Chuyên gia gợi ý lộ trình thay đổi hành vi cá biệt ở trẻ

GD&TĐ - Các chuyên gia gợi ý những bước giúp phụ huynh tạo một kế hoạch quản lý giúp thay đổi hành vi cá biệt của trẻ.

Những đứa trẻ thiếu tôn trọng có khả năng trở thành người thô lỗ khi trưởng thành.
Những đứa trẻ thiếu tôn trọng có khả năng trở thành người thô lỗ khi trưởng thành.

>>> Xử trí thế nào khi con thích phá phách?

>>> Lý do khiến trẻ trở nên cá biệt

Nhiều trẻ sẵn sàng lớn tiếng và nói: “Sao cũng được!”, hoặc giả vờ như không nghe thấy khi được cha mẹ yêu cầu làm bài tập về nhà, hay tắt thiết bị điện tử.

Điều đó cho thấy, trẻ đang có sự thiếu tôn trọng ở mức độ nhẹ và ở mức độ nghiêm trọng hơn, trẻ thường có các hành vi như coi thường quy tắc, thậm chí gây tổn hại tới thể xác của người khác.

Lập kế hoạch cụ thể

Cho dù trẻ rơi vào trường hợp nào, thì điều quan trọng là phụ huynh phải giải quyết sự thiếu tôn trọng trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu năm 2015 do các nhà khoa học tại Trường Đại học Virginia (Mỹ) thực hiện cho thấy, những đứa trẻ thiếu tôn trọng người khác có khả năng trở thành người thô lỗ khi trưởng thành.

Mặc dù, các bậc phụ huynh có thể bào chữa cho sự thiếu tôn trọng của con em mình bằng cách nói những câu như: “Trẻ con chỉ là trẻ con”, nhưng việc gạt bỏ điều đó sẽ không mang lại lợi ích gì.

Trẻ em cần học cách đối xử tôn trọng người khác để có thể phát triển mối quan hệ lành mạnh với bạn bè, các thành viên trong gia đình cũng như mọi người.

Cho dù gần đây, trẻ có hành vi đánh ai đó ở trường, hoặc bị coi là học sinh cá biệt, thì phụ huynh cũng cần xây dựng một kế hoạch phù hợp. Từ đó, nhằm giải quyết các vấn đề về hành vi một cách dứt khoát.

Một kế hoạch quản lý hành vi tốt sẽ đảm bảo rằng, phụ huynh và tất cả những người chăm sóc khác của trẻ sẽ biết cách phản ứng với các vấn đề về hành vi một cách nhất quán.

Một kế hoạch bài bản cũng có thể giúp cha mẹ tìm ra những kỷ luật hiệu quả hơn, cũng như tạo ra động lực khuyến khích tốt hơn để thúc đẩy trẻ thay đổi.

Các chuyên gia đã gợi ý những bước giúp phụ huynh tạo một kế hoạch quản lý giúp thay đổi hành vi cá biệt của trẻ.

Cha mẹ hãy giải thích kế hoạch cho con bằng những thuật ngữ mà chúng có thể hiểu được.

Cha mẹ hãy giải thích kế hoạch cho con bằng những thuật ngữ mà chúng có thể hiểu được.

Xác định hành vi có vấn đề

Trước khi bắt đầu giải quyết các vấn đề về hành vi của con mình, điều quan trọng là phụ huynh phải xác định rõ hành vi nào là có vấn đề nhất. Hãy chắc chắn mô tả hành vi cụ thể của trẻ mà cha mẹ muốn thay đổi.

Ví dụ, một hành vi có vấn đề có thể là “Johnny hét lên bất cứ khi nào cậu bé được yêu cầu làm điều gì đó nhưng lại không muốn làm”. Trẻ có thể biểu hiện nhiều hơn một hành vi vấn đề mà cha mẹ muốn giải quyết. Nếu đúng như vậy, hãy bắt đầu bằng cách chọn hai hoặc ba hành vi ở trẻ mà phụ huynh muốn con sửa đổi trước tiên.

Phụ huynh có thể chọn những điều gây khó chịu hoặc mang lại vấn đề lớn nhất. Ví dụ, nếu đứa con 2 tuổi của mình cắn, rên rỉ, nổi cơn thịnh nộ, không chịu thu dọn đồ chơi và liên tục ra khỏi giường vào giờ ngủ, cha mẹ có thể lên kế hoạch thay đổi điều đó.

Hãy bắt đầu bằng cách thay đổi hành vi cắn, ra khỏi giường và nổi cơn thịnh nộ ở trẻ. Bởi, những hành vi đó ảnh hưởng đến người xung quanh nhiều nhất.

Có nhiều chiến lược kỷ luật khác nhau có thể được sử dụng để giải quyết cùng một hành vi. Loại chiến lược kỷ luật sẽ hiệu quả nhất tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Ví dụ, một đứa trẻ có thể phản ứng tốt khi được mang theo món đồ chơi yêu thích của mình trong ngày. Trái lại, một đứa trẻ khác có thể phản ứng tốt nhất với việc không mang theo món đồ chơi đó.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần xem xét tính khí của con mình, cũng như các chiến lược mà phụ huynh có nhiều khả năng làm theo trên cơ sở nhất quán. Điều quan trọng nữa là thực hiện củng cố tích cực cho hành vi tốt. Khen ngợi, lập biểu đồ phần thưởng... có thể thúc đẩy trẻ tuân theo các quy tắc.

Hãy giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn và đưa ra sự củng cố tích cực nhất quán. Bước này đôi khi cũng có hiệu quả trong việc sửa đổi hành vi không phù hợp ở trẻ.

Việc viết ra kế hoạch cũng sẽ tăng cơ hội cha mẹ có thể thay đổi hành vi ở trẻ. Đồng thời, hành động này cũng sẽ bảo đảm rằng, cha mẹ sẵn sàng giải quyết các vấn đề về hành vi ở trẻ khi chúng phát sinh. Sau đó, hãy vạch ra cách sẽ củng cố hành vi tốt ở con mình.

Ví dụ, kế hoạch của phụ huynh có thể là khen ngợi những lựa chọn lành mạnh của con mỗi khi chúng chơi thân thiện với bạn bè. Sau đó, cha mẹ cần quyết định cách mình sẽ phản ứng khi trẻ thể hiện hành vi có vấn đề mà vốn dĩ cần được sửa đổi. Cụ thể, phụ huynh có thể phản ứng bằng việc yêu cầu trẻ tạm dừng chơi điện tử một thời gian ngắn, nếu con mình có hành vi đá hoặc đánh ai đó.

Tiếp theo, cha mẹ hãy giải thích kế hoạch cho con bằng những thuật ngữ mà chúng có thể hiểu được. Hãy nói những điều như: “Từ giờ trở đi, nếu còn tiếp tục cắn bất cứ ai, con sẽ phải ngồi ở hành lang để tạm dừng hành vi đó”. Nếu biện pháp tạm dừng này là điều mới mẻ đối với trẻ, cha mẹ có thể giải thích thêm về việc hình phạt đó bao gồm những gì.

Phụ huynh phải xác định rõ hành vi nào là có vấn đề nhất.

Phụ huynh phải xác định rõ hành vi nào là có vấn đề nhất.

Nhất quán trong kỷ luật

Điều cần thiết nữa là hãy xem lại kế hoạch với người chăm sóc khác của trẻ. Khi tất cả những người chăm sóc trẻ tuân theo cùng một kế hoạch kỷ luật, sự thay đổi tích cực trong hành vi cá biệt của bé có thể diễn ra nhanh hơn nhiều.

Phụ huynh cần cố gắng mời giáo viên, người giữ trẻ, ông bà và bất kỳ người lớn nào khác đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con mình cùng tham gia. Khi tất cả người lớn sử dụng ngôn ngữ giống nhau, điều đó cũng có thể hiệu quả.

Ví dụ, nếu tất cả những người chăm sóc đều nói: “Răng là để nhai” như một lời nhắc nhở khi trẻ có hành vi cắn, thì thông điệp đó sẽ được con “thẩm thấu” nhanh hơn.

Phụ huynh cũng có thể đưa các bản sao bằng văn bản của kế hoạch cho những người chăm sóc khác. Nếu họ sẵn sàng cân nhắc xem điều gì hiệu quả và không, hãy sẵn sàng thay đổi kế hoạch khi cần thiết. Trao đổi với nhau về tình hình của con mình. Nói về bất kỳ thay đổi nào mà cha mẹ đang thấy và thảo luận về tính hiệu quả của chiến lược kỷ luật trẻ.

Sự nhất quán có thể là chìa khóa cho một kế hoạch thay đổi hành vi cá biệt ở trẻ. Nếu mọi người có thể tuân theo việc đưa ra hậu quả mỗi khi trẻ cư xử không đúng mực, các vấn đề về hành vi của con có thể sẽ dần cải thiện. Phụ huynh cũng được khuyến khích xem lại kế hoạch khi cần thiết. Khi hành vi của trẻ được cải thiện, cha mẹ có thể chọn một vấn đề hành vi khác để giải quyết.

Trong trường hợp hành vi của trẻ không đáp ứng tốt với kế hoạch, cha mẹ hãy thay đổi chiến lược. Đồng thời, hãy thử những hậu quả khác nhau hoặc dạy con mình các kỹ năng mới.

Một cách tiếp cận mới có thể giúp chấm dứt hành vi sai trái bướng bỉnh ở trẻ. Khi thực hiện kế hoạch sửa đổi hành vi cho trẻ, cha mẹ hãy bảo đảm giữ thái độ tích cực và nghĩ về sự thành công. Mặc dù không thể tránh khỏi việc cần tinh chỉnh và điều chỉnh kế hoạch trong quá trình thực hiện, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải mong đợi thấy được kết quả mà mình muốn. Hãy nhớ rằng, một thái độ tích cực sẽ có khả năng cao để tới thành công.

Nếu phụ huynh bắt đầu cảm thấy choáng ngợp hoặc sẵn sàng từ bỏ kế hoạch, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa, nhà trị liệu của trẻ hoặc nhờ một huấn luyện viên cũng như người cố vấn dành cho phụ huynh để giúp gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, hãy cố gắng bám sát kế hoạch và nhớ rằng, sự thay đổi hành vi ở trẻ cần có thời gian. Phụ huynh hãy tin vào bản thân mình, cũng như khả năng thay đổi tích cực ở trẻ.

Khi giải quyết hành vi thiếu tôn trọng ở trẻ, sẽ là điều hoàn toàn bình thường nếu cha mẹ lùi một bước để tiến hai bước. Vì vậy, hôm nay, trẻ có thể cư xử lịch sự và tử tế, nhưng cũng có thể ngày hôm sau, trẻ lại gặp khó khăn trong vấn đề về hành vi. Do đó, kỷ luật nhất quán là chìa khóa giúp trẻ thay đổi tích cực về lâu dài.

Cha mẹ đừng quên chỉ ra hành vi tốt ở trẻ khi phụ huynh nhìn thấy. Vào những ngày tồi tệ, hãy coi sự thiếu tôn trọng của trẻ là dấu hiệu cho thấy, con cần luyện tập nhiều hơn.

Điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy trở thành một tấm gương tốt. Cho dù đang thất vọng với dịch vụ ở nhà hàng, hoặc tức giận với người tiếp thị qua điện thoại đã làm gián đoạn bữa tối, thì phụ huynh cũng hãy đối xử tôn trọng với người khác. Khi đó, trẻ sẽ học theo hành vi tốt ở cha mẹ.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ