Tại các xã An Hòa, Trung Lập, Trấn Dương, Vĩnh An, Hưng Nhân thuộc huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm hành lang đê điều, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phổ biến. Chính quyền có động thái “xử lý cho tồn tại” vì vi phạm đó vẫn đang tiếp diễn hàng ngày.
Tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp
Khu vực ngoài đê thôn Nội Tạ, xã An Hòa có hàng ha diện tích đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của địa phương. UBND xã ký hợp đồng thầu khoán diện tích đất này cho các hộ dân với mục đích trồng cây hàng năm, tre bát độ.
Sau nhiều năm, mô hình này không mang lại hiệu quả kinh tế. Các hộ dân như ông Tô Văn Phởn, Tô Văn Huấn, Tô Văn Vượng cùng cư trú ở thôn Nội Tạ, xã An Hòa và hộ ông Hoàng Văn Reo (trú tại xã Trung Lập) tự ý thuê máy xúc đào ao nuôi trồng thủy sản. Chính quyền địa phương khi phát hiện nhiều hộ đã đào xong hàng nghìn m2.
Theo bà Phạm Thị Thắm, cán bộ địa chính xã cho biết, hộ ông Tô Văn Phởn thuê 2.400m2 diện tích bãi ngoài đê để sản xuất nông nghiệp nhiều năm nay. Ngày 11/4, qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện ông Phởn đang thuê người chặt tre và cho 2 máy xúc xúc đưa đất lên sà lan. Tổ công tác lập biên bản yêu cầu ông Phởn dừng hoạt động, hoàn trả lại hiện trạng.
Ngày 15/4, tổ công tác phát hiện hộ ông Hoàng Văn Reo sử dụng máy xúc hạ thấp mặt đất tự nhiên trong hành lang bảo vệ đê và bãi sông. Vị trí đào cách chân đê phía sông là 10m, chiều dài dọc đê 70m, độ sâu trung bình 0,5m. Tổ công tác lập biên bản yêu cầu hộ ông Reo dừng ngay hành động tự ý san lấp, hoàn trả nguyên trạng trước ngày 20/4.
Về việc tự ý chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp của hai hộ dân trên, ngày 27/4, UBND xã An Hòa đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu các hộ khắc phục hoàn trả nguyên trạng ban đầu.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hộ ông Phởn, ông Reo vẫn không khắc phục hiện trạng ban đầu. Tình trạng đào vét đất thành đầm nuôi thủy sản tại khu vực ngoài đê thôn Nội Tạ vẫn diễn ra. Bên cạnh khu đất nhà ông Phởn, ông Tô Văn Huấn, Tô Văn Vượng vẫn đang cho máy xúc đào đất, đắp bờ thành một hố sâu có diện tích hàng nghìn mét vuông.
Việc đào đất ngoài đê thành đầm nuôi thủy sản diễn ra nhiều năm nay. Các hộ cứ theo nhau tự ý chuyển đổi đất mà không xin phép chính quyền địa phương. Ông Vũ Mạnh Kha, chủ tịch xã cho hay, việc tự ý đào đất, xâm phạm hành lang bảo vệ này vi phạm Luật Đê điều và Luật Đất đai. Xã đã có quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phụ hiện trạng nhưng các hộ chưa thực hiện.
Vi phạm trên của các hộ dân xã An Hòa vừa diễn ra trong tháng 4. Nhưng khi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Bảo thì bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, trưởng phòng không hay biết về những vi phạm này. Bởi trong danh sách những trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại huyện Vĩnh Bảo từ tháng 1 – 5 mà Phòng Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho phóng viên không có tên các hộ dân nói trên.
Xã “giấu” huyện các sai phạm
Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Bảo, từ tháng 1 - 5, trên địa bàn huyện có 5 trường hợp vi phạm lĩnh vực đất đai nằm trên địa bàn 5 xã An Hòa, Trung Lập, Trấn Dương, Vĩnh An, Hưng Nhân. Lỗi vi phạm của các hộ dân được chỉ ra là tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp làm thay đổi hiện trạng đất mà không được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Cụ thể, trường hợp ông Phạm Văn Khánh (thôn 5, xã Trung Lập) đã tự ý đổ vật liệu, dựng tường, cốt sắt và lợp mái tôn trên diện tích đất nông nghiệp. Thời điểm phát hiện, ông Khánh đã xây dựng công trình bằng gạch bê tông dày 10cm, cao 2,1m, dựng cột và lợp mái tôn diện tích 108,5m. Đồng thời, ông Khánh còn lấn đất nông nghiệp xây dựng công trình trái phép trên đất. Ngày 12/2, UBND huyện Vĩnh Bảo ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền 11,5 triệu đồng. Buộc ông Khánh phải khắc phục hậu quả, khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, đến nay vi phạm này vẫn tồn tại.
Tại xứ Đồng Miễu, thôn Kênh Hữu, xã An Hòa, ông Phạm Văn Phước tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Tổng diện tích đất hiện trạng là 790,5m2. Trong đó, diện tích đất theo giấy CNQSD đất là 300m2, phần diện tích chuyển đổi trái phép là 81m2, còn lại là diện tích đất lấn chiếm sang đất chưa sử dụng và 274m2 đất nông nghiệp đã được san lấp bằng cát. Trên phần diện tích 81m2, ông Phước đã xây quây tường bằng gạch ba vanh cao hơn 2m, dựng khung nhà xưởng bằng thép mạ kẽm. Ngày 12/4, UBND huyện Vĩnh Bảo đã xử phạt ông Phạm Văn Phước 10 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả. Nhưng đó chỉ là những động thái “trên giấy” của chính quyền địa phương, còn vi phạm vẫn đang tiếp diễn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho hay, xảy ra vi phạm về sử dụng đất đai trách nhiệm của chính quyền địa phương là phát hiện, xử lý và báo cáo. Tuy nhiên, nhiều vi phạm của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường không nhận được sự phối hợp của địa phương, có xã còn không báo cáo những vi phạm đó.