Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục: Bước cùng số hóa

GD&TĐ - Những tác động của đại dịch là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn ngành. Song để bắt nhịp với quá trình chuyển đổi này, cần đổi mới từ tư duy, nhận thức cho đến hành động của mỗi chủ thể.

Dạy học trực tuyến tại Học viện Quản lý giáo dục.
Dạy học trực tuyến tại Học viện Quản lý giáo dục.

Xác định chiến lược dài hạn 

Ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ: Khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, mọi thứ quá bất ngờ nên các trường học phải chuyển đổi qua môi trường số. Song thời điểm đó, nhà trường và giáo viên vẫn mang mô hình của lớp học truyền thống vào lớp học trực tuyến. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta cần có tư duy về dạy học trực tuyến dài hạn hơn. Thay vì mang lớp học truyền thống lên online, thầy, cô giáo có thể nghĩ đến việc tạo ra các nội dung hoạt động giáo dục khác. Vì thế mạnh của môi trường trực tuyến là các nội dung có thể được sử dụng nhiều lần. 

Ông Linh diễn giải: Giáo viên có thể chuẩn bị bài từ trước (giống như dạy học truyền thống), đến giờ học trực tuyến có biến tiết học thành buổi trao đổi, thảo luận. Điều này sẽ phù hợp với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Vì thế nếu giáo viên không thay đổi tư duy, nhận thức và không biết vận dụng môi trường số một cách linh hoạt sẽ lặp lại tình trạng mang lớp học truyền thông vào lớp học trực tuyến. Khi đó, vô hình trung yếu tố thời gian sẽ trở thành gánh nặng cho thầy – trò, vì cả người dạy và người học đều cảm thấy mệt mỏi.

Khuyến nghị các cơ sở giáo dục tại Việt Nam coi xu thế chuyển đổi số là một chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn, ông Nguyễn Nhật Minh - Quản lý chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Facebook cho rằng: Cần đầu tư xây dựng nội dung khóa học trực tuyến chất lượng, bài bản, đem lại các giá trị cốt lõi cho người học. Đó là xây dựng nền tảng từ nội dung, còn hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng chỉ là cách thức để truyền tải. Ngoài ra, phải chứng minh được giá trị của khóa học trực tuyến đó thông qua việc giúp người học có thêm kiến thức bổ ích.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học trực tuyến
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học trực tuyến

Thay đổi tư duy, hành động và nhận thức 

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Không phải đến khi có dịch Covid-19 chúng tôi mới có khái niệm về ứng dụng công nghệ số vào đào tạo. Cách đây khoảng 2 năm, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm để thí điểm đào tạo E-learning. Cuối năm 2019, nhà trường tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên về việc sử dụng các phần mềm E-learning với mục tiêu giúp sinh viên học từ xa. Cùng với đó, nhà trường chuẩn bị các học liệu để đưa lên Internet để sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi”.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Xuân Hiệp, dịch Covid-19 như chất xúc tác khiến các cơ sở giáo dục đại học phải thích ứng và quan tâm, đầu tư ứng dụng dạy học trực tuyến. Song điều quan trọng là thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả.

TS Hoàng Xuân Hiệp cho biết: Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có chủ trương mỗi khoa chọn từ 1 đến 3 giảng viên tham gia giảng dạy E-learning. Theo đó, các giảng viên sẽ biên soạn học liệu, chuẩn bị tài liệu, tổ chức giảng dạy qua E-learning và tổ chức đánh giá hiệu quả chuẩn đầu ra của các học phần đó. Ngoài ra, nhà trường đầu tư một phòng E-learning chuẩn, có cách âm, đầy đủ các trang thiết bị, máy quay.... Phòng này chuyên để quay các bài giảng hoặc các clip liên quan đến đào tạo; sau đó đưa lên website, fanpage… để sinh viên dễ dàng tiếp cận. Đây cũng là một trong những hình thức đào tạo từ xa của nhà trường, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Những tác động của đại dịch Covid-19, chính là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn ngành GD-ĐT. Chỉ trong thời gian  ngắn, chúng ta chứng kiến các cơ sở giáo dục ở tất cả cấp học (từ đại học đến tiểu học) chủ động đổi mới và thích ứng dụng công nghệ số một cách linh hoạt.

Ngoài ra, hầu hết các trường học đều duy trì dạy - học online toàn phần hoặc bán phần trong giai đoạn giãn cách xã hội. Việc ứng dụng công nghệ bước đầu có những kết quả khả quan, giúp  các cán bộ ngành Giáo dục có thể trao đổi, làm việc, hợp tác một cách thông suốt, đồng thời việc học tập của học sinh, sinh viên ít bị gián đoạn. 

“Đây là bước đi tích cực mà chúng ta cần phải phát huy hơn nữa trong thời gian tới” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói, đồng thời nhấn mạnh: Số hóa giáo dục còn bao hàm cả việc các trường đại học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc chuyển đổi và sử dụng công cụ số để phát triển, giao tiếp và duy trì kết nối với phụ huynh và học sinh, sinh viên. 

Ngày nay, hầu hết học sinh, phụ huynh có thói quen tìm kiếm thông tin về các trường đại học và chương trình tuyển sinh thông qua Internet và mạng xã hội. Vì thế, lãnh đạo các trường cần nắm rõ xu hướng này và điều chỉnh linh hoạt  hoạt động tư vấn tuyển sinh cho phù hợp, đặc biệt là tận dụng lợi ích của công nghệ số. - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.