Covid-19 – động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam

Covid-19 – động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là thành công bởi nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Đánh giá về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, ngoài những tác động tiêu cực, dịch Covid-19 đã mở ra nhiều xu hướng đầu tư và kinh doanh mới. Dịch Covid-19 khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách làm việc, trở thành động lực để thúc đẩy chuyển đổi số. Hơn nữa, tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

“Chúng ta phải có biện pháp ứng phó trong bối cảnh mới hiện nay. Thứ hai là phục hồi càng nhanh càng tốt. Thứ ba là chúng ta phải đổi mới sáng tạo, nhất là trong mô hình, cũng như trong chiến lược kinh doanh của mình. Tiếp tục tái cơ cấu, những cái gì không tốt, những gì không tinh gọn chúng ta dứt khoát là phải tập trung lại, tăng khả năng chống chọi của chúng ta đối với các cú sốc bên ngoài. Năm 2020 là 1 năm cực kỳ khó khăn của suy thoái rất rõ và 2021 thì chúng tôi vẫn dự báo khả năng phục hồi sẽ tốt hơn. Tôi luôn tâm niệm là đối với mỗi doanh nghiệp của chúng ta hai yếu tố vô cùng quan trọng chính là con người và đột phá công nghệ”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là mối quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý, mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp cần thâm nhập và đúng thị trường mục tiêu, xác định mức giá phù hợp để chiếm lĩnh được thị trường cả trong và ngoài nước.

Còn theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược và tầm nhìn. Cụ thể, đó là chiến lược kỹ thuật số, công nghệ và đổi mới để tăng cường năng lực và tối ưu hóa các quy trình nội bộ; xác định các giao dịch, thương vụ và liên kết chúng với tầm nhìn dài hạn; duy trì cơ sở tài chính vững mạnh trong khi cân nhắc các nguồn vốn khác…

Đồng thời, tại thời điểm này, ông Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cần có từ các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi được những mô hình kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Cụ thể là mô hình kinh doanh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số họ có được những hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan tâm thêm có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của chuỗi cung ứng nội địa của Việt Nam từ khách hàng đến các nhà cung ứng.

Theovietq.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.