Giải pháp tình thế tạm thời
TS Tôn Quang Cường đề xuất, về hạ tầng công nghệ: bố trí thiết lập ngay hệ thống quản lí học tập (LMS), trước mắt có thể là những công cụ đơn giản và miễn phí. Tập hợp các tài nguyên dạy học, kể cả các tài nguyên để cho học sinh xem đi xem lại khi cần (video dạy học, bài giảng PowerPoint, văn bản, âm thanh, hình ảnh v.v.).
TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, đồng thời cho rằng, việc triển khai dạy học như vừa qua mới chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, với những ứng dụng các yếu tố công nghệ.
Theo TS Tôn Quang Cường, hiện nay, chúng ta mới đang tiếp cận ở những cấp độ ban đầu của phương thức dạy học trực tuyến.
Các nguyên tắc sư phạm của dạy học số đặt ra những yêu cầu, thách thức mới, rất khác so với sư phạm truyền thống nên không thể ngày một ngày hai có thể khắc phục được ngay.
Quan sát một số giờ dạy của giáo viên hiện nay, TS Tôn Quang Cường nhận thấy: giáo viên vẫn áp dụng cách dạy như trong điều kiện giáp mặt trực tiếp như: Nói nhanh, khó thể hiện cảm xúc , ít dừng lại hỏi han, quan tâm đến học sinh xem có theo kịp bài giảng không?
Ngoài ra, giáo viên vẫn sử dụng hầu hết các bài giảng đã soạn sẵn từ trước, chưa có tích hợp các nội dung đa phương tiện mang tính trực quan cho logic nội dung bài giảng, phù hợp với các kênh đa giác quan của học sinh; vấn đề quản lí lớp qua màn hình trong các giờ lên lớp trực tuyến theo thời gian thực bị hạn chế; các bài tập thực hành, kiểm tra nhanh chưa được tích hợp trong quá trình đánh giá thường xuyên trên lớp trực tuyến; tương tác với học sinh bị hạn chế khá nhiều…
Cần có những điều chỉnh cho phù hợp
Từ thực tế trên, TS Tôn Quang Cường đề xuất: Về phía BGH nhà trường: Cần thống nhất và điều chỉnh lịch học, thời khóa biểu học các môn. Chuyển từ từ khóa biểu cho từng lớp sang lịch học theo môn, và áp dụng chung cho từng khối lớp.
Điều này có 2 điểm ưu việt: Thứ nhất là, tối ưu hóa việc bố trí thời gian, tối ưu hóa phân công giáo viên dạy như: Bố trí những giáo viên “ăn hình, ăn tiếng”, giỏi chuyên môn để dạy chung cho toàn khối!
Ví dụ: tiết 3, toàn khối 10 học môn Vật lí do cô Nguyễn Thị A dạy. Các giáo viên Vật lí khác sẽ tiếp tục làm việc với lớp của mình trong những phiên dạy học sau để trao đổi, giải đáp, tư vấn hay cho làm bài tập sau.
Thứ hai, điều chỉnh lại kế hoạch nhà trường, sắp xếp lại lịch học cho hợp lí. Tuyệt đối không chuyển đổi cơ học các tiết dạy (trước đây) thành các tiết dạy trực tuyến theo thời gian thực với thời lượng tương đương.
Ví dụ: 5 tiết (45 phút) thành 225 phút dạy trực tuyến liên tục trong một buổi. Nên bố trí xen kẽ các môn học, mỗi môn kéo dài khoảng 35-40 phút, giữa có giải lao 10-15 phút, mỗi buổi chỉ nên 3 tiết, ngày 2 buổi, thời gian bắt đầu và kết thức buổi học linh hoạt, phù hợp với thời gian sinh hoạt gia đình học sinh hiện nay!
Về phía Tổ chuyên môn, cần cùng trao đổi chuyên môn, tập trung xây dựng các bài giảng chung theo hướng: Một là, lựa chọn các nội dung cốt lõi nhất trong chương trình, tái cấu trúc các nội dung môn học thành các bài giảng theo hình thức khác nhau.
Cụ thể: Bài lên lớp lí thuyết, bài với các tình huống, vấn đề liên quan, bài theo kiểu thảo luận, bài hướng dẫn thực hành thí nghiệm v.v.;
Hai là, số hóa tối đa nội dung bằng các công cụ công nghệ như: video, mô phỏng, hình ảnh, bài giảng PowerPoint, hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá…
Ba là, lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp với từng loại bài lên lớp để dạy trực tuyến theo thời gian thực cho học sinh toàn khối;
Bốn là, lập kế hoạch phân công cụ thể cho giáo viên phụ trách môn học của từng lớp tiếp tục bám sát tiến trình học tập của lớp. Ví dụ: sau bài giảng lí thuyết chung môn Vật lí của cô A cho toàn khối, thì thầy B dạy môn Vật lí sẽ tiếp tục bám sát lớp của mình để hướng dẫn lớp làm bài tập, trao đổi, giải đáp thêm, kiểm soát việc nộp bài tập, chấm điểm môn học v.v.)
Ngoài ra, tổ chuyên môn cần phân công giáo viên cùng phối hợp thiết kế bổ sung học liệu số theo năng lực công nghệ của từng giáo viên; tìm kiếm phát triển các nội dung được số hóa sẵn có liên quan đến môn học; tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về dạy học trực tuyến và kĩ thuật sử dụng công nghệ trong Tổ;
Phân công giáo viên lên lớp theo hướng sử dụng nội dung tài nguyên chung; hỗ trợ lẫn nhau khi triển khai nếu có vướng về vấn đề kĩ thuật… Có thể sử dụng các tài nguyên số sẵn có hiện nay nhưng phải cấu trúc lại và thống nhất cách sử dụng trong Tổ chuyên môn.
Về nguyên tắc sư phạm, phương pháp triển khai, TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh: cách dạy học trực tuyến cần tuân theo nguyên tắc lớp học đảo ngược, dạy học hỗn hợp và dạy học cá nhân hóa.
Theo đó, trước mỗi bài học trực tuyến phải cung cấp nội dung học tập, yêu cầu, tài liệu học tập trước cho học sinh; trong quá trình giảng bài không ôm đồm, không sa đà vào phân tích, giảng giải nội dung mà chủ yếu quan tâm xem học sinh tiếp thu được đến đâu, lưu ý đến các điểm học sinh chưa rõ; thường xuyên nhắc lại nhiệm vụ yêu cầu của bài học; bố trí riêng một số giờ dạy trực tuyến để giải đáp, hướng dẫn học bài; giới thiệu, cung cấp và hướng dẫn đầy đủ các tài nguyên học tập (không chỉ là nội dung của SGK)
"Kết nối huy động nguồn lực xã hội: Nhà trường có thể đề xuất các cấp thẩm quyền yêu cầu trợ giúp xã hội: các công ty, tập đoàn giáo dục hỗ trợ cung cấp giải pháp công nghệ, chia sẻ các bài dạy trực tuyến mà họ đã sản xuất trước đây; thiết lập kênh liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh để có các điều chỉnh và phối hợp kịp thời" - TS Tôn Quang Cường.