Chuyên gia cảnh báo việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân

GD&TĐ - Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm do những nỗ lực của Nga và Hoa Kỳ, cùng với đó các quốc gia sở hữu những vũ khí này tiếp tục hiện đại hóa chúng, theo dữ liệu được công bố trên trang web của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Chuyên gia cảnh báo việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân

Hoa Kỳ và Nga sở hữu khoảng 90% số lượng vũ khí hạt nhân, tiếp tục giảm số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược theo các điều khoản của Hiệp ước START-3, đồng thời thực hiện các bước giảm đơn phương. Viện cũng nhấn mạnh rằng, trong năm 2018 các quốc gia tuyên bố đã đạt đến giới hạn giảm vũ khí hạt nhân đúng thời hạn.

Điểm đáng lưu ý là thời hạn hiệu lực của Hiệp ước START-3 sẽ hết hạn vào năm 2021, nếu cả hai quốc gia không đồng ý gia hạn.

Shannon Kyle, một nhà nghiên cứu của SIPRI cho biết: "Triển vọng cho việc tiếp tục giảm số lượng vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ đang ngày càng ít đi, do sự khác biệt về chính trị và quân sự giữa hai nước".

Cần lưu ý rằng vào đầu năm 2019, 9 quốc gia - Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có khoảng 13,9 nghìn đầu đạn hạt nhân. Con số này ít hơn so với đầu năm 2018 với số lượng 14,5 nghìn.

"Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân giảm trong năm 2018, nhưng tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ", Jan Eliasson, chủ tịch hội đồng của Viện SIPRI cho biết.

Điều rõ ràng là kho vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác không lớn, nhưng tất cả các quốc gia này đều bắt đầu phát triển hoặc triển khai các chương trình vũ khí hạt nhân mới, hoặc công bố các chương trình tương tự. Các chuyên gia lấy ví dụ một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan.

Các nhà phân tích của SIPRI cũng lưu ý rằng DPRK tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự của mình như là một yếu tố trọng tâm của chiến lược an ninh quốc gia, mặc dù năm 2018 đã công bố lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) được thành lập năm 1966 là một nhóm các chuyên gia chuyên nghiên cứu về xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải giáp.

Theo Ria.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ