Chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, ngành giáo dục Thanh Hóa đã triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

Thầy, trò Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ học môn Tin học.
Thầy, trò Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ học môn Tin học.

Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã thể chế hóa nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tập trung chỉ đạo đầu tư đồng bộ hạ tầng số, tổ chức đa dạng các phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến sâu rộng về chuyển đổi số trong cán bộ, nhân dân. Đặc biệt, đối với ngành giáo dục, công tác chuyển đổi số đã được áp dụng mạnh mẽ và đồng bộ.

PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã trả lời phỏng vấn của Báo GD&TĐ về vấn đề này.

PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa (Ảnh NVCC).

PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa (Ảnh NVCC).

PV: Chuyển đổi số trong giáo dục có thể hiểu là chuyển đổi các hoạt động giáo dục và quy trình khác liên quan từ hình thức truyền thống sang việc áp dụng công nghệ số. Vậy, xin ông cho biết thực trạng chuyển đổi số trong ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang diễn ra như thế nào?

PGS.TS Trần Văn Thức: Sự bùng nổ của công nghệ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục (GD) Việt Nam nói chung và với GD Thanh Hóa nói riêng. Tiêu biểu, như: Việc tiếp nhận thêm nhiều phương thức giảng dạy mới, mang lại tín hiệu tích cực, các thiết bị thông minh như máy chiếu, bảng điện tử,... hỗ trợ học tập được lắp đặt tại các phòng học, góp phần thúc đẩy hoạt động “học tập suốt đời”.

Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 tiểu học nhằm mục đích giúp học sinh (HS) sớm tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng mới, công tác giảng dạy được lồng ghép với công nghệ STEAM, giúp HS giải các bài toán khó. Đồng thời, khám phá nhiều hiện tượng khoa học trong cuộc sống một cách trực quan nhất…

Ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục (CSGD) phổ thông và GD thường xuyên. Đây là bộ chỉ số chi tiết để các cơ sở GD bám sát các chỉ tiêu, chỉ số tại quyết định chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm,…) nhằm đáp ứng chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.

Trước tình hình đó, triển khai Nghị quyết, Kế hoạch chuyển đổi số của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở GD&ĐT đã rà soát thực trạng, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số thành các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn triển khai đến các CSGD trên địa bàn tỉnh.

Các hệ thống phần mềm được triển khai đến hầu khắp các trường học, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý giáo dục, công tác chỉ đạo điều hành, thống kê, báo cáo,...

Tại Sở, phòng GD&ĐT và các trường học đang sử dụng một số phần mềm ứng dụng trong quản lý, như: Phần mềm Vnedu của Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông VNPT; Phần mềm Smas của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel; Phần mềm QLNT ASC của Công ty cổ phần Tiến bộ Sài Gòn; Phần mềm quản lý nhà trường trên CSDL ngành của Trung tâm giải pháp CNTT, Cục CNTT, Bộ GDĐT.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ấn nút khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa - S. Ảnh: TL.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ấn nút khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa - S. Ảnh: TL.

Tỉnh Thanh Hóa đã có 100% CSGD có mạng wifi cung cấp miễn phí cho cán bộ, giáo viên và HS. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT theo hướng dẫn của Bộ đến 100% CSGD trên địa bàn tỉnh.

Để thuận lợi trong phương thức điều hành, quản lý trên môi trường điện tử, từ năm 2020, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã hoàn thiện triển khai hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc của tỉnh (TD-office). Đồng thời, liên hệ với Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp chứng thư số cho 100% cán bộ, công chức cơ quan Sở và cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc.

Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa xây dựng, triển khai đường truyền văn bản điện tử từ phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố đến các CSGD trên địa bàn (cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số năm học. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông trung học tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng sổ điểm điện tử thay cho sổ giấy.

Hiện nay, 100% CSGD trong tỉnh đã có tài khoản nhà trường tại các ngân hàng trên địa bàn (Agribank, BIDV, Vietinbank,…), để thực hiện tiếp nhận các khoản thanh toán không dùng tiền mặt của phụ huynh HS.

Thực hiện dịch vụ công thiết yếu: 100% HS đang học lớp 12 tại các trường THPT, THPT có nhiều cấp học, trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng có giảng dạy chương trình GDTX hoàn thành cập nhật thông tin cá nhân, kết quả học tập đúng thời hạn quy định; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (thứ 3 hàng đầu từ trái sang) và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm công nghệ số. Ảnh: TL.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (thứ 3 hàng đầu từ trái sang) và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm công nghệ số. Ảnh: TL.

PV: Chuyển đổi số đã, đang trở thành một khái niệm khá quen thuộc trên nhiều lĩnh vực, thành một xu thế “không thể đảo ngược” đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nếu muốn phát triển. Song, quá trình này cũng đang đặt ra không ít thách thức. Vậy với giáo dục Thanh Hóa thì sao thưa ông, khó khăn, thách thức nào đang đặt ra trong quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục?

PGS.TS Trần Văn Thức: Cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị CNTT phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học được quan tâm đầu tư, mua sắm, nâng cấp. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản Bộ chỉ số chuyển đổi số của CSGD phổ thông và giáo dục thường xuyên trong Quyết định 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Hạ tầng CNTT được đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho việc triển khai các nền tảng ứng dụng CNTT.

Số lượng cán bộ, giáo viên thiếu nhiều ở các bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, đặc biệt là số lượng giáo viên giảng dạy môn Tin học khi thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018, Tin học được đưa vào chương trình từ năm lớp 3 bậc Tiểu học...

Nhằm khắc phục thiếu hụt này, các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải điều động, phân công giáo viên dạy liên trường nhằm đảm bảo nội dung chương trình. Tuy nhiên, lực lượng này đang phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại các nhà trường do đặc thù về chuyên môn đã được đào tạo.

Bên cạnh đó, kinh phí dành cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các CSGD còn hạn chế, phải huy động thêm từ các nguồn lực xã hội hóa, phần lớn kinh phí được chuyển thành mua sắm, đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị phục vụ công tác dạy và học.

Ngoài ra, lực lượng nòng cốt đang được phân công kiêm nhiệm các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là các giáo viên Tin học hiện chưa có văn bản quy định chế độ hỗ trợ kinh phí của các cấp chính quyền về việc quản trị, nhập liệu trên các hệ thống thông tin quản lý giáo dục, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số tại nhà trường.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Bộ Thông tin Truyền thông chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa với Công ty Cổ phần Misa. Ảnh: TL.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Bộ Thông tin Truyền thông chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa với Công ty Cổ phần Misa. Ảnh: TL.

Việc triển khai phần mềm, ứng dụng không có bản quyền còn quá phổ biến nên dễ gây nguy cơ mất an toàn thông tin. Nhận thức về an toàn thông tin, bảo mật thông tin cá nhân còn chưa được chú trọng đúng mức.

PV: Để đáp ứng yêu cầu quản lý khoa học và đổi mới sáng tạo, theo ông, cần có các giải pháp thật sự mạnh mẽ và khả thi ra sao, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số giáo dục diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn?

PGS.TS Trần Văn Thức: Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025; Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 28/3/2023 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều giải pháp hướng tới.

Tăng cường, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống số hóa, đảm bảo an toàn trong các hoạt động dạy - học và làm việc trên môi trường số. Đảm bảo kết nối Internet cáp quang tới tất cả các CSGD. Có chính sách hỗ trợ dịch vụ Internet cho người học và đội ngũ giáo viên, đồng thời có chính sách máy tính phù hợp cho HS.

Triển khai, thí điểm triển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Giờ Tin học của học sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Giờ Tin học của học sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng việc dạy học, thay đổi toàn diện công tác quản lý điều hành ngành GD&ĐT. Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thư viện điện tử trong các CSGD phổ thông.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ theo hướng giúp ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ tốt nhất người học, người dân và các tổ chức. Triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đảm bảo phục vụ tất cả cơ quan quản lý giáo dục. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn của toàn ngành tại Sở GD&ĐT (bao gồm cơ sở dữ liệu về người học, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên, cơ sở vật chất, tài chính - đầu tư, kiểm định chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học)...

Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong GD&ĐT đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học trong ngành giáo dục và xã hội.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số. Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học, để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội về CNTT trong, ngoài nước để giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến về công nghệ giáo dục, chuyển đổi số áp dụng trong lĩnh vực GD&ĐT.

Cô và trò Trường THCS thị trấn Bến Sung (Như Thanh, Thanh Hóa) trong giờ học môn Tin học. Ảnh: TL.

Cô và trò Trường THCS thị trấn Bến Sung (Như Thanh, Thanh Hóa) trong giờ học môn Tin học.

Ảnh: TL.

Thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư xây dựng các nền tảng số và ứng dụng CNTT trong GD&ĐT. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trang thiết bị số để hỗ trợ, ưu đãi cung cấp sản phẩm CNTT cơ bản (máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng) cho các nhà trường.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu quản lý khoa học và đổi mới sáng tạo, theo tôi cần phát huy mạnh mẽ vai trò tự nghiên cứu khoa học, phát triển các phần mềm ứng dụng từ chính nhu cầu thực tiễn, sử dụng cán bộ trong ngành để nghiên cứu các đề tài ứng dụng thiết thực trong ngành.

Rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy định về chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học, quản trị CSGD, quản lý giáo dục. Quy định về cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục; quy định về năng lực số của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan trong ngành giáo dục và ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các CSGD.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.
HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.