Chuyên gia lưu ý dạy học Ngữ văn lớp 9, lớp 12 theo chương trình mới

GD&TĐ - Việc dạy học, ôn tập Ngữ văn lớp 9, lớp 12 phải coi trọng yêu cầu dạy cách đọc, cách viết, không phải trang bị và bắt học thuộc các bài văn mẫu.

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học Ngữ văn.
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học Ngữ văn.

Đánh giá năng lực đọc, viết dựa vào mức độ cần đạt

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, với môn Ngữ văn, chương trình lớp 9 và 12 sẽ là cơ sở chủ yếu để đánh giá kết quả học tập cuối cấp.

Do có đánh giá thường xuyên hàng năm, nên yêu cầu thi kiểm tra cuối lớp 9 và 12, chỉ cần tập trung chủ yếu vào đánh giá chương trình học lớp cuối cấp.

Đánh giá năng lực học sinh từ tiểu học đến THPT, môn Ngữ văn chỉ tập trung xem xét năng lực đọc, viết, nói và nghe theo các yêu cầu và mức độ khác nhau.

Việc đánh giá năng lực đọc, viết ở cuối các cấp không cần dựa vào các nội dung sách giáo khoa cụ thể mà dựa vào mức độ cần đạt của các năng lực ấy. Vì thế, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý, giáo viên cần nắm vững các yêu cầu cần đạt về năng lực đọc và viết của lớp 9 và lớp 12 đã được nêu trong chương trình.

Cụ thể: Với lớp 9, về năng lực đọc, học sinh phải biết đọc hiểu văn bản theo các thể loại và kiểu văn bản sau: Truyện thơ Nôm; truyện truyền kì, truyện trinh thám; thơ và thơ song thất lục bát, thơ 8 chữ, bi kịch, văn bản nghị luận và văn bản thông tin.

Yêu cầu năng lực viết là viết bài nghị luận xã hội (bàn về 1 vấn đề cần giải quyết) và nghị luận văn học (phân tích một tác phẩm văn học). Ngoài ra viết bài kể lại một truyện sáng tạo; thuyết minh một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làm thơ 8 chữ, quảng cáo và tờ rơi.

Với lớp 12, học sinh phải biết đọc hiểu văn bản theo các thể loại và kiểu văn bản sau: Truyện truyền kì, truyện và tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại; thơ hiện đại, nhật kí, phóng sự, hồi kí; hài kịch; văn bản nghị luận và văn bản thông tin.

Yêu cầu năng lực viết là viết bài nghị luận xã hội (bàn về 1 vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, bài phát biểu, thư trao đổi) và nghị luận văn học (phân tích tác phẩm và so sánh hai tác phẩm văn học)...

Như thế sách giáo khoa phải tập trung giới thiệu cho học sinh cách đọc các thể loại và kiểu văn bản và cách viết các kiểu bài nêu trên.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Đình Tuệ.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Đình Tuệ.

Cần tập trung dạy cách đọc và cách viết

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng nhấn mạnh: Như các lớp trước, giáo viên dạy 2 lớp cuối cấp này cần tập trung dạy cách đọc và cách viết các thể loại và kiểu văn bản ấy thông qua các bài cụ thể trong sách giáo khoa.

Việc ôn tập, rèn luyện cho kì thi cuối cấp, vào 10 hoặc vào đại học cũng hoàn toàn phải coi trọng yêu cầu dạy cách đọc, cách viết (phương pháp), không còn kiểu dạy trang bị và bắt học thuộc các bài văn mẫu nữa.

Vì đề thi hoàn toàn dựa vào ngữ liệu mới như cấu trúc và định dạng đề tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Không thể đoán được văn bản đọc hiểu trong đề là văn bản nào, cũng không thể biết yêu cầu viết nghị luận xã hội và nghị luận văn học cụ thể ra sao. Chỉ biết chúng sẽ thuộc các thể loại và các kiểu bài nêu trong chương trình.

Do đó chỉ có thể dạy các em cách đọc hiểu, cách viết các kiểu văn bản ấy, để khi làm bài thi, các em không lúng túng trước các yêu cầu đọc hiểu và viết với ngữ liệu mới.

“Dạy cho học sinh cách thức (cách đọc, cách viết...) chính là cung cấp cho các em chiếc cần câu và cách câu cá chứ không phải cung cấp cá có sẵn, thậm chí theo cách dạy cũ, cá đã được chế biến thành món ăn rồi”, PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.