Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres cho biết, một mái vòm bê tông được xây dựng trên đảo Runit (giữa Thái Bình Dương) vào cuối những năm 1970 để chứa chất thải từ các vụ thử bom nguyên tử khổng lồ được tiến hành sau Thế chiến II có thể rò rỉ bùn độc ra biển.
“Thái Bình Dương từng là nạn nhân trong quá khứ như chúng ta đều đã biết”, ông Guterres nói khi đề cập đến các vụ nổ hạt nhân do Mỹ và Pháp thực hiện trong khu vực.
Quốc đảo này là nơi thực hiện 67 vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong đó có cả bom hydro “Bravo” năm 1954, loại mạnh nhất từng được Mỹ kích nổ và lớn hơn khoảng 1.000 lần so với bom A mà họ từng thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Tại Quần đảo Marshall, nhiều cư dân bản địa đã buộc phải rời khỏi vùng đất của họ và hàng nghìn người khác đã không may tiếp xúc với bụi phóng xạ.
“Tôi vừa gặp mặt với Tổng thống quốc đảo Marshall, người rất lo lắng vì nguy cơ rò rỉ của các chất phóng xạ trong chiếc “quan tài hạt nhân” nằm trong khu vực”, theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, người vừa có chuyến đi qua Nam Thái Bình Dương để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu trao đổi với báo chí.
Đất và tro phóng xạ từ các vụ nổ đã được đưa vào hố tạo nên bởi chính vụ nổ mà chúng gây ra và được bao phủ bởi một mái vòm bê tông dày 18 inch - phương án bảo quản tạm thời vào thời điểm đó. Đến thời điểm hiện tại, các vết nứt đã phát triển trong bê tông và có nhiều lo ngại rằng nó có thể vỡ ra trong trường hợp gặp bão nhiệt đới.
“Rất nhiều việc cần được xử lý sớm do các vụ nổ xảy ra ở đảo Polynesia thuộc Pháp và Quần đảo Marshall trước đây. Điều này liên quan đến hậu quả về sức khỏe, tác động đến cộng đồng và nhiều khía cạnh khác. Tất nhiên, những câu hỏi về bồi thường và cơ chế để cho phép những tác động này được giảm thiểu cũng được đặt ra”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết.