Chuyển đổi biên chế: Gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên mầm non

GD&TĐ - Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã triển khai chuyển đổi biên chế ở các vị trí việc làm khác sang biên chế giáo viên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng những giáo viên được chuyển đổi cũng đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình góp phần nâng cao tỉ lệ trẻ đến trường ở vùng khó khăn.

Nhiều nhân viên chuyển qua biên chế giáo viên đã dần yêu nghề, mến trẻ. Ảnh: TG
Nhiều nhân viên chuyển qua biên chế giáo viên đã dần yêu nghề, mến trẻ. Ảnh: TG

Học thêm nghiệp vụ để làm giáo viên

Tại điểm Trường Mầm non Hoa Mai ở xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) cô Lê Thị Thu Hiền, vốn là nhân viên văn thư kiêm thủ quỹ tại một trường THCS trên địa bàn, từ năm học 2018 - 2019 đã trở thành giáo viên đứng một lớp mầm non khoảng 40 cháu. Trước đó, trong quá trình công tác tại trường THCS, cô đã tranh thủ thời gian học thêm lớp sư phạm mầm non. Đến năm 2018, khi có thông tin huyện Đắk Glong đang thiếu rất nhiều giáo viên mầm non, nhiều trẻ không đến trường vì không có giáo viên, cô Hiền quyết định đăng ký xin chuyển qua làm giáo viên mầm non với tâm niệm muốn đóng góp chút sức mình khi địa phương còn khó khăn do thiếu giáo viên.

Cô Hiền tâm sự: “Mặc dù đã được học nghiệp vụ sư phạm nhưng ban đầu chuyển qua dạy cũng rất khó khăn. Trẻ em dân tộc thiểu số lại nhiều nên rất khó khăn để giúp các em làm quen với tiếng Việt. Có những ngày đi làm về rất mệt và mất luôn giọng. Tôi cố gắng học hỏi đồng nghiệp, áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với trẻ trong vùng”.

Trường Mầm non Hoa Sen ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) có cô Hoàng Thị Ánh Nguyệt từng là nhân viên thủ quỹ của trường nhưng chuyển sang nhiệm vụ đứng lớp. Năm học 2017 - 2018, trường gặp khó khăn vì thiếu giáo viên. Nhiều trẻ trên địa bàn không được nhận vào trường vì thiếu giáo viên.

Trường bị chậm tiến độ trong kế hoạch thực hiện trường đạt chuẩn quốc gia. Trên tinh thần tự nguyện, cô Nguyệt đã đăng ký đi học chuyển đổi từ biên chế nhân viên sang giáo viên. Cô tâm sự: “Ban đầu chưa quen nên vất vả lắm. Cả ngày gần như hoạt động liên tục hết dạy đến chăm sóc trẻ, làm vệ sinh hành lang, lớp học... Riêng về chuyên môn tôi được ban giám hiệu và đồng nghiệp hỗ trợ rất tích cực nên dần tự tin và càng dạy lại càng thấy cái lý thú của một cô giáo mầm non. Trẻ khỏe mạnh, tích cực tham gia các hoạt động là niềm vui lớn nhất đối với tôi”.

Tăng số trẻ đến trường

Theo thống kê, huyện Đắk Glong hiện thiếu trên 320 biên chế giáo viên. Để khắc phục tình trạng trên, địa phương thực hiện phương án chuyển đổi biên chế nhân viên trường học sang biên chế giáo viên được 17 người. Một số trường mầm non nhờ đó đã nhận thêm được số lượng trẻ đến trường. Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa cũng đã thực hiện chuyển đổi được 6 nhân viên thành giáo viên. Dự kiến trong thời gian tới thị xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi thêm 17 nhân viên thành giáo viên nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Nhân viên chuyển đổi chủ yếu là các thủ quỹ, kế toán ở trường học.

Ngoài thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, các địa phương khác cũng đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi biên chế nhân viên sang giáo viên. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Đắk Nông thiếu khoảng trên 1.000 biên chế, trong đó biên chế giáo viên mầm non thiếu khoảng 830 biên chế. Để hạn chế tình trạng thiếu giáo viên, toàn tỉnh đã triển khai chuyển đổi được trên 60 biên chế nhân viên sang giáo viên. Hiện nay, các địa phương vẫn tiếp tục sắp xếp, tính toán và động viên một số nhân viên học chuyển đổi nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu thiếu giáo viên ở các trường trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".