“Chuyên gia săn học bổng” giúp sinh viên

GD&TĐ - Không chỉ là giảng viên dạy giỏi, được sinh viên quý mến, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Trưởng ngành Trung Quốc học, Trường Đại học Lạc Hồng còn được nhiều giảng viên, sinh viên ưu ái gọi bằng cái tên "chuyên gia săn học bổng" cho sinh viên.

Trong một buổi lễ trao học bổng.
Trong một buổi lễ trao học bổng.

Hạnh phúc nhất khi làm một nhịp cầu

Hoàng Oanh là người con của núi rừng Tây Nguyên. Cũng như bao đứa trẻ nơi đây, chị lớn lên trong lam lũ nhưng bình yên như cây cỏ.

Năm 2004, nhờ một người bạn giới thiệu mà chị biết về Trường Đại học Lạc Hồng để rồi sau đó một mình chị xách balo rời quê hương vào xứ Đồng Nai theo học ở ngôi trường này.

Vốn say mê ngoại ngữ từ nhỏ nên khi trúng tuyển vào Trường Đại học Lạc Hồng chị đã chọn học ngành Trung Quốc học. Bởi lúc đó, thông qua báo chí, chị biết được nhu cầu tuyển dụng nhân sự có sử dụng tiếng Trung là rất lớn. Gia cảnh không khá giả, vì thế mong mỏi lớn nhất của cô gái trẻ dải đất Tây Nguyên là khi học xong  có thể tìm được một việc làm để trụ lại nơi này.

Những năm tháng sinh viên có lẽ là những năm tháng khó khăn nhất đối với chị, bởi chị phải sống xa nhà, một mình xoay xở vừa làm vừa học. Nhưng đây cũng là giai đoạn “lửa thử vàng”, tạo lập nền tảng kiến thức chuyên môn và những mối quan hệ xã hội rộng mở.

Giảng viên Nguyễn Thị Hoàng Oanh (giữa) tại Trường ĐH Lạc Hồng
Giảng viên Nguyễn Thị Hoàng Oanh (giữa) tại Trường ĐH Lạc Hồng 

Chị Hoàng Oanh chia sẻ: “Cuối năm thứ 2 đại học, mình mạnh dạn nộp hồ sơ xin phỏng vấn vào một công ty Đài Loan, và mình đã trúng tuyển để được làm thêm ở đó. Sang năm 3 và năm 4 thì mình đã có rất nhiều bạn bè là người Trung Quốc. Mình trân trọng từng mối quan hệ, cố gắng mở rộng, duy trì, bồi đắp các mối quan hệ với họ cho đến tận bây giờ”.

Tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng với thành tích vượt trội, cô cử nhân Hoàng Oanh được trường giữ lại và chị đã lựa chọn cho mình con đường ở lại nơi mình đã vun vén ước mơ, để rồi dấn thân với nghiệp trồng người.

Nhiều năm gắn bó ở Đại Học Lạc Hồng, điều khiến chị vui nhất, thoải mái nhất chính là bắc thêm những nhịp cầu kết nối doanh nghiệp. Với những hiểu biết sâu sắc về con người, văn hóa Trung Hoa trong quá trình học tại Nhà trường và du học ở Trung Quốc, chị Hoàng Oanh đã thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nhân đến từ Trung Quốc, Đài Loan và trở thành cầu nối để sinh viên của mình đến thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, hoặc du học ở  những quốc gia, lãnh thổ này.

Rảnh là đi săn học bổng cho sinh viên

Sự “đa năng” của giảng viên trẻ Hoàng Oanh không chỉ ở góc độ giảng dạy, quản lý và mở đường để sinh viên đi vào doanh nghiệp. Cô còn được mệnh danh là “mama”, là “friend” của các em sinh viên ngành Trung Quốc học.

Vốn xuất thân từ một sinh viên khó khăn, học tập xa nhà nên Hoàng Oanh rất hiểu và chia sẻ với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì lẽ đó, hễ cứ có thời gian rảnh là cô lại đi đây đi đó săn tìm học bổng vượt khó cho sinh viên của mình.

Được biết, từ năm 2012, chị Hoàng Oanh đã vận động được rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan tài trợ học bổng cho sinh viên ngành Trung Quốc học của Đại học Lạc Hồng. Chỉ riêng từ cuối năm 2018 đến tháng 9/2019, đã vận động các doanh nghiệp tài trợ cho sinh viên nghèo ngành Trung Quốc học số tiền 510 triệu đồng để các em đóng học phí, khoảng 800 triệu đồng cho các chuyến field trip tại Vũng Tàu và các chi phí hỗ trợ 44 sinh viên du học 2 tháng tại Đại học Bách Khoa Quế Lâm (Trung Quốc).

Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh (giữa) cùng với sinh viên của mình
 Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh (giữa) cùng với sinh viên của mình
Nói về “mama” của sinh viên ngành Trung Quốc học, TS. Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: “Nguyễn Thị Hoàng Oanh là người sống rất chân thành, tình cảm, gần gũi với sinh viên. Nhiều sinh viên được viết tiếp ước mơ đại học nhờ nguồn học bổng từ các doanh nghiệp mà cô Oanh vận động được. Những việc cô Oanh làm là rất trân quý, nó không chỉ gieo thêm niềm tin, động lực cho sinh viên, mà còn giúp lan tỏa sự nhân ái từ nhà trường đến với xã hội”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.