Chuyên gia chỉ cách đạt điểm cao kỳ thi riêng

GD&TĐ - Năm 2023, một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: INT

Nhiều học sinh lớp 12 loay hoay có nên tham gia lớp luyện thi hay không?

“Học tủ” không hiệu quả

Dự định đăng ký Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đợt tháng 4, Nguyễn Như Bình, Trường THPT Xuân Giang (Hà Nội) khá lo lắng vì tính chất của kỳ thi này khác hẳn với thi tốt nghiệp THPT; mức độ phân hóa đề thi cũng cao hơn.

Đây là lý do Như Bình muốn tham gia một số lớp luyện thi để được làm quen và tiếp cận nhiều hơn với các dạng đề thi của kỳ thi này. “Biết đâu, sẽ có những câu trúng tủ khi thi thật” - Như Bình bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐHQG Hà Nội) - cho biết, với bài thi đánh giá năng lực, luyện thi kiểu “học tủ” sẽ không hiệu quả. Một số lớp luyện thi sẽ dựa vào đề thi tham khảo để ôn tập cho học sinh. Vì thế, nếu học sinh tham gia luyện thi đánh giá năng lực sẽ không phù hợp. Thí sinh chỉ cần học chắc, nắm tốt kiến thức chương trình cũng có thể làm được bài thi này.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, năm nay ngân hàng đề thi có khoảng 10.000 - 12.000 câu hỏi. Việc học sinh ôn luyện tại các trung tâm sẽ không mang lại hiệu quả. Thực tế, những em đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, khi đối chiếu với kết quả học tập THPT cho thấy có mối tương quan rõ rệt.

Từ thành công của kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022, năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi này, với 3 đợt thi: Cuối tháng 5, tháng 6 và tháng 7. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - cho hay, thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Sau khi hoàn thành, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm và được đăng ký xét tuyển vào trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi.

Hiện có 20 trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy và dự kiến có thể mở rộng. Đơn vị sẽ thu thập và thông tin sớm tới thí sinh. Chia sẻ điều này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đồng thời khẳng định, kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm thí sinh có khả năng tư duy tốt, được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập. “Chúng tôi không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch và ôn luyện thông qua lò luyện” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.

Nhấn mạnh, thí sinh không cần phải đi luyện, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (đơn vị sẽ tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào đại học hệ chính quy năm 2023) - phân tích, các thầy, cô giáo dạy lò luyện có thể tham gia biên soạn đề thi. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ sử dụng các câu hỏi đó” - GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Tự lực cánh sinh

Theo sinh viên Lê Minh Khôi, tham gia kỳ thi riêng, thí sinh phải “tự lực cánh sinh”. Trước hết, cần nắm chắc kiến thức cơ bản, sau đó phát triển và mở rộng thêm bài nâng cao bằng cách đọc nhiều sách, tài liệu tham khảo. Hãy tự trang bị cho mình kiến thức tổng hợp. Ngoài ra, các em cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu.

Trao đổi về quy trình ra đề thi, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Các thầy cô tham gia ra đề thi được tập trung độc lập, đấy là phần nguồn. Sau đó, đội ngũ khác tiến hành thẩm định để có một ma trận đề.

“Khi có ma trận đề, chúng tôi có đội ngũ khác để tập hợp, lựa chọn trên hệ thống khác nhau, thử nghiệm ở các trường phổ thông do đơn vị có trường chuyên và Trường Nguyễn Tất Thành thử nghiệm. Sau đó, chúng tôi chuẩn hóa và cho vào ngân hàng đề thi; lấy các tổ hợp ngẫu nhiên” - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, có nhiều thầy cô ra đề nên không thể có thầy cô nào bao trùm được tất cả ngân hàng đề thi. “Nếu có thông tin về việc tổ chức ôn luyện Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh không nên tin” - GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Trước thực trạng nhiều trung tâm luyện thi dựa vào cấu trúc đề thi đánh giá năng lực để xây dựng đề thi cho thí sinh, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM) - cho rằng, đây là bài thi chưa được kiểm chứng, có thể quá dễ hoặc quá khó so với đề thi chính thức, thậm chí là sai. ĐHQG TPHCM không có bất kỳ trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào. Do đó, tất cả quảng cáo trên mạng xã hội đều do các tổ chức, cá nhân khác tự thực hiện, thí sinh cần tỉnh táo khi tham gia ôn luyện.

Khảo sát từ thủ khoa trong kỳ thi đánh giá năng lực các năm cho thấy, những thí sinh này có cách học tập nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch. Đề thi đánh giá năng lực bao phủ lượng kiến thức vừa phải nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng vấn đề.

Để đạt điểm cao, học thuộc không phải cách tốt nhất. Các em phải hiểu vấn đề, biết cách hệ thống hóa kiến thức, kết nối các khoảng kiến thức với nhau và biết ứng dụng kiến thức đó trong thực tế.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, để đạt điểm cao, thí sính cần học thực chất. Việc luyện thi sẽ giúp các em tự tin, có kỹ năng làm bài tốt hơn. Song thí sinh cần cẩn trọng khi luyện thi.

Ngoài ra, một trong những năng lực giúp thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu. Đề thi đánh giá năng lực rất dài, cung cấp nhiều dữ kiện, số liệu; do đó những em nào có khả năng xử lý thông tin tốt, logic hóa tốt sẽ có kết quả cao hơn.

Là một trong những thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM bằng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, Lê Minh Khôi cho biết, ở kỳ thi này em được 786 điểm. Từ kinh nghiệm của bản thân, Minh Khôi khuyến nghị, sĩ tử không nên sa đà vào việc tìm kiếm các lớp luyện thi hoặc “lò luyện” thi đánh giá năng lực.

Càng không nên trông chờ vào việc “trúng tủ” đề thi khi tham gia các lớp luyện thi. Đặc biệt, các em cần cảnh giác với tất cả lời mời, hoặc “chào hàng” theo kiểu “ôn đâu, trúng đấy” của một số trung tâm trên mạng; tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân đội Israel khiến Gaza đổ nát.

Chiến tranh thế giới thu nhỏ

GD&TĐ - Chưa từng có về quy mô và thời gian, cuộc chiến tranh hỗn hợp Israel-Hamas có thể dễ dàng leo thang thành 'Chiến tranh thế giới thu nhỏ'.