Cử tri cũng kiến nghị có quy định về số nhóm, lớp đối với trường lớp ngoài công lập để phù hợp với điều kiện thực tế (số lượng ít hơn quy định của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học). Đồng thời Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về việc sáp nhập trường mầm non công lập có quy mô dưới 9 nhóm lớp đối với địa bàn không phát triển được quy mô nhóm lớp theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Điều lệ trường mầm non.
Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay hệ thống trường mầm non công lập ở các địa phương chưa đáp ứng kịp nhu cầu gửi trẻ do tốc độ tăng dân số cơ học cao. Công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phát triển giáo dục mầm non, giảm gánh nặng cho hệ thống giáo dục mầm non công lập là hết sức cần thiết. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác xã hội hóa giáo dục và sửa đổi văn bản cho phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục mầm non.
Kiến nghị của cử tri tỉnh về chính sách giao đất để xã hội hóa đầu tư giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT tiếp thu và tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ.
Việc ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học nhằm tạo cơ sở để các cấp chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư đảm bảo đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Các quy định trong Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT đáp ứng các yêu cầu của Chương trình GDPT mới và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng công trình.
Đối với các trường mầm non tại địa bàn khó khăn và trường dân lập, tư thục, tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT đã quy định quy mô tối thiểu là 5 nhóm lớp.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 hướng dẫn các địa phương một số nguyên tắc để thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhằm khắc phục những hạn chế, tạo đồng bộ, đảm bảo hiệu quả đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.
Trong đó, đề nghị các địa phương thực hiện: Việc thực hiện dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ phải lấy mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tạo sự thuận lợi cho học sinh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị nhà trường, tránh đầu tư dàn trải, từ đó bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối quản lý, các vị trí việc làm có cùng chức năng.
Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường sau sáp nhập. Việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học.