Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Công nghệ cho giáo dục trong tương lai

GD&TĐ - Sáng 29/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tham dự Tọa đàm Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học với chủ đề “Công nghệ cho giáo dục trong tương lai”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hệ thống giáo dục đại học đang chuyển mình

Đây là một trong những chương trình quan trọng hàng đầu trong chuỗi sự kiện Viet Nam Leads kỷ niệm 20 năm thành lập RMIT Việt Nam do ĐH RMIT và Global Victoria hợp tác thực hiện.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, giáo dục đại học số, chuyển đổi số không phải gần đây mới được nhắc tới. Từ nhiều năm nay, với những tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc tổ chức dạy - học trực tuyến, từ xa đã trở thành hình thức không thể thiếu ở trong rất nhiều các trường đại học.

Qua đại dịch Covid-19 đã tạo thêm cú hích cho việc bắt buộc phải chuyển đổi từng bước một cách hiệu quả. Hình thức dạy – học trực tiếp tại Cambridge, tại khuôn viên trường đã chuyển sang một phần, một phần lớn, thậm chí là toàn phần bằng hình thức dạy học online.

Theo Thứ trưởng, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. Cũng có những trao đổi trên các diễn đàn khác nhau về tổ chức dạy học online nói riêng, chuyển đổi số căn bản, toàn diện trong giáo dục đào tạo nói chung.

“Một năm trước đây, RMIT Việt Nam đã tổ chức hội thảo này trong một chuỗi sự kiện. Năm nay, trong chuỗi sự kiện chào mừng 20 năm thành lập RMIT Việt Nam, chúng tôi chúc mừng và ghi nhận sự đóng góp của RMIT về những hoạt động này” – Thứ trưởng bày tỏ.

Nhấn mạnh, không chỉ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, mà cả thế giới cũng đang chuyển mình, Thứ trưởng cho rằng, bên cạnh xu thế quốc tế hóa, thì chuyển đổi số, với mục đích mang lại giáo dục đào tạo ở trình độ cao, chất lượng tốt và với chi phí chấp nhận được cho người học; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khả năng tiếp cận với giáo dục đại học chất lượng cho người dân.

“Tất nhiên, việc chuyển đổi này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, rất cần nhiều hội thảo, tọa đàm như buổi tọa đàm hôm nay, để chúng ta cùng nhận diện được những khó khăn, thách thức, nhưng cũng đánh giá được những tiềm năng, cơ hội để có thể phát triển giáo dục đại học trên môi trường số trong bối cảnh những thay đổi khó đoán định, lường hết được” – Thứ trưởng nói.

Hợp tác và chia sẻ

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Jen Bahen - Tham tán Giáo dục Australia tại Việt Nam – cho rằng, chúng ta cần bảo đảm cách tiếp cận đa ngành, với sự tham gia của các cơ quan hữu quan, ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội… Cách tiếp cận này sẽ bổ khuyết cho nhau để mang lại dịch vụ tốt nhất trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Nhấn mạnh vai trò dạy – học trực tuyến, bà Jen Bahen khẳng định: Phương thức này càng được phát huy trong giai đoạn Covid-19. Việc thiết lập mạng lưới là quan trọng, do đó chúng ta cần khuyến khích mọi người làm việc tích cực hơn trong mạng lưới của mình.

Đồng thời tạo cho hệ sinh thái giáo dục đại học ngày càng đa dạng. Muốn vậy, cần xác định xem, chúng ta nên mời các đối tác nào tham gia, trong ngành hay ngoài ngành.

Với quan hệ đối tác tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu giữa Australia và Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - đề xuất, các cơ sở giáo dục đại học Australia chia sẻ kinh nghiệm thành công, công nghệ đào tạo tiên tiến cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học đang diễn ra hết sức mạnh mẽ tại Việt Nam.

Cũng tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đề xuất, phía Austraila hỗ trợ các chuyên gia trong việc chia sẻ sự thành công, góp ý cho Việt Nam trong việc: Nâng cao năng lực cho cán bộ để thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam; Tư vấn và góp ý báo cáo tham chiếu của Việt Nam với Khung tham chiếu các trình độ của ASEAN; Nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện bảo đảm chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học; đội ngũ kiểm định viên đánh giá cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo; Thực hiện xây dựng chuẩn chương trình đào tạo theo các nhóm ngành và lĩnh vực.

Để tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần học hỏi trực tiếp từ các cơ sở giáo dục đại học của Australia về một số nội dung như: Quản trị đại học hiện đại; Phát triển chương trình đào tạo; Nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; Quản trị rủi ro trong bối cảnh thực hiện tự chủ; Thực hiện trách nhiệm giải trình; Phát triển mô hình bảo đảm chất lượng bên trong.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học mong muốn tiếp tục phát huy hiệu quả cộng đồng thực hành (Communities of Practice) về nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ hỗ trợ trong đào tạo trực tuyến và chuyển đổi số như trong thời gian qua RMIT đã triển khai thực hiện được một số tọa đàm chuyên sâu.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học Australia chia sẻ các tài liệu; tập huấn sử dụng các phần mềm chuyên dụng để mô phỏng, hỗ trợ đào tạo trực tuyến; xây dựng hệ thống quản lý học tập và quản lý nội dung học tập trực tuyến (LMS và LCMS); chia sẻ kinh nghiệm sư phạm, các kỹ năng giúp cho giảng viên và sinh viên Việt Nam học tập trực tuyến hiệu quả.

“Và như đã nói tại các sự kiện trước đây, tôi nhấn mạnh lại việc đào tạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời cũng để bổ trợ giúp cho phương thức đào tạo trực tiếp nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số cho việc hồi phục nền kinh tế - xã hội trong bối cảnh hậu Covid-19, Tọa đàm giới thiệu về những cải tiến về kỹ thuật mới, công nghệ mới của các đại học đến từ bang Victoria, Australia cũng như phòng thí nghiệm ảo, công nghệ in 3D từ xa và cá nhân hóa học tập bằng trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời thảo luận về phương pháp ứng dụng những công nghệ này để mang lại các giải pháp giáo dục hiệu quả cho người học hôm nay và cho các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục đại học tại Việt Nam dựa trên những góc nhìn từ chuỗi hội thảo. Tọa đàm cũng nhằm thiết lập mối quan hệ đối tác ưu tiên giữa các tổ chức giáo dục bang Victoria và các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong việc thu hút người học trong tương lai. Đồng thời, thảo luận, chia sẻ về các mối quan hệ chính giữa giáo dục và công nghệ kỹ thuật số và đề xuất, kiến nghị giải pháp học tập mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ