Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học

GD&TĐ - Sáng 12/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến giáo dục đại học 2020, định hướng năm 2021 - 2025.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị

Những nỗ lực của ngành Giáo dục đã được ghi nhận

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2020 là năm đặc biệt, với nhiều sự thay đổi, biến động từ dịch Covid-19 và thiên tai, bão, lũ. Dịch Covid-19 khiến công tác tuyển sinh của các trường đại học cũng muộn hơn so với năm học trước.

Với những nỗ lực của toàn ngành, từ giáo dục phổ thông cho đến đại học đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được xã hội đánh giá cao, trong đó có việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.

Chúng ta đã khắc phục hậu quả của bão lũ khu vực miền Trung, hoàn thành tốt công tác tuyển sinh, đưa công tác đào tạo vào ổn định. Hầu hết các trường đã tuyển sinh và đạt được kết quả như mong muốn.

Trao đổi về vấn đề tự chủ đại học, Thứ trưởng nhấn mạnh, để phát huy quyền tự chủ và nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh thực hiện đúng theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34), thì vấn đề đặt ra là, làm thế nào để vừa giữ ổn định, vừa phát huy được những điểm tốt, những ưu điểm của tiến trình đổi mới mà trong những năm qua chúng ta đã đạt được.

Mặt khác, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng kỹ thuật mới để khắc phục những vấn đề còn hạn chế và phát huy quyền tự chủ của các trường trong công tác tuyển sinh.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Liên quan đến triển khai Luật số 34 và Nghị định 99, trọng tâm là cơ chế tự chủ đại học; thứ trưởng chia sẻ: Quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học đã có sự thay đổi, đổi mới theo đúng hướng. Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ tài chính, quan trọng hơn là nâng cao năng lực quản trị của nhà trường, trách nhiệm đối với xã hội, để các trường tự quyết định những nội dung, những nhiệm vụ chuyên môn, cơ cấu tổ chức, hoạt động của trường.

Trong đó, việc xây dựng, thành lập kiện toàn bộ máy nhà trường, đặc biệt hội đồng trường là nhiệm vụ quan trọng. Đó là tiền đề, điều kiện tiên quyết để đổi mới quản trị và thực hiện cơ chế quản trị để thực hiện tự chủ đại học. Cho đến nay, công tác này được triển khai rất tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bàn thảo những vướng mắc để định hướng trong năm 2021 thực hiện tốt hơn.

Cải tiến không ngừng để nâng cao chất lượng GD-ĐT

Thứ trưởng trao đổi, thực hiện tự chủ, các trường chịu trách nhiệm chính về chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra đưa ra chuẩn mực đối với tiêu chuẩn chất lượng.

Đối với các trường, cải tiến và không ngừng cải tiến là việc quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với người học và xã hội. Trong đó, công tác đánh giá, quản lý chất lượng, kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, các chương trình đào tạo là một yêu cầu cấp thiết.

“Thời gian qua, chúng ta đã triển khai tốt công tác này. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các trường được kiểm định chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là số lượng các chương trình đào tạo cần được kiểm định và phải thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới”- Thứ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh:

Các trường quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng, chính là quan tâm đến cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hỗ trợ các trường trong công tác này bằng việc ban hành các chính sách, văn bản, hướng dẫn để các trường làm tốt hơn.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Cho rằng, xu hướng thế giới và Việt Nam là ứng dụng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, Thứ trưởng cho biết, chúng ta đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Lĩnh vực giáo dục đại học được coi là một lĩnh vực ứng dụng chuyển đổi số rất quan trọng - 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên. Ngành Giáo dục đã tiên phong và sẵn sàng tiên phong trong thời gian tới.

“Vấn đề là chúng ta sẽ triển khai như thế nào, những nhiệm vụ trọng và đột phá tâm gì mà chúng ta cần quan tâm trong năm 2021 cũng như trong 5 năm tới” – Thứ trưởng đặt vấn đề, đồng thời cho biết:

Bộ GD&ĐT sẽ có cơ sở để phân tích dự báo cho toàn ngành thực hiên giám sát chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, chúng ta sẽ xây dựng nền tảng khác, với hệ thống ứng dụng; trên cơ sở đó chuyển đổi số trong dạy - học, trong quản lý và quản trị nhà trường.

Để triển khai chuyển đổi số và để thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý, quản trị nhà trường; năm 2020, Bộ GD&ĐT đã từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, việc này đã được ghi trong Luật 34. Với cơ sở dữ liệu quốc gia này, các nhà trường cũng có cơ sở để phân tích, dự báo, đưa ra quyết định tốt hơn trong quản trị nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...