Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục: Kỹ năng số trong môi trường giáo dục 4.0

GD&TĐ - Để có lớp học thông minh, trường học thông minh… không chỉ là nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực con người. Bởi, ICT chỉ là phương tiện hỗ trợ để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Ứng dụng CNTT: Tiêu chuẩn nghề của GV

Trong khi chờ HS đăng nhập vào hệ thống bằng điện thoại có kết nối Internet để làm bài tập, cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mở video về thí nghiệm trên nền của ứng dụng phần mềm Kahoot. Bộ câu hỏi của bài ôn tập đã được cô Nguyệt chuẩn bị sẵn. Chỉ cần cô giáo nhấn nút START để kích hoạt các câu hỏi, HS trả lời đáp án trên thiết bị của mình.

“Thông qua hệ thống, sau mỗi câu hỏi, GV có thể theo dõi và biết được HS nào đã hoàn thành việc chuẩn bị bài, HS nào chưa. Nếu HS không hiểu bài, gặp khó khăn hay đơn giản là lười học, GV có thể tương tác ngay. GV cũng có thể lưu các kết quả này để sử dụng đánh giá HS sau này”, cô Thu Nguyệt cho biết. Với ứng dụng Kahoot, cô Thu Nguyệt đã khắc phục được những tồn tại trong dạy – học mà một tiết luyện tập thường hay gặp phải: Số lượng câu hỏi và bài tập nhiều, GV ít có thời gian để phản hồi kết quả học tập của từng HS, từng nhóm HS.

Giờ ôn tập bài Địa lý của lớp 5, Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), HS rất hào hứng khi chỉ bằng thao tác nhấp chuột có thể tìm ra “điều bí ẩn” sau những mảnh ghép về hình ảnh Trái đất được cắt rời. Từ việc so sánh ảnh từ vệ tinh chụp Trái đất năm 1978 và hình ảnh của Trái đất năm 2017, HS nêu nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường để có một hành tinh xanh. Các bước chuẩn bị cho giờ dạy học của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết không mất quá nhiều thời gian nhờ có sẵn học liệu từ dữ liệu điện toán đám mây.

Dạy học trực tuyến không chỉ dừng lại ở bậc đại học mà đã lan tỏa đến những cấp bậc học thấp hơn. Dịch Covid-19 đã và đang diễn ra gần như đã “góp phần” thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đối với ngành GD. Sau những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu, các trường học đã số hóa tài liệu và slide bài giảng để hỗ trợ cho dạy online. Chuyển đổi việc dạy – học qua các phần mềm tương tác trực tuyến đã mang lại hiệu quả mạnh mẽ khi khơi gợi được hứng thú cũng như ham thích học tập của HS, SV. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: GV chủ nhiệm các khối lớp 1 - 4 của năm học 2019 – 2020 bàn giao group HS học trực tuyến qua ứng dụng Zoom cho GV chủ nhiệm mới để có thể duy trì dạy học online khi tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn  phức tạp.

PGS.TS Nguyễn Văn Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục không còn là có nên giới thiệu và ứng dụng CNTT vào quá trình đào tạo hay không, mà là làm thế nào để nâng cao hiệu quả học tập của  HS, SV thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của CNTT”. Theo đó, việc ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy vừa nâng cao tính tự chủ và động cơ học tập của người học vừa mở rộng khả năng tương tác của người học theo hướng: Kéo thế giới vào lớp học; mang lớp học ra khỏi bốn bức tường. Từ đây, người học được tăng năng lực tiếp cận, xử lý, và điều tiết thông tin để tạo thông tin mới.

Học sinh Trường THPT Trần Phú Đà Nẵng đang làm thí nghiệm ảo trên máy tính.
Học sinh Trường THPT Trần Phú Đà Nẵng đang làm thí nghiệm ảo trên máy tính.

Kỹ năng số cần có

Trong chiến lược trở thành ĐH thông minh, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã phát triển và đưa vào vận hành Hệ thống quản lý thông tin đào tạo trực tuyến bao gồm các trang cung cấp thông tin về quy chế, quy định, chương trình đào tạo, thông báo về kế hoạch năm học; kế hoạch đăng ký học & đóng học phí; lịch học & lịch thi; thông tin tuyển sinh; kế hoạch công nhận tốt nghiệp và lễ trao bằng; kết quả xét học vụ, công khai & xác thực bằng tốt nghiệp đã cấp... đồng thời tiếp nhận thông tin phản hồi của SV đối với lớp học phần, khóa học, các hoạt động quản lý của trường.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, dạy – học chuyển đổi số cần có sự thay đổi ở cả phía người học và người dạy. “Với mô hình “lớp học ngược”, không phải SV lên lớp mới học mà đã có quá trình tự học trước đó. GV sẽ cung cấp tài liệu, hướng dẫn SV cách đọc, đưa ra yêu cầu, thậm chí là giao luôn bài tập ở mức độ dễ. Đến lớp, thầy không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà tổng hợp kiến thức, giải đáp những thắc mắc, giúp cho HS nắm bài kỹ hơn. Đây là cốt lõi của lớp học số. Việc truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò không còn nữa, thay vào đó thầy đóng vai trò là “huấn luyện viên”, hướng dẫn cho người học cách lĩnh hội kiến thức”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.

TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Để thực hiện mô hình chuyển đổi số giáo dục, có thể vận dụng một số kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, cần có cơ chế kết hợp huy động các doanh nghiệp vào cuộc như cung cấp hạ tầng, chia sẻ công cụ để phát triển học liệu, giải pháp tăng hoạt động tương tác… Tập huấn cấp tốc cho đội ngũ quản lý cốt cán, giáo viên cốt cán về sư phạm số, yêu cầu về “giáo viên số” theo tiếp cận “cầm tay chỉ việc”, dùng được ngay….

Các trường học cũng cần tái cấu trúc lại kế hoạch nhà trường, bố trí tỷ lệ hợp lý thời gian học online với các công cụ phù hợp. Sau khi hết dịch Covid-19 sẽ còn lại rất nhiều thói quen sử dụng công nghệ của giáo viên, học sinh, phụ huynh, nên nếu không tận dụng sẽ rất lãng phí. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.