Nhiều công việc mới ra đời
PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu với sự kết nối mạnh mẽ của Internet, trí tuệ nhân tạo. Máy móc sẽ dần thay thế lao động giản đơn. Điều này đặt ra yêu cầu lao động có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số… càng trở nên cấp thiết.
Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, chuyển đổi, thậm chí giải thể… Điều này ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh dẫn tới lao động có thể mất việc làm cũ, muốn tìm việc làm mới. Từ đó xuất hiện nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi nghề nghiệp.
Trên thực tế vẫn còn một bộ phận lao động đang làm việc có trình độ học vấn, kỹ năng nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời hiểu biết về chính sách pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn hạn chế.... Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho một bộ phận người lao động đặt ra rất cấp bách, cần thiết. Mục đích nhằm góp phần tạo điều kiện đảm bảo việc làm, ổn định đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích cho lao động.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động, nguy cơ thất nghiệp cao. Bởi sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp. Năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN…
PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động là tất yếu, khách quan. Đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên để người lao động không bị gián đoạn về việc làm. Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong những năm tới.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lao động
Cũng theo PGS.TS Cao Văn Sâm, đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp… Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của lao động do biến động của thị trường lao động. Đó là có nghề mới xuất hiện, một số nghề mất đi hoặc chuyển hóa.
Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng. Từ đó nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực. Trong đó, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cần chú trọng về kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng số. Bên cạnh đó là kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập để đáp ứng với yêu cầu công việc mới có năng suất, hiệu quả trong kỷ nguyên số, hội nhập. Do đó, cần thực hiện tích cực các giải pháp vừa trước mắt, vừa dài hạn gắn với thực tiễn.
Đưa ra những giải pháp, PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, đào tạo cần chủ động đề xuất, có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Đó là những chính sách về đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động. Từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cần hoàn thiện thể chế như sửa đổi hệ thống luật pháp lao động, việc làm phù hợp với các cam kết trong Hiệp định thương mại. Trước hết là phù hợp với các công ước cơ bản của ILO. Trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới có tính cách mạng về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động. Gắn sử dụng, đánh giá với đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi. Xây dựng chương trình việc làm cho người cao tuổi. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động về đào tạo chuyển đổi nghề.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động có hiệu quả. Trong đó có nâng cao năng lực cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đó là tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề. Có chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề vào các cơ sở dạy nghề.
“Trên cơ sở nhu cầu về lao động chuyển đổi nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp phù hợp có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở. Đó là linh hoạt về kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng số, kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập. Bên cạnh đó là thái độ nghề nghiệp, chú trọng năng lực thực hiện để người lao động sau đào tạo, bồi dưỡng có năng suất lao động cao hơn” – PGS.TS Cao Văn Sâm nhấn mạnh.