Có thiết bị mà không dùng được
Từ năm 2020 – 2021 ngành GD tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo Chương trình, SGK mới. Trang thiết bị được mua sắm cấp về các trường học, như: Tivi, máy chiếu, máy tính, tủ đựng thiết bị... Tuy nhiên, trái với sự mong đợi, nhiều thiết bị không phù hợp thực tế và yêu cầu dạy học, khiến nhà trường “dở khóc dở cười”.
Thầy C.Tr.T. ở trường tiểu học của một huyện vùng cao, biên giới Thanh Hóa phản ánh: Năm ngoái, nhà trường được nhận trang thiết bị phục vụ dạy học theo Chương trình thay SGK mới (lớp 1). Trong đó, có 1 chiếc tivi, 1 máy chiếu, 1 máy tính xách tay và nhiều loại thiết bị để phục vụ dạy học.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, mới thấy sự bất cập của nó. Bởi, tivi chỉ có 32 inch, trong khi diện tích phòng học hơn 50m2 , mà mỗi lớp học có vài chục học sinh. Vì thế, các em không thể nhìn rõ chữ, hình ảnh trên màn tivi khi giáo viên giảng bài.
Cũng theo lãnh đạo trường tiểu học nêu trên, ngoài việc tivi quá nhỏ, thì máy tính xách tay cũng không đạt chất lượng. Khi sử dụng không đạt yêu cầu về tốc độ xử lý thông tin. Trong khi đó, giá thành của chiếc máy tính ấy lên tới hơn 20 triệu đồng. Nếu so với giá thực của nó ở ngoài thị trường, quả là khá đắt.
May mắn là máy chiếu sử dụng tốt. “Vừa rồi, khi tham gia họp giao ban cụm, tôi cũng đã mạnh dạn đề xuất lên cấp trên là: Năm nay, để phục vụ Chương trình thay SGK mới (lớp 2), nếu được cấp thiết bị, thì trường chúng tôi đề nghị được cấp loại tivi có màn hình lớn, ít nhất phải từ 50 inch trở lên.
Còn máy tính xách tay và các trang thiết bị khác cũng cần được kiểm tra, thẩm định chất lượng cho cụ thể, sao cho phù hợp với thực tế”, vị lãnh đạo trường đề nghị.
Hiệu trưởng 1 trường miền núi khác cũng cho biết tivi màn hình 32 inch nhỏ so với diện tích lớp học. Còn máy tính xách tay nhà trường phải bỏ thêm 1 triệu đồng mua ổ cứng ngoài lắp vào, vì dung lượng quá ít.
“Năm nay, chúng tôi đăng ký 3 chiếc tivi Smart với kích cỡ từ 55 inch trở lên, để sử dụng thay cho máy chiếu. Vì thực tế, dòng tivi Smart kết nối Internet dễ dàng và giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin ở trên đó thay cho chiếc máy chiếu”, thầy hiệu trưởng thông tin.
Sẽ rà soát, kiểm tra thiết bị đã cấp
Qua khảo sát, tình trạng nêu trên xảy ra ở nhiều trường học trong tỉnh Thanh Hóa. Có trường sau khi nhận tivi, máy tính xách tay về không sử dụng được, hoặc muốn sử dụng máy tính thì phải bỏ tiền ra lắp đặt thêm ổ cứng.
Ông Mai Xuân Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho hay: “Chúng tôi cũng đề nghị khi trang cấp thiết bị dạy học cho nhà trường, thì cần bảo đảm chất lượng, sử dụng hiệu quả.
Ví dụ: Chiếc tivi để sử dụng trong việc trình chiếu cho học sinh tại lớp học, phải có kích cỡ phù hợp, bảo đảm cho học sinh quan sát tốt. Các thiết bị phù hợp với đặc thù của từng môn học và bảo đảm theo đúng quy định để sử dụng không chỉ 1 năm mà lâu dài”.
Có một thực tế, năm học 2020 - 2021, khi các doanh nghiệp cấp trang thiết bị về cho trường học, nhưng không cấp tại phòng GD&ĐT, mà chuyển thẳng về cho các nhà trường. Vì vậy, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố cũng không thể kiểm tra thiết bị ngay từ lúc đầu được.
Được biết, gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện Chương trình, SGK mới năm học 2020 - 2021, được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng với Liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa, bao gồm nhiều doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An Khang...
Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là hơn 89 tỷ đồng. Trong đó, 612 bộ thiết bị cấp cho 512 trường tiểu học trên địa bàn với hơn 88 tỉ đồng.
Chi phí tư vấn đầu tư gần 658 triệu đồng và chi phí vận chuyển, lắp đặt 512 triệu đồng. Số tiền nêu trên được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp GD-ĐT trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Mới đây, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở GD&ĐT rà soát, kiểm tra lại chất lượng thiết bị dạy học đã cấp năm ngoái và có báo cáo chính thức về vấn đề này.
Do đó, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo rà soát sớm, có báo cáo tổng thể với UBND tỉnh để xử lý. Đồng thời, từ đó sẽ rút ra kinh nghiệm để làm cho tốt hơn cho những năm tiếp theo”.