Không có lệnh vẫn bắt người và khám xét
Theo đơn, khoảng 17 giờ ngày 7/4, Phạm Văn Dương, Hoàng Quốc Long, Nguyễn Văn Huấn đang ngồi chơi tại nhà Tùng. Đây là nhà Tùng thuê tại địa chỉ KDC Tiền Hải, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo. Lúc đó anh Hoàng Văn Nhân đi xe máy qua cửa nhà. Huấn gọi Nhân vào để đòi tiền. Trước đó, Nhân vay tiền của Huấn chưa trả.
Khi Nhân vừa vào nhà rút tiền ra trả Huấn thì 4 người đàn ông bịt khẩu trang xông vào nhà Tùng. Một trong 4 người lấy tiền và ví trên tay anh Nhân. Sau đó bốn người này tự xưng là Công an huyện Vĩnh Bảo. Dù không có lệnh nhưng vẫn thực hiện khám xét nhà Tùng. Sự việc được camera nhà Tùng ghi lại.
“Họ yêu cầu tôi mở két cho họ khám. Tôi có hỏi tại sao không có lệnh khám xét mà công an lại tự ý xông vào nhà. Nhưng họ nói đang thực thi công vụ, tôi buộc phải tuân thủ theo, không cần phải có bất cứ lệnh gì cả. Do bị ép buộc nên tôi buộc phải mở két cho họ khám. Họ thu giữ trong két của tôi ba quyển sổ, hai thẻ tín dụng. Những người này yêu cầu tôi phải giao chìa khóa xe máy cho họ rồi chở tất cả chúng tôi về trụ sở Công an huyện Vĩnh Bảo”, Tùng trình bày trong đơn.
Tại trụ sở công an, điều tra viên yêu cầu Tùng ra thực hiện việc khám xe. Sau đó công an yêu cầu Tùng ký tên niêm phong vào vỏ thùng mỳ tôm. Tùng không rõ trong đó có những gì.
Tùng được yêu cầu cộng số tiền trong 3 cuốn sổ mà công an thu được từ nhà Tùng. Tổng số tiền sau khi cộng là trên hai tỷ đồng. Tùng có giải thích trong cuốn sổ có cả người vay và cho Tùng vay. Nhưng điều tra viên không nghe và tính số tiền Tùng thu lợi bất chính là trên 800 triệu.
Tối ngày 8/4, công an cho Tùng về. Từ 9 - 14/4, Tùng liên tục bị triệu tập lên lấy lời khai. Tùng cho rằng, nội dung các biên bản lấy lời khai đều do điều tra viên tên Cường hướng dẫn.
Ngày 15/4, Công an huyện Vĩnh Bảo ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tùng về tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Ngay sau đó, công an ra lệnh tạm giam Tùng hai tháng. Tùng cho rằng, lúc bị bắt tâm lý hoang mang nên đã ký và làm theo theo hướng dẫn. Tùng được hướng dẫn tự tay chỉnh sửa, viết thêm vào các quyển sổ đã thu giữ của Tùng sau khi khởi tố vụ án
Theo Tùng, lý do viết đơn kiến nghị là bởi bản thân phạm tội ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp bị tạm giam. Tất cả những lời khai theo các biên bản hỏi cung, bản tự khai đều theo hướng dẫn của điều tra viên và hoàn toàn gây bất lợi cho Tùng.
Luật sư Trịnh Thị Dương - Đoàn Luật sư Hải Phòng cho biết, Công an huyện Vĩnh Bảo vào nhà Tùng ngày 7/4 kiểm tra đột xuất nhưng không rõ thuộc trường hợp nào. Hành động trao tiền của Huấn và Nhân không phải cho vay nặng lãi. Nhân trả tiền Huấn không liên quan đến Tùng. Theo quan điểm của luật sư, việc khám nhà, bắt giữ người ngày 7/4 của Công an huyện Vĩnh Bảo đã là trái luật.
Mặc quân phục thì khó… đánh án
Trung tá Phạm Văn Dung, Đội phó điều tra hình sự, Công an Vĩnh Bảo cho rằng, từ ngày 1/3, anh em thực hiện kế hoạch về cao điểm tấn công các hành vi liên quan đến tín dụng đen. Qua nắm tình hình, nhận thấy nổi lên có nhóm cho vay cầm đồ của Phạm Xuân Tùng. Công an huyện xác định nhóm Tùng có cho vay nặng lãi. Công an huyện đã xác lập chuyên án 420T ngày 1/4 để đấu tranh với nhóm đối tượng này.
Ngày 7/4, Công an huyện kiểm tra hành chính đột xuất đối với cơ sở của Tùng. Do không kiểm tra công khai nên không có lệnh, quyết định. Việc chứng kiến cảnh Nhân và Huấn trao tiền, phía công an cho rằng thời điểm đó chưa xác định được ai là người vay hoặc cho vay. Công an huyện không tiến hành khám xét nhà của Tùng mà vận động Tùng giao sổ để phục vụ điều tra.
Qua sổ ghi chép, cơ quan công an yêu cầu Tùng giải thích về phần ghi chép của mình. Lần theo đó, công an huyện xác định được 182 lượt vay. Công an triệu tập 9 người vay tiền của Tùng đến làm việc. Qua đó xác định hoạt động cho vay nặng lãi của Tùng với 9 người này là 224 triệu. Căn cứ vào đó, công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Sau đó, cơ quan công an tiếp tục điều tra và làm việc với 50 người vay tiền của Tùng, xác định số tiền thu lời bất chính khoảng trên 450 triệu.
Giải thích về việc “giật” tiền, khám xét nhà Tùng khi không đeo biển tên, không trình thẻ ngành, Trung tá Phạm Văn Dung cho rằng, nếu cán bộ mặc quân phục thì sẽ không thực hiện được. Các đối tượng đều biết đó là công an, nếu không nhanh thì không thể bắt được. Tuy nhiên, Trung tá Phạm Văn Dung thừa nhận khuyết điểm này.
Phía Công an huyện Vĩnh Bảo khẳng định việc tạm giam Tùng là đúng theo quy định. Không có việc ép buộc Tùng khai nhận tội. Tùng có ghi chú giải thích những phần chữ của mình trong sổ lãi để rõ ràng, phía công an không ép.
Theo quy định phải có ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can. Công an huyện Vĩnh Bảo giải thích rằng, hiện nay chưa đủ cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn phục vụ ghi âm ghi hình. Vì vậy, buổi hỏi cung nào cần ghi âm ghi hình thì công an huyện phải xin lịch từ phía Công an TP Hải Phòng. Riêng vụ án “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, công an huyện cũng ghi âm, ghi hình rất nhiều lần.