Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thu phục lòng người bằng cái tâm

GD&TĐ - Không chỉ được biết đến là một người giỏi thơ phú, thao lược, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân còn được lưu danh sử sách là một người có cái tâm với mọi người. Cuộc đời ông đã dùng chính chữ tâm ấy để cảm hóa, thu phục được nhiều người lầm lỗi.

Một lão niên thuộc dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ về con người và sự nghiệp của Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.
Một lão niên thuộc dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ về con người và sự nghiệp của Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Đem cái tâm để thu phục được lòng người

Gia phả của dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội) có lưu lại rằng, cuộc đời làm quan của ông Nguyễn Bá Lân, chắc ông đã đọc và vận dụng cách thao lược trong bài Bình ngô đại cáo của danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Từ đó ông đã thu phục được nhiều kẻ sĩ từ sai lầm trở thành người tốt, từ kẻ thù trở thành quân binh trung thành, người dân thì tin tưởng ủng hộ đi theo.

Trong số này phải kể đến ông Nguyễn Tông Hải, ông Phùng Công Cơ, ông Thạc Vũ Công (cùng quê quán tại xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc). Những người này trước làm tướng cướp, hoành hành bá đạo khiến cả quan trấn thủ cũng không kiềm chế nổi.

Đến khi ông Bá Lân vâng mệnh triều đình đi đánh giặc ở đạo Đà Giang, ông Bá Lân lấy cái đức để chiêu nạp những người trên đi theo mình. Từ những tướng cướp hung hãn, những người này sau đó đã nhiều lần lập chiến công. Cảm cái tài đức chiêu an của ông Nguyễn Bá Lân, sau này, ông Nguyễn Tông Hải đã nhận ông là bố nuôi. Đáp lại, ông Bá Lân cũng coi ông Tông Hải như con đẻ, tài sản của ông về sau ông Tông Hải cũng được nhận đều như những người con khác. Khi ông Bá Lân mất, ông Tông Hải cũng chịu tang 3 năm như con trai.

Ông Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.
Ông Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12, năm Tân Mùi (1751) Nhâm Thân (1752) tên Lý Thiệu Long là tướng cướp chuyên đi quấy nhiễu vùng biên giới Cao Bằng. Ông Nguyễn Bá Lân đã phủ dụ được tên Lý Thiệu Long nói rõ con đường phúc họa. Người này sau đó đã đi theo ông Nguyễn Bá Lân hợp tác để bắt sống tên tướng cướp đóng cũi giải về kinh sư.

Tên Lý Văn Tài bấy giờ dấy binh vùng Thông Nông, Cao Bằng, ông sai các phiên thần và lính tinh nhuệ tiến đánh, giao chiến một trận chém được đầu giặc. Chiến trận xong, ông sai quân lính chỉ san bằng đồn lũy, đốt nhà cửa thu lấy các thứ khí cụ ngựa, trâu, thóc, lúa mà thôi. Ông Bá Lân sau vỗ về dân cư ở Thượng Lang, Hạ Lang, Quảng Yên cùng bờ bắc châu Thạch Lâm, sinh sống như người thường, lại dựa theo cửa ải cũ mà đặt quan coi giữ. Từ đó 4 châu không bế tắc 9 cửa ải lại lưu thông, người buôn qua lại, vùng Cao Bằng yên ổn trở lại lúc bình thường ngày xưa,

Niên hiệu Cảnh Hưng, năm Canh Thìn (1760), chúa Trịnh Doanh sai ông Bá Lân nhận chức Phó đô ngự sử. Nhân dịp ông 60 tuổi, nhân dân 2 phố, người khách (người Trung Quốc) ở Cao Bằng trước đây đến xin ở lại không được nhưng ân tình quyến luyến, lâu ngày cũng không quên ông trong những năm trấn trị ở Cao Bằng. Những người này đã cấp cho tiền bạc cho khách buôn ở Quảng Đông (Trung Quốc) thuê người thêu một bức trướng gấm vẽ hoa để mừng ông Nguyễn Bá Lân. Bức trướng gấm ấy có đề: Bắc thương cảm đức kim long trướng/ Tây Lĩnh lai sào bạch hạ ô (dịch nghĩa là: Nhân dân giáp gianh biên giới 2 nước ở Cao Bằng - Trung Quốc cảm ơn công đức của ông Bá Lân nên tặng ông bức kim long trướng/ Đàn quạ trắng khoang cổ ở núi Tây Lĩnh cũng nhớ ông bay theo về nơi ông ở).

Ngoài ra, những người này còn làm một bức trướng văn gửi lên Chúa. Bức trướng văn đề: “Thị lang họ Nguyễn trước khi lên trấn trị ở Cao Bằng, giặc cỏ nổi lên khắp nơi , đói rét triền miên, ông không chút phiền lòng, không hề động binh, cũng không hề dùng một mũi tên, mà chỉ chiêu dụ vỗ về, vậy mà mọi thứ trở về như cũ, thu dẹp được tàn dư binh đao, kẻ lưu vong trở lại, giảm bớt binh biến, nới lỏng thuế khóa, khôi phục nghề nghiệp.

Do vậy kẻ khốn được hồi sinh, người Man được cứu giúp, khách buôn bán lại nhờ đó mà an dân, cho nên một thời ca ngợi ông, hết thảy xa gần nhờ đức trị của ông mà không trái lệnh. Trăm năm ơn nhiều ông lúc trấn trị, ơn nhờ thi thư mà đưa ra phép trị nước tốt như vậy, âu cũng là bậc hào kiệt…!”

Theo sách Việt sử thông giám cương mục chép cho chép lại rằng, tháng 6 năm Ất Dậu (1765) Tham chính Hải Dương là ông Lê Quý Đôn bị bãi miễn. Nguyên nhân là sau khi ông Lê Quý Đôn đi sứ nhà Thanh về, không những không được thăng chức ở trong kinh mà bị bỏ ra làm Tham chính Hải Dương.

Vì bất đắc chí, ông Lê quý Đôn dâng lên chúa Trịnh tờ biểu tự giãi bày 9 tội, lời lẽ có giọng oán hờn, người đời bấy giờ ví như tờ biểu tự trách mình của Bốc Hoài Ấn ở Trung Quốc. Chúa Trịnh Doanh không hài lòng, cho ông Lê Quý Đôn về nghỉ ở quê nhà. Trong giới quan lại khi ấy chắc chắn không thiếu người rèm pha nhưng ông Nguyễn Bá Lân biết được ông Lê Quý Đôn là người có thực tài (ông Lê Quý Đôn thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ bảng nhãn năm Nhâm Dần (1752), dựng bia đá số 72 ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, năm Đinh Hợi (1767).

Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân

Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân

Khi chúa Trịnh Doanh qua đời, nhân dịp chúa mới Trịnh Sâm lên nắm quyền đang cần lo lấy việc ân đức để ổn định vị trí của chúa, ông Nguyễn Bá Lân đã dâng tờ khải khuyên chúa mới lên nắm quyền nên chuộng khoan hậu, rộng ra ơn về chuộc tội, cứu vớt dân xiêu tán, để bớt đau khổ cho dân. Đặc biệt trong tờ khải lần này, ông đã xin chúa Trịnh Sâm bổ dụng ông Lê Quý Đôn và ông Lê Cầu để nâng đỡ những người bị oan ức.

Nhờ tờ khai của ông mà chính sự buổi đầu, chúa Trịnh Sâm ra lệnh cho các viên ở các phủ, phải tâu bày tình trạng nghèo đói, phiêu tán và đau khổ của dân trong hạt (huyện, xã, thôn). Viên quan hiến sát xứ đi khám xét ruộng bỏ hoang, không cày cấy ở dân và dò hỏi sự tệ hại, uất ức của dân sở tại rồi tâu bày về triều ….cũng nhờ đó mà hơn 1 vạn 4 ngàn quan tiền, 3.000 sạt thóc thuế bị đọng của dân được tha.

Đặc biệt nhờ sự tiểu dẫn của ông Nguyễn Bá Lân mà ông Lê Quý Đôn được khởi phục giữ chức Thị thư (hàm Chánh lục phẩm). Về sau, ông Lê Quý Đôn được chúa Trịnh Sâm trọng dụng và đóng góp rất lớn về học thuật cho nước nhà. Năm Quý Mão (1783), ông Lê Quý Đôn nhận chức Thượng thư bộ Công, sau giữ chức Tham tụng (ngang với hàng Tể tướng).

Phúc thần làng Tòng Thái

Thân phụ ông Nguyễn Bá Lân là cụ Nguyễn Công Hoàn rất giỏi về khoa địa lý và phong thuỷ. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9, năm Quý Tỵ (1713), ông Bá Lân khi ấy mới 13 tuổi đi học theo cụ Hoàn dạy học ở Khê Thượng. Nhân lúc rảnh rỗi, cụ Công Hoàn đi xem khắp đường đất. Thấy thế đất giáp làng Tòng Lệnh, làng Thái Bạt có xóm Cỏ Già (tổng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, trấn Sơn Tây) có thể phát phúc, phát nhân đinh rất ưng ý.

Cụ Hoàn có dặn lại ông Nguyễn Bá Lân rằng: “Đất này sinh phúc lâu dài lại thêm phát vượng về nhân đinh. Sau này, nếu may ta đỗ đại khoa thì ta sẽ dời về đây mà ở. Nếu ta không làm được việc đó, trong số các con đứa nào thành danh được thì nên mua ruộng đất ở đây mà làm nhà ở. Con hãy nhớ kỹ đừng quên”.

Sau này học hành đỗ đạt, ông Nguyễn Bá Lân nhớ lại lời dặn của cha về thế đất ở xóm Cỏ Già. Để hoàn thành ý nguyện đó, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5, năm Giáp Tý (1744), chúa Trịnh Doanh sai ông nhận chức Lưu thủ Hưng Hóa đóng trụ sở ở Thái Bạt. Bấy giờ, chúa cho 3 chức Phó - Sứ - Sở được thu tiền nuôi quân.

Đền thờ Phúc Thần Nguyễn Bá Lân tại làng Tòng Thái.

Đền thờ Phúc Thần Nguyễn Bá Lân tại làng Tòng Thái.

Nhân thấy địa phương Bất Bạt nhiều người bán ruộng tư, ông Bá Lân mua được 60 mẫu, chiêu binh quân cùng gia đinh họ nội, họ ngoại, dân bản xứ lập Dinh ở xóm này. Sau đó, ông đổi tên là xóm Dinh và giao cho phu nhân và người cháu đang đảm nhận chức quan Hiệp trấn Sơn Tây (chức quan đứng thứ 2 của một trấn, sau quan Trấn thủ, trước quan Tham hiệp) kiêm quản binh xóm Dinh.

Ông sai người làm ruộng tích lúa nuôi quân sĩ. Đây là nơi luyện quân sĩ để đi đánh giặc bảo vệ triều chính, yên dân. Những gia đình quân binh được ông cấp ruộng đất để sinh sống lâu dài. Về sau nhân dân ở đây sinh sống quần tụ phát triển nhân đinh. Sau này nguyện vọng của nhân dân lấy 2 chữ đầu của làng Tòng Lệnh, làng Thái Bạt và ghép lại thành làng Tòng Thái đồng thời đề nghị huyện Bất Bạt chấp thuận thành lập làng Tòng Thái (nay là thôn Tòng Thái, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì).

Á phu nhân (vợ thứ) của ông Nguyễn Bá Lân là bà Khương Thị Thanh cho rằng dinh cơ ở Tòng Thái là nơi lạc thú của ông Nguyễn Bá Lân xưa nên lập một bài vị của ông ở Trùng Cẩm Đường (nhà thờ ở Tòng Thái, nơi bà Khương Thị Thanh ở hàng năm tế tự). Bà Khương Thị Thanh họp con cháu và những người giúp việc kết thành nhóm “Trung Hiếu”đem tiền vốn mua ruộng tốt sản xuất lấy thóc lúa bán lấy tiền mua lễ cúng ông vào ngày sinh nhật. Đợi làm lễ ở Cổ Đô 3 ngày xong lại làm lễ ông mỗi năm 1 lần vào ngày 30 tháng giêng.

Bến Dinh - nơi còn lưu giữ những dấu ấn đậm nét của Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.
Bến Dinh - nơi còn lưu giữ những dấu ấn đậm nét của Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Đến năm Ất Hợi (1815), con trai thứ 3 là ông Nguyễn Bá Lân là Nguyễn Trọng Tân (khi ấy đang chức Hồng lô tự thừa, đời Gia Long, tri huyện Lập Thạch) cho rằng, ngày xưa trại ấy chưa có lễ sinh thời, cho nên nhóm Trung Hiếu làm lễ tế một mình. Gần đây Bản Tổng truy niệm ra tới nguồn gốc ông Nguyễn Bá Lân, muốn báo đáp nên cũng có lễ sinh nhật ông. Về sau, 2 nhóm hợp lại, mua mấy sào ruộng, mấy quan tiền góp lại để mua lễ vật làm lễ tế ông vào ngày sinh nhật mãi mãi sau này thờ phụng ông.

Sau khi ông Nguyễn Bá Lân qua đời, nhân dân làng Tòng Thái tưởng nhớ công đức của ông nên đã ngưỡng mộ suy tôn ông là “Phúc Thần” đồng thời xây dựng đền thờ ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.