Barack Obama gây khó dễ cho Trump
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Obama và chính quyền của ông đã đưa ra nhiều quyết định, mục đích duy nhất là tạo ra những khó khăn cho Donald Trump. Đó là những chuyện không hề nhỏ, ngược lại là đường hướng quan trọng nhất đối với Mỹ - từ kinh tế đến những vấn đề nổi cộm ở Trung Đông.
Số là gần đây, Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama ký hàng loạt các quyết định quan trọng như: Hợp tác của Lầu Năm Góc với Liên bang Nga bị cấm đến khi Nga chấm dứt những hành động bị cáo buộc là “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và các nước thành viên NATO”; Hiệu lực của “Đạo luật Magnitsky” được mở rộng đến toàn bộ thế giới; Mở rộng lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Nga vì Syria và Ukraine; Thông qua việc phân bổ cho Ukraine 350 triệu USD cho các mục đích quân sự.
Đây là số tiền viện trợ không đáng kể, nhưng nó thể hiện đường lối chống lại Nga; Thông qua lệnh MANPADS với phe đối lập Syria; Hỗ trợ việc thành lập Cục Nhà nước tại Trung tâm “chống tuyên truyền” của Nga và Trung Quốc; Cấp cho Lầu Năm Góc quỹ hợp tác quân sự với Đài Loan vào năm sau.
Còn nhớ cách đây chưa đầy một tháng, Trump đã phải chịu sự cản trở với quy mô lớn của các phương tiện truyền thông Mỹ trong việc kết nối cuộc trò chuyện qua điện thoại với nhà lãnh đạo của Đài Loan sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Obama đích thân cảnh báo rằng đây là bước đi quá “vội vàng” liên quan đến chính sách “một Trung Quốc”.
Những hành động gần đây của Tổng thống Obama đã thể hiện tối đa các thủ đoạn bẩn thỉu, tạo ra “quả bom hẹn giờ” đối vối người kế nhiệm. Mục tiêu - để tạo ra các “chướng ngại vật” trên các lĩnh vực quan trọng nhất đối với Mỹ - cả trong nước (kinh tế) và chính sách đối ngoại (Trung Đông, Trung Quốc, Nga).
Theo các nhà phân tích, Obama chắc chắn không hành động một mình. Ông là một đại diện của một phần đáng kể của giới tinh hoa Mỹ, những “nạn nhân” của cuộc bầu cử vừa qua.
Trump sẽ loại bỏ phần lớn “di sản” của Obama?
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News gần đây, cựu Chủ tịch Quốc hội Mỹ Newt Gingrich và là “cánh tay phải” của Donald Trump tuyên bố: Trong những ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể bãi bỏ 70% các sắc lệnh cuối cùng của Obama. Đánh giá về việc ký các sắc lệnh gần đây của Barack Obama, Newt Gingrich gọi là “sự điên rồ tuyệt vọng”.
Cũng theo lời Newt Gingrich. Về đối nội có 4 vấn đề cần phải cải tổ: Thứ nhất, luật di trú; Thứ hai, bảo hiểm y tế với tên gọi “Obamacare” Thứ ba, luật về môi trường có ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các doanh nghiệp; Thứ tư, dỡ bỏ các hạn chế trong lĩnh vực năng lượng.
Trước đây, Barack Obama cấm khai thác dầu khí ở Bắc Cực. Quyết định này được biện minh là để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rất có thể Donald Trump sẽ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí này vì sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, Obama ủng hộ nghị quyết của LHQ chống lại Israel trong việc xây dựng khu định cư ở Bờ Tây, tuy nhiên, Trump chắc chắn sẽ không bỏ mặc đồng minh then chốt của Mỹ ở Trung Đông.
Tân quan, tân chính sách. Đó là chuyện bình thường. Điều bất bình thường ở đây là cả đường lối đối nội và đối ngoại của Donald Trump và Barack Obama đều xung khắc với nhau. Ngay cả vào những ngày cuối cùng này, Donald Trump phải lên tiếng phủ nhận tuyên bố của Obama rằng, nếu tham gia tranh cử Tổng thống vừa qua, Obama sẽ chiến thắng.
Chuyện lình xình trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ là hi hữu. Với cường quốc số 1 thế giới như Mỹ, việc thay đổi 70% chính sách của người tiền nhiệm là sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền mới nhưng cũng gây xáo trộn không ít trong quan hệ đối ngoại, trong đó, việc Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi TPP là một ví dụ điển hình.