Tưởng yêu thương con, hóa ra đây là những sai lầm hại con bố mẹ thường mắc phải

Là cha mẹ ai cũng muốn dành hết tình cảm, sự quan tâm cho những đứa con của mình. Nhiều người cho rằng, “thương cho roi cho vọt”, dạy con thì phải đặc biệt nghiêm khắc thì con mới ngoan. 

Tưởng yêu thương con, hóa ra đây là những sai lầm hại con bố mẹ thường mắc phải

Cũng có một số mẹ lại quan niệm cứ cho con tất cả những gì con muốn – đó chính là yêu thương con. Vậy đó có phải là những quan niệm dạy con đúng cách?

1. Bất cứ thứ gì con cần mẹ đều đáp ứng vô điều kiện

Mới nghe qua có thể thấy đây chính là một người mẹ vô cùng tuyệt vời mà nhiều đứa trẻ mơ ước. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, quá nuông chiều con lại là con đường khiến con trở nên xấu tính, khó ưa nhanh nhất.

Trẻ muốn gì mẹ đều đáp ứng, qua nhiều lần lặp lại như thế, bé sẽ nhận thấy mình chính là trung tâm của mọi thứ và mọi nhu cầu của mình sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.

Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này, trẻ sẽ càng ngày càng đòi hỏi nhiều thứ vô lý hơn, trở nên lãng phí, kiêu ngạo, không biết nhẫn nhịn, chịu khó.

Không chỉ vậy, cách dạy con sai lầm này còn tạo nên thói hay khóc lóc ăn vạ và làm phiền người khác kéo dài cho đến khi lớn lên.

2. Cùng con chơi điện thoại, smartphone, ipad

Không thể phủ nhận những tiện ích mà các thiết bị smartphone đem lại như kết nối những mối quan hệ, thu hẹp khoảng cách không gian, cung cấp, cập nhật những thông tin hữu ích hàng ngày, những kiến thức đời sống…

Tuy nhiên, những thiết bị này lại có sức hút đặc biệt với trẻ em. Chúng có thể chơi điện thoại, ipad hàng giờ mà không cần cha mẹ bên cạnh. Vì thế, để dỗ dàng trẻ nhiều bậc phụ huynh "phó mặc" cho các thiết bị smartphone.

Điều này dần hình thành nên thói quen xấu và để lại những hậu quả nặng nề. Theo ước tính, cứ một trong ba trẻ em ở độ tuổi tới trường hiện nay bị chậm phát triển về khả năng đọc viết và các khả năng học tập khác.

Thói quen nghiện xem điện thoại, ipad dẫn đến trẻ thiếu đi sự vận động, dễ dẫn đến tình trạng béo phì, thừa cân. Ngoài ra, xem nhiều smartphone còn khiến trẻ rơi vào trạng thái mất ngủ, ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển thể chất.

3. Luôn giám sát và giúp đỡ bé

Có những bà mẹ luôn quan niệm "Con còn quá nhỏ, con sợ nước, bụi bẩn không tốt cho con, loại động vật này sẽ gây hại cho trẻ" và hàng trăm hàng nghìn những nỗi lo khác luôn xuất hiện trong tâm trí của các bà mẹ.

Chỉ cần bé té ngã một chút, mẹ đã vội vàng đến đỡ ngay, chỉ cần thấy con đi chân đất, mẹ vội vàng giúp con đeo dép, con thích mèo nhưng chưa kịp lại gần mẹ đã nhanh chóng bế con ra xa vì sợ lông mèo gây hại...

Chính sự chăm sóc quá kỹ lưỡng, tỉ mẩn và nỗi lo sợ bất an từng giờ của mẹ đã khiến con ngày càng nhút nhát, yếu đuối hơn. Bé sẽ quen với sự bảo bọc, chăm sóc của mẹ và từ đó luôn có tâm thế dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, khi lớn lên, những em bé này sẽ không thể tự lập tốt và dễ bế tắc mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn như những bạn cùng trang lứa.

4. Bảo vệ con và lo lắng thái quá

Hay xót con là tâm lý chung thường gặp phải ở những người mẹ trẻ. Chỉ cần nhìn thấy con khóc nức nở hoặc chẳng may bị vết trầy bé tí, nhiều chị em đã bắt đầu mủi lòng và bỏ qua hết mọi "tội lỗi" của con đã mắc phải.

Một số trẻ nắm bắt tâm lý này của mẹ mình và luôn cố đem nước mắt ra để "đe dọa" mẹ, bắt mẹ xí xóa hết mọi sai trái gây ra. Khi con mắc lỗi, điều mẹ cần làm nhất đó chính là giải thích cho con hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề đồng thời yêu cầu bé tuyệt đối không được lặp lại điều đó nữa.

Trong trường hợp con quá cứng đầu hoặc vi phạm quá nhiều lần, mẹ cần có những hình phạt nghiêm túc để bé có thể sửa sai.

5. Không mắng, cũng không muốn phạt con

Một số bà mẹ không nỡ la mắng con dù chỉ một câu mà khi muốn bé làm gì đó, lại bắt đầu xuống nước năn nỉ ỉ ôi. Mẹ cần phân biệt kỹ giữa phương pháp dạy con mềm mỏng và việc năn nỉ con.

Tâm lý trẻ con càng được năn nỉ thì sẽ càng trở nên ưỡn ẹo, không muốn làm, khiến trẻ không phân biệt được đúng sai, chẳng còn biết sợ hay tôn trọng mẹ nữa.

Theo lời khuyên của các nhà khoa học, các bậc phụ huynh nên dành thời gian bên con ví dụ như đọc sách, dạy con học, chơi với con bằng những bộ sách vừa học vừa chơi sẽ kích thích tư duy phát triển của trẻ.

Các bậc phụ huynh cũng có thể cùng học cùng chơi với con tạo nên sự gắn kết, hứng thú. Phương pháp giáo dục này còn giúp trẻ không ngừng phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn nhờ không ngừng được học hỏi từ thế giới xung quanh.

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ