Khi bắt đầu vào tiểu học, trẻ bắt đầu phải làm quen dần với môi trường học tập thực sự, với nhiệm vụ rõ ràng. Để việc học tập trở thành thói quen tốt, nhàn nhã và vui vẻ, làm nền tảng tốt cho việc tự giác, hứng thú với việc học tập trên bước đường dài, cha mẹ cần hỗ trợ con tạo lập thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ.
TS. Vũ Thu Hương nêu ra 8 nguyên tắc, khuyến cáo cha mẹ áp dụng để đạt hiệu quả trong quá trình rèn cho con thói quen tự giác học tập, miễn dịch với bệnh "lười học" mà nhiều học sinh mắc phải.
- Không nhắc học: Nhiều cha mẹ cho tằng nếu không nhắc con sẽ không học nên buộc phải nhắc để con học bài. Đúng, không nhắc có thể trẻ sẽ không học. Nhưng việc học là việc của chúng, không phải của bố mẹ, nếu nhắc thì sau này con cứ chờ nhắc rồi mới học. Vì vậy, trẻ sẽ nghĩ việc học là việc của bố mẹ. Và như vậy vô tình cha mẹ đã tạo cho trẻ thói ỉ lại, tính chủ động bị hạn chế.
- Luôn phối kết hợp chặt chẽ với cô giáo để "tố cáo" những vụ quên làm bài tập. Đương nhiên, khi đứa trẻ không bị nhắc học, chúng sẽ quên luôn. Và người có đủ tư cách nhắc mà trẻ vẫn hiểu việc học là của mình, chính là cô giáo.
Khi cô giáo phạt vì tội không hoàn thành bài tập được giao, đứa trẻ hiểu việc học là của nó chứ không phải của ai khác. Người đánh giá là cô giáo đã nói con không hoàn thành nghĩa là trẻ chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, hãy để cô giáo làm nhiệm vụ của mình.
- Tuyệt đối không bênh con khi con bị cô giáo nhắc nhở. Các bố mẹ đương nhiên sẽ xót con nhưng con sẽ ngoan hơn với lời mắng của cô giáo. Kể cả trong trường hợp con có bị trù dập thì việc đó cũng rất tốt cho con. Bởi vì sau này ra đời, sẽ còn vô khối người trù dập con. Để con có sức đề kháng về việc này và biết cách xử trí, một năm học bị trù dập trong trường học thật có nhiều giá trị.
- Phạt nặng khi con không hoàn thành nhiệm vụ và bị cô giáo mách. Nghĩa là khi con bị mách rồi, bố mẹ hãy phạt, đừng phạt ngay khi con có biểu hiện lười. Khi con thấy cả ba mẹ lẫn cô giáo đều không đồng tình với hành vi lười biếng của con, chắc chắn con sẽ sửa chữa.
Cha mẹ nhớ, phạt nhưng đừng thù vặt. Đừng nhai đi nhai lại những tội lỗi của con. Như vậy có thể khiển trẻ bị nhờn và "lì đòn".
- Hãy khuyến khích con đúng lúc. Khi con nhận được 1 lời khen ngợi của thầy cô, hãy khen con thêm tí chút. Lời khen đúng lúc, đúng chỗ bao giờ cũng có tác dụng vô cùng lớn, làm động lực cho “người ta” phấn đấu hơn nữa.
- Tuyệt đối không so sánh hoặc lấy ai đó làm gương khi giáo dục con. Đấy là sự xúc phạm nhân cách nặng nề. Con là con, con sẽ có nhiều điểm dở nhưng cũng vô khối điểm ưu. Con sẽ có mặt mạnh khác nữa. Vì thế, khi khen ngợi con, hãy khen ngợi sự phấn đấu của con, tiến bộ của con, chứ đừng khen ngợi điểm số. Điều đó sẽ khiến con hào hứng hơn nhiều.
- Đừng thưởng. Đứa trẻ học tốt mà được thưởng, nó sẽ luôn học để được thưởng. Hãy để con hiểu, việc học là việc của con. Là việc của bản thân, chúng sẽ cảm thấy thoải mái và có trách nhiệm hơn là của người khác.
- Không giảng bài cho con. Khi cha mẹ xúm vào giảng bài, con sẽ thấy khoảng cách cha mẹ và con xa nhau. Việc học là việc của con, nếu con không hiểu, con đến gặp cô để hỏi, con có thể tìm hiểu các thông tin trong sách vở để bổ sung.
Đừng lo lắng quá mức nếu con không hiểu 1 chỗ nào đó mà vẫn bỏ qua. Có nhiều cách để bổ sung bởi vì giáo dục Việt Nam theo vòng xoáy trôn ốc, bài học đó sẽ quay lại vào lúc nào đó và bổ sung kịp thời cho con.
Hơn nữa, khi bài giảng của cha mẹ khác với cô giáo, con sẽ vô cùng hoang mang và không biết đâu là đúng. Đôi khi, cha mẹ can thiệp vào cô giáo sẽ khó dạy con, đến lúc đó, áp lực sẽ dồn lên vai con và nó sẽ khổ sở vì sự can thiệp này.