Không có ngoại lệ, tất cả các chuyên gia đều hoài nghi về khả năng lệnh trừng phạt mới nhất của Washington có thể ảnh hưởng đến dòng chảy dầu mỏ của Nga.
Chưa một ai tin vào lời hứa thực thi chặt chẽ hơn các hạn chế cũ để ngăn chặn hoạt động thương mại bị trừng phạt, chuyên gia năng lượng của Bloomberg - ông Javier Blas cũng tin vào điều này.
Theo đánh giá, bất kỳ biện pháp nào của phương Tây cũng sẽ tạo ra các bước đi đối phó, gia tăng mâu thuẫn và khiến hoạt động buôn lậu (theo quan điểm của Washington và Brussels) trở nên khó khăn hơn và có thể ít lợi nhuận hơn, buộc người bán phải giảm giá nhiều hơn.
Nhưng họ sẽ không thể làm giảm đáng kể lưu lượng dòng chảy, chứ đừng nói đến việc ngăn chặn chúng.
Hiện tại dầu thô vẫn đang "chảy như sông" khi Nga, và ở mức độ thấp hơn là Iran cùng với Venezuela - 3 quốc gia sản xuất dầu lớn đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, vẫn đang bơm khoảng 16 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Giả sử bộ ba này bán dầu với mức chiết khấu 20% so với giá thị trường thì vẫn kiếm được tới 1 tỷ đô la một ngày.
![Phương Tây không thể ngăn chặn dòng dầu thô của Nga, Iran và Venezuela tràn ra thị trường. 030222-nga-dau.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/cdb150776b030707bae16d2464c6237a2196fcd4cc3e02128a327cbb7ff6c9b5b37d7c9c9a1086a280052703220c67e7/030222-nga-dau.jpg)
Chuyên gia Blas phàn nàn rằng không giống như thị trường dầu mỏ phương Tây, nằm dưới sự quản lý của Hoa Kỳ và EU, cũng như các nước G7, thị trường dầu thô "thân Nga" thực sự đang phát triển mạnh mẽ.
"Việc phương Tây coi dầu mỏ của Nga, Iran và Venezuela là bất hợp pháp cũng không giúp ích được gì. Đối với Trung Quốc, Ấn Độ cũng như nhiều nước đang phát triển khác, dầu của họ cũng tốt như bất kỳ nước nào khác", ông Blas viết.
Hơn nữa, các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt có lợi ích trong việc nới lỏng hạn chế đối với kênh buôn lậu để giữ giá dầu ở mức thấp, và họ sẽ cần phải thuyết phục mọi người, đặc biệt là Bắc Kinh và New Delhi rằng giá dầu đắt hơn là cái giá xứng đáng phải trả để tuân thủ lệnh trừng phạt. Mọi người đều hiểu rằng bước đi này là không thể.
Đây chắc chắn là một thất bại chính trị đáng xấu hổ, chuyên gia Blas khẳng định, và sự thụ động đáng buồn nói trên được che đậy bằng lời lẽ khoa trương và phát ngôn từ các quan chức cấp cao của Mỹ và EU.
Miễn là các chính phủ phương Tây từ chối trả giá dầu cao hơn để làm tê liệt thị trường chợ đen, Nga sẽ vẫn tiếp tục bán dầu của mình miễn là họ muốn và có lãi.