Nỗ lực chuyển đổi số trong dạy và học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Ngành GD TP Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.

Cô và trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều ứng dụng CNTT vào dạy học.
Cô và trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều ứng dụng CNTT vào dạy học.

Đẩy mạnh số hoá giáo dục

Việc thúc đẩy số hóa trong toàn ngành còn góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn thành phố của UBND TP Cần Thơ.

Hiện nay, tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT ở thành phố sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS trong thực hiện điện tử hóa hồ sơ sổ sách đối với công chức, viên chức tại các đơn vị.

Ngành GD&ĐT đã trang bị 31 phòng họp trực tuyến (1 phòng tại sở, 27 phòng tại các trường THPT trực thuộc, 3 ở phòng GD&ĐT) với chức năng tổ chức thao giảng, hội giảng, họp giao ban, tập huấn trực tuyến.

Các phòng họp trực tuyến giúp việc tổ chức hoạt động chuyên môn thuận lợi, tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại; góp phần hiệu quả vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các hoạt động giáo dục của đội ngũ nhà giáo tại các cơ quan, đơn vị.

Tùy đặc thù từng địa phương, phòng GD&ĐT quận, huyện có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học phù hợp. Đơn cử ngành Giáo dục quận Ninh Kiều, hầu hết các trường học từ mầm non đến THCS đều có ứng dụng CNTT vào dạy và học.

Theo cô Lê Kim Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, hầu như các hoạt động tại trường đều ứng dụng CNTT như thông báo, tổ chức cuộc họp, lớp học ảo, vẽ tranh;… Đa phần các phòng học của trường được trang bị tivi phục vụ dạy và học.

Mới đây, lớp 6A1 được Levono tài trợ 47 máy tính (khoảng 11 inch), đảm bảo phục vụ cho học sinh/ máy. Cô Lê Kim Dung cho biết: “Tôi phụ trách dạy môn Toán. Khi ứng dụng CNTT vào vẽ hình học, tôi chỉ cần thao tác các bước trên phần mềm ứng dụng, màn hình sẽ xuất hiện thao tác vẽ. So với vẽ thủ công trước đây, giáo viên tiết kiệm thời gian vì không phải vẽ lại nhiều lần, học sinh học qua hình ảnh trực quan thích thủ, nhớ bài lâu hơn”.

Học sinh của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong tiết học.
Học sinh của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong tiết học.

Ứng dụng công nghệ trong dạy và học

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố, việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành đã được thực hiện nhiều năm trước, đặc biệt từ năm 2020 ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành đã linh hoạt thích ứng, đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo chương trình giáo dục.

Ngành đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị một số hình thức tổ chức dạy học qua các phương tiện CNTT như: thư điện tử, Zalo, Facebook, Messenger, Classroom, Viber, Zoom, Microsoft Teams, dạy học qua truyền hình.

Một số trường THCS, THPT trang bị các phòng học đa phương tiện (phòng học được trang bị tivi thông minh, kết nối mạng internet thông suốt…) để tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhờ ứng dụng CĐS trong hoạt động dạy và học, giúp các trường phổ thông ở Cần Thơ đã thực hiện đúng kế hoạch năm học, học sinh được duy trì, củng cố kiến thức thường xuyên…

Đơn cử Trường THCS Thị trấn Thới Lai đầu tư xây dựng 4 phòng học “2 trong 1” (mỗi phòng khoảng 20 triệu đồng) để phục vụ học sinh phải ở nhà vì bị mắc Covid-19. Thông qua đó, các em học sinh có thể học trực tuyến, không bị gián đoạn việc học.

Tương tự, Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy) đầu tư một phòng hai chức năng để dạy học sinh; Trường THCS Lê Lợi (quận Ô Môn) xây dựng các phương án tổ chức dạy và học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh… Để phục vụ ứng dụng hiệu quả CNTT vào dạy và học, các nhà trường đã thành lập tổ CNTT nhằm hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên phụ trách giảng dạy ở các phòng học này.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (quận Ninh Kiều) có con gái đang học lớp 8 Trường THCS Lương Thế Vinh, khoe tin nhắn: “Trường vừa gửi thông báo điểm thường xuyên các môn của con gái. Điểm số ở một số môn “nhỉnh” lên một chút, tôi thấy mừng lắm!”.

Đầu năm học 2022-2023, gia đình chị Kim Ngọc, đăng ký tin nhắn SMAS (hệ thống phần mềm quản lý nhà trường của Viettel) với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập của học sinh. Mỗi khi có kết quả học tập của con gái, chị sẽ nhận ngay tin nhắn, mà không phải đợi phiếu báo điểm.

“Các thông báo quan trọng về hoạt động giáo dục của trường như học sinh học trực tuyến mấy ngày vì đợt lũ lụt trong tháng 10 vừa rồi, tôi nhận cũng nhanh, thông qua trang tin điện tử, trang mạng xã hội (facebook, zalo…) từ nhà trường và giáo viên. Ứng dụng công nghệ bây giờ rất tiện ích”, chị Kim Ngọc nói.

Em Nguyễn Hải Xuân Khuê, học sinh lớp 6A1, bộc bạch: “Sau khoảng 2 tháng học trên máy tính, em rất thích thú. Ví như môn tiếng Anh, em nghe được ngôn ngữ người dân bản xứ; học môn Lịch sử, em có thể xem video clip về sự kiện trận đánh lịch sử, nhớ bài học lâu hơn”.

Cô Nguyễn Ngọc Hân, giáo viên dạy môn tiếng Anh, chia sẻ do đặc thù môn tiếng Anh với kỹ năng nghe-nói-đọc-hiểu, học sinh được học trên thiết bị máy tính, giúp giờ dạy đạt hiệu quả hơn. Cô trò sử dụng phần mềm dạy tiếng Anh hoặc các tính năng của Goolge, các em có thể nghe, học, ghi nhớ từ vựng lâu hơn”.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, có 50% học sinh, sinh viên và nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; định hướng học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, đạt trên 50%; khai thác kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ