Chuyển đổi số trong xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu

GD&TĐ - Thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành GD nói chung và thiết bị dạy học nói riêng, Bộ GD&ĐT có cách tiếp cận mới trong xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất – Bộ GD&ĐT) trong hội thảo góp ý các dự thảo thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6. Ảnh: An Nhiên
Ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất – Bộ GD&ĐT) trong hội thảo góp ý các dự thảo thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6. Ảnh: An Nhiên

Chuyển đổi số trong xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu: Lợi ích trước mắt và lâu dài

Thiết bị và đồ dùng dạy học là một thành tố không thể thiếu trong quá trình dạy và học, là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành công của việc đổi mới phương pháp dạy và học, bởi nó là phương tiện minh họa kiến thức, nâng cao năng lực tư duy và rèn luyện năng lực thực hành cho học sinh. 

Tuy nhiên, thực tế quá trình dạy và học cho thấy, TBDH trong các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra, quá trình sử dụng còn gây nhiều khó khăn cho giáo viên. Ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay, các trang thiết bị dạy học (như tranh ảnh, bản đồ giấy, giáo cụ trực quan…) chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học. Ngoài ra còn nhanh hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí, các thiết bị dạy học cũ chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về hình thức và nội dung, cũng như tìm hiểu, cập nhật thông tin liên tục của giáo viên và học sinh trong thời đại 4.0.

Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/4/2019, thông tư 43/2020/TT-BGDĐT và 44/2020/TT-BGDĐT ngày 03/11/2020 quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Bên cạnh sự kế thừa những trang thiết bị dạy học truyền thống để phục vụ cho chương trình GDPT 2018, trong danh mục thiết bị dạy học lớp 2 và đặc biệt là lớp 6 đã có những sự thay đổi lớn, bổ sung quan trọng như lược bỏ hầu hết các tranh ảnh giấy, khuyến khích sử dụng tranh ảnh điện tử, bổ sung thêm các học liệu điện tử, các video, clip theo các chủ đề dạy học, và đặc biệt đã bổ sung các thiết bị dạy học hiện đại như bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên, phần mềm mô phỏng, qua đó tạo nền tảng cho việc áp dụng các phương pháp giáo dục mới.

Không chỉ có các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, các môn khoa học xã hội cũng được chú trọng bổ sung thêm các học liệu điện tử như video, bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên (dành cho môn Lịch sử, Địa lý), phần mềm mô phỏng (môn Địa lý).

Theo quy định tại thông tư, các bộ học liệu điện tử không chỉ yêu cầu đáp ứng đầy đủ về mặt nội dung theo yêu cầu của chương trình 2018 (bài giảng, học liệu, câu hỏi bài tập, đề kiểm tra…) mà còn đưa ra những yêu cầu rất chi tiết về mặt kĩ thuật (như sử dụng trong môi trường không có kết nối intenet), tính năng đa dạng, đáp ứng những yêu cầu về mặt chuyên môn của giáo viên.

Ông Phạm Hùng Anh, Cục Trưởng cục Cơ Sở Vật Chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành giáo dục nói chung và thiết bị dạy học nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những định hướng mới, cách tiếp cận mới trong việc xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018, trong đó có một số điểm lưu ý như sau: Sắp xếp lại hệ thống TBDH theo phòng học bộ môn; khuyến khích sử dụng tranh ảnh điện tử hoặc phần mềm mô phỏng; đưa thêm những học liệu điện tử, các video, clip theo các chủ đề dạy học; bổ sung một số thiết bị hiện đại, tạo nền tảng cho việc áp dụng các phương pháp GD mới (STEM, định hướng GD nghề nghiệp...).

Bên cạnh đó, việc xây dựng danh mục thiết bị tối thiểu theo hướng tiếp cận CNTT cũng giúp giáo viên sử có thêm các phương tiện dạy học hiệu quả, giúp việc sử dụng thuận lợi hơn, tạo hứng thú cho học sinh. Vì vậy, việc trang bị các trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành giáo dục nói chung.”

Thiết bị dạy học mới đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học

Việc bổ sung các trang thiết bị dạy học hiện đại, phù hợp với Chương trình GDPT, thuận tiện và dễ sử dụng đã được nhiều giáo viên đón nhận tích cực.

Cô Trương Thị Phương, giáo viên môn Lịch sử, trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên môn Lịch sử 6 có hệ thống học liệu (tranh ảnh điện tử, video/clip,câu hỏi bài tập, đề kiểm tra…) theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018 rất phong phú và đa dạng, bên cạnh đó các tính năng hỗ trợ soạn, giảng rất dễ dàng sử dụng, đặc biệt là tính năng sử dụng trong môi trường không có kết nối internet. Việc ứng dụng Bộ học liệu điện tử như thế này có vai trò rất quan trọng trong việc truyền thụ và tiếp thu kiến thức nhanh và dễ hiểu, tạo hứng thú học tập cho học sinh; cung cấp kiến thức cho học sinh một cách chính xác, trực quan, sinh động. Qua đó, nâng cao được chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

Cô Trần Thị Thu Hiền, Giáo viên môn Tiếng Anh trường THCS Giảng Võ, Hà Nội chia sẻ: Ngoài đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc cung cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại là rất cần thiết. Bởi, việc này đáp ứng nhu cầu dạy học của từng môn học gắn lý thuyết với thực hành. Các học liệu điện tử (bài giảng, video, hình ảnh) trong Bộ học liệu điện tử phù hợp về nội dung, hình thức đẹp, âm thanh và video phong phú. Đặc biệt là các video có sử dụng phát âm bản xứ, từ đó thể hiện sự chính xác về phát âm.”

Ðể thiết bị dạy học thực sự phát huy hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy và học, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, các địa phương cũng cần phải hiểu đúng, mua đủ, đảm bảo chất lượng trong việc mua sắm trang thiết bị dạy học.

Ông Phạm Hùng Anh, Cục Trưởng cục Cơ Sở Vật Chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý: “ Để chủ động mua sắm TBDH lớp 2, lớp 6 trong thời gian tới, các địa phương cần căn cứ vào quy định TBDH lớp 2, lớp 6 của Bộ GD&ĐT để tổ chức rà soát hiện trạng TBDH tại các nhà trường, để từ đó xây dựng được kế hoạch và nhu cầu cần mua sắm bổ sung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện, đảm bảo thời gian và thiết bị về đến trường trước khai giảng năm học (hoặc trước khi thực hiện chương trình mới), đảm bảo chất lượng, tránh mua phải các thiết bị không đáp ứng yêu cầu của danh mục, kém chất lượng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ