Nói trên tờ The Spectator, nhà kinh tế học người Ireland Philip Pilkington cho rằng các sự cố trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có thể chấm dứt sự thịnh vượng kinh tế của phương Tây. Việc không thể nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ dẫn đến giá cả tăng vọt và khiến dòng tiền đổ ra để mua nhiên liệu. Theo chuyên gia này, một kịch bản như vậy có thể so sánh với cuộc Đại suy thoái năm 1929.
Trong khi đó, Nga và các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) cùng một số quốc gia khác đang dần hình thành một khối cạnh tranh: tăng cường quan hệ thương mại và tài chính, đồng thời bổ sung các bên tham gia mới.
“Có vẻ như mục tiêu của các nền kinh tế này là tách mình ra khỏi phương Tây càng nhiều càng tốt. Nếu thành công, họ có thể tránh được một cuộc khủng hoảng” - ông Pilkington kết luận.
Trước đó, ngày 1/10, nhà báo William Moloney viết trên tờ The Hill đã thu hút sự chú ý về tình trạng mất đoàn kết giữa các nước NATO, điều này trở nên trầm trọng hơn khi vấn đề kinh tế tại các quốc gia của liên minh ngày càng gia tăng. Tác giả dẫn ra ví dụ về sự thống nhất trong liên minh bị sụp đổ khi đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, trong khi các nước khác lại ủng hộ.
Ngày 22/9, tạp chí Foreign Policy dự đoán cuộc đấu tranh sinh tồn của châu Âu trong bối cảnh hạn chế nguồn cung cấp khí đốt của Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp theo. Theo tài liệu tờ báo trên dẫn ra, EU đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng phức tạp ảnh hưởng đến cả cuộc sống của người dân bình thường lẫn các công ty lớn và toàn bộ các ngành sản xuất.
Các nước phương Tây đang đối mặt với các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng do chính sách trừng phạt chống Nga. Theo đó cắt giảm, và trong tương lai sẽ từ chối nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU đã trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè, khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị gián đoạn do các vấn đề trong việc bảo trì các tuabin cho đường ống Nord Stream. Ngay sau đó, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra kế hoạch tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt từ 1/8/2022 đến 31/3/2023.
Kết quả của cuộc khủng hoảng năng lượng trên đang khiến giá khí đốt và điện tăng ở EU, lạm phát ở một số nước châu Âu phá vỡ kỷ lục.