Chuyên gia góp ý tháo gỡ bất cập về đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập liên quan về đội ngũ nhà giáo.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sớm trình Quốc hội xem xét Luật Nhà giáo

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề xuất, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thiện ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến 2045.

Từ thực tế khách quan, bà Dương Minh Ánh – đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị Quốc hội chỉ đạo, nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội.

Trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo an tâm công tác và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Theo Bộ GD&ĐT, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Theo ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Khánh Hòa, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là cơ chế chính sách, vấn đề thừa thiếu, tôn vinh nhà giáo và chế tài bảo vệ quyền lợi, danh dự của nhà giáo…

Nhắc lại, việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được nhiều đại biểu trao đổi ở nhiều kỳ họp của Quốc hội khóa XIV nhưng đến nay vẫn chưa được thống nhất - ông Tuấn Tứ mong rằng, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo trong thời gian sớm nhất. Qua đó, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung.

Cô - trò Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Cô - trò Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT, hiện cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối; vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nếu xây dựng được 1 luật riêng điều chỉnh về nhà giáo sẽ giúp giải quyết căn cơ vấn đề này.

Việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập; việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế như:

Tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác.

Ngoài ra, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học.

Số lượng biên chế tinh giản trong ngành giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới.

Các chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là "nhân lực của nhân lực" thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo.

Bên cạnh đó, thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo nên một số môn học, cấp học còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn để tuyển dụng.

Chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức.

Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

Từ thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Nhà giáo là thực sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.

Bộ GD&ĐT đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.