Để đáp ứng yêu cầu, các đơn vị đã và đang thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, nghiên cứu khoa học,… tạo nền tảng phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Ưu tiên phát triển các ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản
Giáo sư Hà Thanh Toàn. |
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng 4.0 và ứng phó với biến đổi khí hậu bắt buộc chúng ta phải hội nhập. Một trong những công cụ quan trọng là chuyển đổi số phù hợp, thích nghi tình hình thế giới. Trong chuyển đổi số, thực hiện ứng dụng công nghệ cho tất cả ngành nhằm phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề cốt lõi. Điều này đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn nhân lực, triển khai đề tài nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp… Trường ĐH Cần Thơ rất mừng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xây dựng chuyển đổi số trong ngành đào tạo về nông nghiệp.
Trường sẽ đầu tư mọi nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo để xây dựng các mô hình chuyển đổi số; một số môn học ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đưa lên mạng chia sẻ cho các trường khác trong cả nước. Điều này nhằm tạo điều kiện cho Trường ĐH Cần Thơ chuyển đổi số toàn diện, ưu tiên phát triển ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để chia sẻ với các viện, trường khác trong cả nước.
Năm 2021, Ðảng ủy Trường ÐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-ÐU về “Ðẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Trường ĐH Cần Thơ theo hướng đại học thông minh”. Trong đó, trường đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, có 90% quy trình và hồ sơ công việc của trường được xử lý trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ, văn bản thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); quản lý nhân sự và giờ làm việc cũng được số hóa. Có 80% dịch vụ cung cấp cho viên chức và người học đạt mức độ trực tuyến 4; ít nhất 20% số học phần áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến, đánh giá trắc nghiệm khách quan trên máy tính.
NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ: Hướng đến xây dựng “trường đại học số”
NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã. |
Thực hiện công tác chuyển đổi số, nhà trường đã trang bị cơ sở vật chất, xây dựng các hệ thống quản lý hoạt động của trường như: Phần mềm quản lý học vụ (Education), phần mềm quản lý nhân sự - tiền lương (HRM); phần mềm hành chính điện tử (EGOV)… Cổng thông tin của trường và trang thông tin theo mỗi đơn vị, phần mềm E-Learning hỗ trợ giảng dạy trực tuyến các học phần lý thuyết, thực hành,… phục vụ tốt cho các bên liên quan; đặc biệt trong thời gian phòng chống Covid-19, đối phó với triều cường, mưa lụt kéo dài. Nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Hiệu trưởng làm trưởng ban; đầu tư thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Chuyển đổi số Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ gắn với phục vụ TP Cần Thơ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và giao đồng chí Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm, nhằm rà soát đưa ra kế hoạch, giám sát thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của nhà trường.
Trong tương lai, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tiếp tục chú trọng công tác đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trong quản trị và giảng dạy, để hướng đến việc xây dựng “Trường đại học số”, góp phần vào tiến trình thực hiện chuyển đổi số của TP Cần Thơ và cả nước.
TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội: Tận dụng triệt để chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số
TS Trương Tiến Tùng. |
Thực tế phát triển của khoa học công nghệ cho thấy, nếu một quốc gia có nền tảng số tốt sẽ giảm thiểu nguy cơ trước các thách thức từ vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh; đồng thời khắc phục hậu quả cũng dễ dàng hơn. Như vậy chuyển đổi số là sự phát triển tất yếu đối với quốc gia và không ngành nào có thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là giáo dục đào tạo. Khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) nói chung và ChatGPT nói riêng ra mắt, sẽ được coi như chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số càng được thúc đẩy.
Không nên quá lo lắng khi ChatGPT đi vào cuộc sống, nhất là trong môi trường giáo dục. Học tập là quá trình thu thập thông tin, kiểm chứng (đúng sai theo ngữ cảnh) – có lý luận, thực nghiệm (tạo kỹ năng) – có kinh nghiệm. Từ đó, tạo thành tri thức cá nhân. ChatGPT có thể giúp thu thập thông tin, còn kiểm nghiệm và thực nghiệm thì rõ ràng con người phải tự làm mới hình thành được tri thức cá nhân và với tri thức đó mới có thể sống và kiếm sống.
Theo cá nhân tôi, nếu coi đó là công cụ tìm kiếm, tổng hợp thông tin thì sẽ không có gì phải lo. Ai cũng có thể coi đó như một người thầy có thể cho chúng ta các tư duy, thông tin mới. Vì AI trong ChatGPT là khai thác trí tuệ của hàng tỉ người trên Trái đất thông qua thu thập thông tin và cơ sở dữ liệu lớn.
Quan trọng là chúng ta giáo dục và định hướng cho mỗi đối tượng biết cách khai thác không chỉ ChatGPT mà còn các công cụ thông minh khác khi nó xuất hiện. Ví dụ, giảng viên hãy học cách để phân biệt trí tuệ nhân tạo và trí tuệ thật không chỉ qua kết quả (bài luận), mà qua giao tiếp trong quá trình giảng dạy. Nói cách khác hãy sử dụng công cụ số để thu thập kết quả học tập của người học trong quá trình học tập, chứ không phải chỉ đánh giá kết quả.
Với người học, có thể coi kết quả mà trí tuệ nhân tạo tạo ra là gợi ý để mình thẩm định và biến nó thành tri thức của mình thì cũng rất tốt. Nói tóm lại, đừng lo sợ những gì là phát minh của loài người, mà hãy đón nhận, cổ vũ để các nhà khoa học tiếp tục phát minh. Hãy tin vào sự trung thực của thế hệ trẻ, vì tri thức không vay mượn được, nó sẽ lộ ra trong quá trình sống và làm việc.
TS Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Cung cấp hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh, hướng tới học tập suốt đời
TS Thạch Thị Dân. |
Nhiều năm qua, Trường ĐH Trà Vinh đã từng bước thực hiện chuyển đổi số, đạt được một số thành tựu nổi bật. Đó là phát triển mô hình đại học thông minh; xây dựng và sử dụng các khóa học E-Learning trên hệ thống LMS như công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tiếp trên lớp; số hóa tài liệu tham khảo, học liệu, tài liệu nội sinh gắn với chương trình đào tạo. Các giải pháp này áp dụng cho hơn 20.000 sinh viên, học viên theo học từ trình độ đại học đến sau đại học. Trường đào tạo 52 ngành bậc đại học, 25 ngành bậc thạc sĩ, 10 ngành bậc tiến sĩ và 5 ngành chuyên khoa cấp 1…; cung cấp hệ sinh thái đào tạo tương đối hoàn chỉnh cho tỉnh Trà Vinh và khu vực với mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp học, liên thông các bậc học hướng tới học tập suốt đời, cùng với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hoạt động phục vụ cộng đồng.
Sau những nỗ lực không ngừng, trường đạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2022 (VietNam Digital Awards - VDA) ở hạng mục doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Trường cũng được trao giải “Hệ thống quản lý công tác nhân sự, đào tạo, Hệ thống quản lý đào tạo Kỹ năng mềm và Hệ thống hỗ trợ công tác đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo phục vụ cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo”. Đây là hạng mục trao cho những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực có quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số thành công.
TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Vận dụng hiệu quả bí quyết tự chủ đại học và quản trị đại học tiên tiến
TS Hồ Văn Thống. |
Chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đẩy mạnh chuyển đổi số và thích ứng nhanh” thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm biến các thách thức thành cơ hội, tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hiện đội ngũ nhà trường có 530 viên chức (gồm 389 giảng viên, 11 phó giáo sư; 85 tiến sĩ) và gần 10.000 học viên, sinh viên ở các hệ đào tạo, bồi dưỡng. Nhiệm vụ trọng tâm của trường là xây dựng kế hoạch, mục tiêu hành động toàn diện cho các hoạt động.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ năm học, tập thể lãnh đạo và toàn thể viên chức, sinh viên, học viên của trường phải phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm. Tất cả hướng đến các định hướng lớn, cụ thể: Tiếp tục khai mở, vận dụng hiệu quả bí quyết tự chủ đại học và quản trị đại học tiên tiến; tận dụng lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đồng Tháp để triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng hiệu quả, nhanh và với quy mô lớn hơn. Đồng thời tiếp tục khai thác tiềm năng khoa học giáo dục và đào tạo của giảng viên để đẩy mạnh đổi mới hoạt động giáo dục; chú trọng hơn nữa đổi mới sáng tạo trong trường. Lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản lý nhà trường, tiếp tục khai thác và phát huy lợi thế của trường đại học đa ngành.
Nhà trường đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng của đội ngũ viên chức và người học để tiếp tục đổi mới và phát triển nhà trường, song hành với triển khai các đề án thu hút, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng và văn hóa nhà trường với triết lý giáo dục “Kiến tạo - Chuyên nghiệp - Hội nhập”; Tăng cường hợp tác - Kết nối với nhà tuyển dụng, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đồng hành với trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, khu vực và cả nước. Tích cực tham gia các chương trình, dự án trọng điểm góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam phồn vinh - Hùng cường - Hạnh phúc, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…
TS Đỗ Viết Tuân, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý giáo dục): Thầy – trò phải thay đổi
TS Đỗ Viết Tuân. |
Những năm gần đây, chuyển đổi số đã được các cơ sở giáo dục đại học chú trọng trên các phương diện như: Số hóa dữ liệu, sử dụng ứng dụng dạy học trực tuyến, hội họp trực tuyến, quản lý hoạt động nhà trường…. Có lẽ, ChatGPT sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến giảng dạy, khi mà nhiều môn học có nguy cơ bị đe dọa bởi sự thông minh của nó.
Vì vậy, hoạt động dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá trên các nền tảng công nghệ cũng cần được cải tiến để thích nghi với sự xâm lấn của ChatGPT, tránh tình trạng gian lận trong học tập và thi cử. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục và đào tạo nên tận dụng sự thông minh của ChatGPT để có thể xây dựng các mô hình chuyển đổi số, phù hợp với từng nhà trường.
Bên cạnh đó, cần thay đổi các hoạt động kiểm tra, đánh giá. Nên chăng tổ chức dưới hình thức thuyết trình, tương tác trực tiếp… ChatGPT có thể giúp tổng hợp kiến thức nhưng việc thuyết trình sẽ giúp sinh viên nắm vững và nắm sâu kiến thức hơn. Từ đó, các em có thể lĩnh hội và thể hiện ở hoạt động thuyết trình theo yêu cầu.
Bản thân tôi nhận thấy, trước hết mình cần thay đổi và các thầy, cô giáo, người học cũng cần thay đổi để thích ứng với ChatGPT. Thực tế, việc tìm kiếm tri thức đã quá dễ dàng với sinh viên. Vì vậy, giảng viên cần thích ứng với công cụ hỗ trợ này để định hướng, phản biện, tổ chức hoạt động dạy học chủ động dành cho người học. Tiếp đến, các chương trình đào tạo nên thiết kế theo hướng tăng dần tính thực hành, giảm thiểu lý thuyết, giảm cách học sao chép, làm sao để ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ người học mang tính chất tham khảo, thay vì thành một công cụ gian lận trong học tập. - TS Đỗ Viết Tuân