Chuyện cổ tích ở xứ cù lao

GD&TĐ - Bằng tấm lòng của một nhà giáo, cô Lý Thị Thanh Thúy - giáo viên Trường TH An Thạnh 2B (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đã giúp đỡ nhiều học trò có hoàn cảnh bất hạnh được tiếp tục học tập. Trong số đó có cô học trò khuyết tật Trần Thị Hiếu Thảo. Từ một đứa bé không tay chân do dị tật, em Thảo được cô Thúy cưu mang đến nay em đã biết chữ và đang viết tiếp ước mơ trở thành người có ích cho xã hội.  

Em Trần Thị Hiếu Thảo viết chữ bằng cánh tay khuyết tật
Em Trần Thị Hiếu Thảo viết chữ bằng cánh tay khuyết tật

“Bà tiên” của cô trò nhỏ!

Cô Lý Thị Thanh Thúy (49 tuổi) gắn bó với ngành Giáo dục cù lao từ năm 1995 đến nay. Dẫu những ngày đầu vào nghề đồng lương giáo viên không đủ trang trải, có lúc đến mấy tháng mới được nhận lương, vậy mà cô vẫn kiên cường vượt bao gian khó vì sự nghiệp trồng người.

Năm học 2016 - 2017 khi cô còn dạy trường điểm lẻ Bà Kẹo, cô học trò Trần Thị Hiếu Thảo là học sinh khuyết tật chân tay đầu tiên cô nhận dạy. Đã là hàng xóm ở gần nhau, cô Thúy thấu hiểu hoàn cảnh của Thảo, nên khi em đến tuổi vào cấp tiểu học cô trực tiếp xin cho em về lớp mình. Và từ đó cô trò đồng hành cùng nhau 2 buổi đến trường.

Quá trình dạy em Thảo khá vất vả, cô Thúy phải tiếp xúc để em tự tin với bạn bè, cô dạy em cách tập viết từ cách cầm viết kẹp giữa má và cánh tay khuyết, đến viết trong bảng rồi trên giấy. Nhờ có cô hướng dẫn, sau 1 tháng em đã có thể viết được, chỉ sau 1 học kì em Thảo đã có thể viết và đọc thành thạo. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng cả 2 cô trò đã cố gắng rất nhiều. Không những vậy, cô Thúy còn tranh thủ tìm trên mạng Internet những chương trình hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập nhằm chỉ dạy cho Thảo phát triển theo kĩ năng phù hợp.

Thời điểm chủ nhiệm lớp Thảo, cô Thúy còn có con nhỏ, còn trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình mà cô vẫn tận tâm lo cho Thảo chu toàn những bài học trên lớp. Lúc ở trường tích cực hướng dẫn em học, hoặc nán lại cuối giờ chỉ dạy em thêm. Khi về nhà hễ có thời gian cô lại dạy em học, nếu bận quá sẽ điện thoại nhắc nhở em làm bài tập, chuẩn bị bài học mới. Rèn luyện thói quen tốt nên Thảo có ý thức học tập nề nếp, chưa bao giờ em để cô nhắc nhở hay phiền lòng.

Không chỉ mình Thảo, lớp cô Thúy chủ nhiệm năm nay còn một vài trường hợp đặc biệt mắc bệnh hiểm nghèo như có em bị u não, có em bị ung thư máu… Đối với mỗi em cô đều ân cần đến bên chỉ dạy như là người mẹ, dù tương lai các em đó mong manh nhưng cô luôn làm tròn trách nhiệm cao nhất. Cô tâm niệm khi các em còn ở trường thì giáo dục các em gian nan cách mấy cũng sẽ thực hiện được.

Cô Thúy chăm sóc Thảo như con ruột của mình
  • Cô Thúy chăm sóc Thảo như con ruột của mình

Nghị lực phi thường của cô bé khuyết tật

Được cô Thúy dạy cho biết chữ, được đi học cùng với bạn bè đã mở cuộc đời em Trần Thị Hiếu Thảo sang trang mới với một tương lai tươi sáng. Bây giờ em đã là học sinh lớp 3, năm học nào cũng đều được nhà trường khen thưởng, em tiến bộ từng ngày, em lạc quan từng ngày khiến ai cũng nể phục.

Hoàn cảnh của em Thảo rất thương tâm, em bị dị tật bẩm sinh trong bụng mẹ, khi chưa tròn thôi nôi em đã mồ côi cha, em sống với ông bà ngoại từ 1 tuổi đến bây giờ. Ở quê ông bà không có đất sản xuất, phải đi làm thuê trên những ruộng mía đắp đổi qua ngày. Từ những thực tế đó khiến Thảo có động lực học tập, em trở nên lạc quan hơn như cách để làm ông bà của mình vui lòng.

Nghị lực phi thường của em là những ngày đầu vào lớp 1, chỉ là cô bé không tay, không chân khuyết tật dưới sự bao bọc của cô giáo em đã viết chữ nhuần nhuyễn như các bạn, thậm chí còn viết vẽ đẹp hơn bạn bè. Đâu ai biết lúc ở trường cũng như ở nhà em miệt mài tập viết đến khi mỏi nhừ, cũng đâu ai biết em phải vượt qua khó khăn cố gắng tự làm bài nhiều hơn, soạn bài trước mỗi buổi học mới theo kịp các bạn…

Thảo lên lớp khác, cô Thúy chuyển về điểm trường trung tâm không có nhiều dịp gặp gỡ nhưng thỉnh thoảng Thảo đòi sang thăm cô, và cô cũng qua nhà chơi với Thảo. Cô Thúy thương Thảo như con đẻ của mình, thương hoàn cảnh éo le của em, dù cô trò ít trò chuyện hơn trước nhưng lúc nào cô cũng dõi theo lo cho em. Hiện tại cô đang hoàn tất hồ sơ xin tài trợ của mạnh thường quân để lắp tay, lắp chân giả cho em; cô luôn hi vọng em đi được, vui chơi với các bạn đồng trang lứa như cách mà mỗi người mẹ thương những đứa con đứt ruột sinh ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ