(GD&TĐ) - Xã Phú Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) là một xã miền núi vùng cao. Đời sống nhân dân nơi đây còn rất nghèo, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của đa số bà con dân tộc thiểu số còn thấp nên công tác GD gặp nhiều trở ngại.
Trẻ em Phú Sơn còn gặp nhiều khó khăn trên con đường đến với tri thức |
Gian nan đường đến trường
Từ thị trấn Hồi Xuân, đi hướng Bắc theo quốc lộ 15A chừng 35km rồi qua đò mới đến địa bàn xã Phú Sơn. Trên chiếc đò nan chòng chành, nhiều lúc chúng tôi thót tim, khi nhìn xuống dòng nước chảy xiết của sông Mã. Chưa kịp hoàn hồn thì gặp ngay con dốc cao vút từ bến đò lên bờ. Đã mấy ngày liền, trời mưa dầm dề làm cho đất sét lẫn đá sỏi cứ quánh lại, trơn trượt.
Người dân Phú Sơn từ bao đời nay vẫn đi lại như thế để giao lưu với bên ngoài. Năm 2005, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng cho Phú Sơn một cây cầu treo trị giá 5 tỷ đồng. Mấy tháng trời, bà con cùng công nhân công ty Cổ phần giao thông 2 (thuộc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) ngày đêm tích cực làm cầu. Ai cũng vui mừng vì từ đây được đi lại thuận tiện, đời sống sẽ tốt hơn vì buôn bán dễ dàng hơn.
Bà con hi vọng, háo hức chờ rồi đến tuyệt vọng khi nghe tiếng nổ vang trời lúc đêm khuya vào một ngày tháng 5-2008. Cây cầu chưa kịp hoàn thành đã sập trôi theo dòng sông Mã. Nguyên nhân do đơn vị thi công cầu thiếu kinh nghiệm, khi căng cáp buộc không cẩn thận đã bị tuột cáp. Ngay sau đó, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra điều tra làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả. Và người dân vẫn phải đi lại trên những chuyến đò nguy hiểm.
Những năm gần đây, xã Phú Sơn được đầu tư phát triển kinh tế, xã hội qua các dự án 135, 134, 174... của Chính phủ nên đời sống bà con cũng được khắc phục phần nào. Con đường cấp phối liên xã; trường học cấp 1, cấp 2... được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc học tập. Vì thế, công tác GD đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và HS vì lo miếng cơm, manh áo nên chưa chú trọng đầu tư cho học tập. Địa hình xã chủ yếu là đồi núi, dốc cao trên diện rộng, nhiều bà con dân tộc thiểu số chưa biết tiếng phổ thông nên công tác tuyên truyền, vận động học tập vô cùng gian khó. Chỉ trẻ em ở các bản Chiềng, bản Tai Giác, bản Ôn là đi học thuận lợi. Còn ở các bản Khoa, bản Suối Tôn thì đường đến trường lắm gian truân, vẫn còn các lớp học ghép.
Ở bản Suối Tôn, 100% là dân tộc Mông sống trên những đỉnh núi cao. Gánh nặng mưu sinh; tình trạng sinh đẻ vô tội vạ; một số hủ tục lạc hậu; trình độ dân trí thấp... là những nguyên nhân cản trở HS đến lớp. Năm 2008, bản đã được đầu tư xây dựng trường học nhưng vẫn còn một bộ phận trẻ em chưa biết đến trường, lớp vì “Đi học thì không ai lên rẫy cho” – tâm sự của em Mùa Thị Sinh (15 tuổi). Cả bản gồm 57 hộ với 323 nhân khẩu, trong đó không ít trẻ em. Nhiều gia đình ở đây cứ chìm trong vòng luẩn quẩn: đẻ nhiều - nghèo đói – bệnh tật- thất học...
Thầy Lê Duy Xuân cùng nhiều thầy cô miền xuôi ăn ở trong điều kiện thiếu thốn, nhưng vẫn khắc phục khó khăn để bám lớp, vận động HS đến trường. |
Nỗi niềm GV vùng cao
Không khí buổi chiều tà ở vùng núi cao làm chúng tôi xao xuyến. Càng trầm mặc, âm u hơn bởi vào buổi chiều mưa. Mới ở một ngày, đã thấy nhớ nhà da diết. Đó cũng là tâm trạng, nỗi niềm của hàng chục GV miền xuôi sống và dạy học ở đây. Có những người buổi đầu háo hức lên đây công tác với hi vọng tích lũy kinh nghiệm, rồi khoảng 3-5 năm được về xuôi. Nhưng có những thầy cô đã ở đây hàng chục năm trời. Các GV cùng cảnh ngộ đã bén duyên, lập gia đình, sinh con...
Đa số GV vẫn sống tạm ở căn nhà lụp xụp trong khuôn viên Trường Tiểu học Phú Sơn. Căn phòng gần 20m2, là nơi sinh sống của gia đình thầy Lê Duy Xuân (người huyện Hoằng Hóa) và cô Nguyễn Bích Thủy (huyện Yên Định). Thầy cô đều là những GV miền xuôi, lên miền núi dạy học. Chung cảnh ngộ, hai người bén duyên, xây dựng gia đình. Cô Thủy tâm sự: “Em lên đây dạy học được 8 năm mà vẫn chưa được chuyển đến trường gần hơn hoặc về miền xuôi. Ở đây mãi rồi cũng thấy quen, lại được HS, bà con xã yêu mến”.
Ở vùng sâu vùng xa nhiều khi có tiền mà chẳng biết mua gì. 14 năm công tác, thầy Lê Văn Bách (Hiệu phó trường) dành dụm gửi về nhà phụ giúp gia đình ở huyện miền biển Hậu Lộc. Thứ 7 hàng tuần, các GV vượt đò đi chợ phiên ở huyện Mai Châu (Hòa Bình). Đời sống GV nơi đây còn cực khổ: chưa có điện lưới quốc gia như bao người dân xã Phú Sơn, chưa có nước sạch để dùng, ăn uống kham khổ vì chợ xa... Các thầy cô chung nhau mua được bao cái máy tuốc bin, chắn dòng suối lấy điện dùng nhưng dùng chưa được lâu đã bị con nghiện lấy cắp. Thầy cô phải trèo đèo, lội suối xách nước về dùng. Nhiều GV chủ động trồng các loại rau, nuôi con gà, vịt... để cải thiện đời sống.
Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng vì lòng yêu con trẻ, say mê với nghề nên các GV ở đây luôn khắc phục hoàn cảnh, vẫn đều đặn bám lớp, vận động HS đến trường. Vào đầu mỗi năm học, GV lại phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trong xã đến từng nhà, từng người vận động HS đi học. Gian nan là thế nhưng nhiều khi vận động các em đi học, được một thời gian ngắn, các em lại bỏ học lên rẫy, ở nhà.
Hàng năm có hơn 30 HS “khăn gói” xuống thị trấn Hồi Xuân học cấp 3. Các em đi học gặp nhiều khó khăn, thỉnh thoảng mới trở về “cõng” gạo, bắp, sắn, măng rừng, tiền bạc... làm chi phí ăn học. Cả xã mới chỉ có một em đã tốt nghiệp đại học và một em đang theo học ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Ông Phạm Minh Núi, Phó chủ tịch UBND xã nói về khó khăn trong công tác GD của Phú Sơn: “Điều kiện giao thông cách trở; tỉ lệ hộ nghèo còn nhiều; gần 100% HS là người dân tộc thiểu số: Thái, Mường, Mông... nên còn một số em bỏ học, không đi học. Bên cạnh đó, kinh phí địa phương còn eo hẹp cũng khiến việc hỗ trợ, đầu tư cho GD gặp nhiều khó khăn”.
Hoàng Quân – Nam Hải