Chuyên gia góp ý thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo

GD&TĐ - Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tổ chức tại Trường ĐH Phenikaa ngày 12/12.

TS Nguyễn Thanh Hùng - ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ tại hội thảo.
TS Nguyễn Thanh Hùng - ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ tại hội thảo.

Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tổ chức tại Trường ĐH Phenikaa ngày 12/12.

Một trong những nội dung được quan tâm trao đổi tại hội thảo liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo.

Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, ĐH Bách khoa Hà Nội, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản trị và chuyển đổi số trong công tác đào tạo như dạy, học, kiểm tra, đánh giá,.. ứng dụng các công nghệ mới.

Trong quản trị nhà trường, việc số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, số hóa quy trình, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu..), để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GD-ĐT một cách nhanh chóng, chính xác.

Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá ứng dụng công nghệ mới có thể bao gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, MOOC hoặc tiến tới xây dựng các trường đại học ảo (Cyber University) hay các kho dữ liệu học liệu điện tử dùng chung.

Các đại biểu dự phiên thảo luận chuyên đề Kinh tế tuần hoàn.

Các đại biểu dự phiên thảo luận chuyên đề Kinh tế tuần hoàn.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Minh Hòa và TS Đào Lê Trang Anh - Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường ĐH Phenikaa - phân tích kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong đào tạo các ngành kinh tế bậc cử nhân tại Trường; đồng thời đưa ra một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong đào tạo bậc cử nhân tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường ĐH Phenikaa.

Theo đó, nhà trường nên đầu tư thêm các phần mềm bản quyền và các phương tiện cần thiết khác để tăng cường sự tương tác giữa thầy cô và sinh viên trong hoạt động học trực tuyến. Đầu tư phát triển thư viện điện tử, cập nhật các giáo trình, sách chuyên khảo, tạp chí và bài báo khoa học trong nước và quốc tế để hỗ trợ giảng viên và sinh viên nghiên cứu, học tập…

Nhiều đại biểu tại hội thảo đã khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin triển khai ứng dụng quản trị nhà trường cho mô hình đại học số phục vụ hệ sinh thái của giáo dục 4.0 là một trong các giải pháp cốt lõi, đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Các trường đại học phải nhận thức đại học số là một trong các giải pháp quan trọng giúp nhà trường nhanh chóng hội nhập giáo dục đại học thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn hội nhập toàn cầu…

Bên cạnh giáo dục đào tạo, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tập khách hàng thông qua việc tạo ra các kênh phân phối mới, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, nhờ đó giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời giúp doanh nghiệp thiết kế, sáng tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, hướng tới nền sản xuất xanh.

Với chủ đề này, tại các phiên thảo luận, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã chia sẻ, giới thiệu các công nghệ cơ bản, các yếu tố thành công cốt lõi để triển khai nền kinh tế tuần hoàn. Phân tích các cơ hội hợp tác quốc tế để phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đề xuất các hình thức lan tỏa các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Các đại biểu thống nhất rằng, để thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cần thiết phải xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, có khung chính sách chi tiết theo thứ tự ưu tiên mang đặc thù từng ngành riêng biệt. Ngoài yếu tố cốt lõi là chính sách, phải có sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường để tạo động lực kích thích cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện. Bài toán ở đây là sự kết nối giữa nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường tiêu thụ dưới sự hỗ trợ về chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.