thường Châu (Trung Quốc), thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Hiệu đã quyết định cho học sinh toàn trường nghỉ học buổi chiều để cùng thầy cô cổ vũ cho tuyển Việt Nam tại màn hình lớn trước sân trường.
Tiếng cổ vũ, reo hò, những tiếng cười rộn vang sân trường thêm gắn kết tình bạn, tình thầy trò. Sau những giờ học nghiêm túc là những giây phút chơi xả ga, hết mình tiếp thêm sức mạnh, năng lượng để em và các bạn cố gắng học tập chăm ngoan, Dũng kể lại.
Cô giáo Trang Nhung chia sẻ, trường không chỉ dạy văn hóa cho học sinh mà nhà trường chú trọng đến những chương trình ngoại khóa hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh.
Các em được tham gia những sân chơi bổ ích để phát triển năng lực cũng như các kỹ năng sống để có thể tự tin bước vào cuộc sống như cuộc thi: Người dẫn chương trình tài năng, Hội thi học sinh THPT Vĩnh Bảo tài năng - thanh lịch, cuộc thi tìm kiếm tài năng Vĩnh Bảo’Got Talent, cuộc thi Video, clip về thầy cô và mái trường và nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo khác.
Tình yêu với thầy cô và mái trường cứ thế được bồi đắp, lớn dần lên qua năm tháng. Cũng từ đó, bao thế hệ học trò thành danh làm giàu truyền thống khoa bảng trên quê hương Trạng trình.
Chuyện lạ ở đất học
Những câu chuyện kể về người thầy, người cô không quản khó khăn, vất vả đến từng nhà kiểm tra bài cho học sinh vào mối buổi tối nhiều người lấy làm “lạ”. Nhưng ở đất học Vĩnh Bảo, đây là câu chuyện thường thấy, là việc làm thường xuyên, không thể thiếu của những người lái đò thầm lặng.
Thầy giáo Đoàn Văn Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo chia sẻ, Vĩnh Bảo có truyền thống hiếu học, vì thế học trò nơi đây rất có ý thức vươn lên trong học tập. Nhưng điều không thể phủ nhận là sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người của huyện nhà.
Đó là tấm gương những thầy cô say nghề, nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Những lớp học trò chăm ngoan, học giỏi, gương những thủ khoa đại học là minh chứng sinh động cho thành tích giáo dục tại Vĩnh Bảo. Một việc mà nhiều trường học trên địa bàn vẫn duy trì thành nếp là thầy cô giáo thường xuyên kiểm tra bài cho học trò vào những buổi tối.
Trường THCS Cổ Am - Vĩnh Tiến năm học 2019 - 2020 có 377 học sinh. Là trường có truyền thống “dạy tốt - học tốt”, điểm sáng trong ngành Giáo dục của huyện Vĩnh Bảo. Đây cũng là một trong nhiều trường của huyện Vĩnh Bảo duy trì được hoạt động thầy cô kiểm tra đột xuất việc học hành của học sinh tại gia đình vào những buổi tối.
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Am - Vĩnh Tiến chia sẻ, việc kiểm tra học sinh học bài ở nhà được nhà trường duy trì nhiều năm. Mỗi đợt kiểm tra thường vào dịp học sinh ôn thi học kỳ, ôn thi vào 10 hoặc kiểm tra với những học sinh học yếu. Nhà trường không ấn định ngày nào phải đi kiểm tra học sinh, thông thường mỗi lần kiểm tra là 1 tháng hết một lượt với học sinh khối 9 và hai tháng hết một lượt với các khối còn lại.
Thầy cô thường kiểm tra đột xuất việc học của các con bằng cách đến từng nhà học sinh vào khung giờ từ 7 - 8 giờ tối xem học sinh có ngồi học bài không, kiểm tra ý thức học tập bằng những câu hỏi nhanh về các môn học, bài tập cô giao hoặc lắng nghe chia sẻ của các em về những vướng mắc gặp phải trong học tập. Sau khi kiểm tra học sinh, các thầy cô sẽ trao đổi trực tiếp tình hình học tập của các con với phụ huynh để cùng phối hợp, cô Thủy cho hay.
Cô giáo Lê Ngọc Mai - GV dạy Ngữ văn Trường THCS Cổ Am - Vĩnh Tiến là một trong những thầy cô tích cực đi kiểm tra nề nếp học tập tại nhà của học sinh. Hơn 13 năm công tác trong ngành, năm học nào cô Mai cũng đến từng nhà học sinh để nhắc nhở các em chuyện học hành.
Chính vì thế, những lớp cô chủ nhiệm có nề nếp rất tốt, học sinh ngoan ngoãn và có thành tích học tập cao. Năm học vừa qua, cô Mai được phân công dạy lớp 9D, lớp của cô 100% học sinh đỗ vào lớp 10, có nhiều em đạt trên 40 điểm.
Cô Mai cho hay, việc kiểm tra nề nếp học tập của trò ở nhà rất thiết thực, hiệu quả nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm. Ngoài việc đôn đốc, nhắc nhở các em học bài, tạo thành nề nếp mà cô giáo còn gần gũi với học trò hơn, trao đổi trực tiếp tình hình học tập của học trò với phụ huynh để cùng giáo dục các em.