Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài thao lược hơn người

GD&TĐ - Danh nhân Nguyễn Bá Lân ngoài tài năng thơ phú còn là một nhà chính trị - quân sự, một vị tướng tài có công giúp dân, giúp nước. Con đường binh nghiệp của ông gắn liền với những trận đánh tiễu trừ giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi đất nước.

Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.
Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.

Theo Kỳ yếu danh nhân Nguyễn Bá Lân con người và sự nghiệp, do Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1999 có ghi: “Những giai thoại truyền thuyết về danh nhân Nguyễn Bá Lân rất nhiều và rất đa dạng nhưng hầu hết những chuyện đã biết đều nói lên lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với ông. Trong con mắt của nhân dân địa phương, hình ảnh ông là của con người hiếu thảo, một tài năng văn học lỗi lạc, một vị quan chính trực thanh liêm, giàu tài trí nhưng cũng giàu lòng nhân ái, không sợ uy quyền và nghĩa tình trọn vẹn. Có lẽ vì thế chăng mà mấy trăm năm qua , những giai thoại truyền thuyết của ông vẫn lưu truyền mãi mãi ở các làng quê vùng núi Tản sông Đà, một vùng văn hóa lâu đời còn lưu giữ cả một kho tàng truyện cổ dân gian”.

Trong những ghi chép còn lưu lại, danh nhân Nguyễn Bá Lân ngoài tài năng thơ phú còn là một nhà chính trị - quân sự, một vị tướng tài có công giúp dân, giúp nước. Sử sách ghi chép lại rằng, ông Nguyễn Bá Lân ngay sau khi thi đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi (1731), bước vào con đường hoạn lộ làm quan ở tuổi “Tam thập nhị lập” với đầy đủ tư cách cần thiết của một kẻ sĩ hành động giúp đời, giúp dân, giúp nước. Buổi đầu, ông nhận chức quan ở bên ngoài và nhiều phen phải tuân lệnh Chúa Trịnh đi dẹp giặc ở các vùng núi phía Bắc. Cũng từ những chiến công này, ông đã được chúa tin yêu, các quan cùng thời kính nể, quân binh tôn trọng.

Đền thờ Lục bộ Thượng Thư Nguyễn Bá Lân

Đền thờ Lục bộ Thượng Thư Nguyễn Bá Lân

Niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 1, năm Đinh Tỵ (1737), Uy Nam Vương chúa Trịnh Giang sai nhận chức Đốc đồng xứ Sơn Tây. Tháng 12 giặc Sư Quan nổi lên, ông Nguyễn Bá Lân được làm nhận chức, dàn quân ở các cơ đội Hậu Thắng, Hậu Nội, Tả kinh, tháng ấy xuất phát đánh giặc.

Đến Niên hiệu Vĩnh Hựu, năm Mậu Ngọ (1738), ông chỉ huy quân đánh bắt được đầu sỏ giặc ở vùng núi Thái Nguyên cùng với tướng giặc và hơn 40 tên, không sót một tên nào. Số giặc này sau được điệu về xã Quyết Chung (huyện Tam Dương) theo chiếu chỉ mà hành hình. Ông Nguyễn Bá Lân cũng được gọi về làm chức Chi Binh Phiên.

Tháng 8 - 9 năm ấy, viên nội giám Chỉnh Thọ hầu đốc phụ trách làm chùa Tây Phương, gây phiền nhiễu quá cho dân. Dân các xã - xứ ấy làm khải (đơn) kêu nhao nhao. Ông Nguyễn Bá Lân được triều đình cử đi theo tham tụng Thuật, quận công Phạm Khiêm Ích đi tra hỏi việc mà bắt quan trả lại trâu bò, tiền, vải lụa các hóa vật khác mà họ vơ vét của dân. Dân mừng như được sống lại.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1, năm Canh Thân (1740), Uy Nam Vương chúa Trịnh Giang truyền cho ông Nguyễn Bá Lân giữ chức Nhập thị bồi tụng chi hộ phiên, thăng chức Đông các thị thư, bên trong làm việc văn bản, bên ngoài lo việc binh cơ (Văn võ song toàn).

Có tin người nhà báo tới giặc Lê Duy Mật đem quân đánh ở xã Sách Phàn Sùng, tràn ra các địa phương Minh Nghĩa, Mỹ Lương, Tam Nông, Bất Bạt, Tiên Phong, Lâm Thao. Thấy vậy, lòng ông rất ưu phiền bèn đem sự việc trên trình Chúa. Lập tức, Chúa cho ông quản đội hậu phương, đem binh phu ở các huyện Minh Nghĩa, Bất Bạt, Tiên Phong, Sơn Vi kiêm nghiệm việc đánh giặc và phủ dụ các địa phương ấy, ngay ngày 28/2 lên đường.

Ngày 1/3, trước hết lo liệu việc làm nhà, ăn mặc giả người đi đường, bí mật báo cho các huyện Hạ Đạo trở lên chuẩn bị binh tráng đem theo khí giới, các em của ông là Nguyễn Trọng Lan, Nguyễn Kim Luyện, hẹn ngày 3/3 đến đón ông ở Chu Tràng. Ông theo đường Thiên Lý mà về. Binh y nổi lên mạnh mẽ, bọn giặc nghe tiếng sợ rút chạy về Bất Bạt không dám chống cự .

Ngày 3/5, trong đồn giặc khốn quẫn sắp xin ra hàng thì đêm ấy trời đổ mưa như trút nước xuống ngập tới 3 - 4 thước, quân bao vây thế không giữ nổi bọn giặc theo chỗ sơ hở chạy trốn. Sáng ra chỉ còn đồn trống, dân binh kêu la bên trong, bắt được 160 tên đều là hạng bét. Chúng nói, tướng giặc có 30 tên, ban đêm đã theo đường bộ sơ hở mà chạy trốn không biết đi đâu. Trong số đó có có tên bị bệnh nặng, thế không sống nổi nên chúng tìm những ruộng lầy để vùi xác. Bấy giờ quân của ông mệt mỏi cũng không thể đuổi theo. Đến ngày tết Đoan Ngọ, ông cho quân sĩ ăn xong rồi trở về nơi đóng quân cũ nghỉ ngơi.

Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.

Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.

Đến tháng 7 nghe tin giặc Chủng lại lập đồn ở La Phù, Động Lâm. Ông Nguyễn Bá Lân thấy thế liền chỉnh đốn thuyền, mảng dẫn binh đi theo đội ngũ tiến đánh giặc. Vừa nghênh chiến ở Động Lâm, bọn giặc thấy không thể chống đỡ nổi bèn bỏ trốn ban đêm. Quân của ông chỉ bắt được tướng là Khản Cung cùng tướng giặc Chủng Phỉ tên là Quang, tên Tiềm. Ông cho quân đóng cũi giải về kinh sư.

Hôm sau thừa thắng, quân của ông lại tiến đến đồn giặc ở La Phù nhưng khi đến nơi thấy giặc đã bỏ đồn không. Những đồn ấy đều do chúng dỡ nhà của dân để xây nên kiên cố. Nhưng chúng khiếp sợ uy lực bao vây tiêu diệt trước đấy nên không dám ở.

Quân của ông tiến đến bờ bắc Vĩnh Động thì thấy có bóng người, nhìn sang bên Hoa Lâm thì thuyền bè liên tiếp, nhà cửa san sát nhưng không thấy bóng người qua lại, nhìn kỹ và bắn súng thử dò xem rồi sang đó đi bộ, lâu lâu mới thấy người Hoa Lâm khúm núm tới hầu. Hỏi thì mới biết giặc Mật vốn mượn đất này tiến vào xã Sách Phần Sùng. Khi lên, chúng dựng đồn lớn, để làm nơi trú quân.

Qua một tháng không thấy tin tức, quân của ông tiến đến Vạn Pha thì quân giặc đã chạy trốn hết, chỉ thấy người Vạn ấy cúi lạy và nói rõ tình hình giặc. Ông theo đó đặt đồn trú quân để làm thế với đội Hoa Lâm lại cho gộp các lính khách chiêu mộ được, đặt làm đội lục hợp, sai họ làm đội vận tải lương thực ở phía dưới, còn phía trên mua vỏ gai, xa nhân, sáp ong ở vùng Hưng Hóa. Qua đó, người buôn bán qua lại. Quân dân tụ họp lại thành nơi đô hộ nhỏ, quân giặc cũng biệt tăm, đường thủy, đường bộ thông hành.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3, năm Nhâm Tuất (1742), giặc ở Sách Phần Sùng lại bung ra. Minh Đô Vương chúa Trịnh Doanh lại sai ông Nguyễn Bá Lân cùng 3 đạo quân hợp sức đánh kẹp lại. Ông cùng Vệ Vũ hầu tham mưu theo đường ngòi cống mà tiến quân. Khi đi vào được Sách Phần Sùng thì giặc Mật trốn theo đường Quan Gia, Tứ Động không biết đi đâu nên ông lại rút quân về Chầu Hầu.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4, năm Quý Hợi (1743), giặc Mật tiếp tục phá Mộc Châu và chiếm đất ấy. Phụ đạo châu ấy về kinh Đô kêu bày, Minh Đô Vương chúa Trịnh Doanh lại sai ông đưa quân đi đánh. Đến nơi, ông đặt 2 đồn lớn ở Thái Bạt để dần dà tính kế tiến đánh. Do được tin giặc sai một chi đẳng do tên Đỗ Kiều xuống đóng ở Thời Viên lên đất Mộc Châu nên ông em trai là Nguyễn Kim Luyện đem nửa số quân, sai người dân Mộc Châu dẫn đường lập tức bao vây chặn đứt đường thượng du, không cho chúng thông tin. Vây được 3 ngày, quân giặc yếu thế bỏ cả khí giới xin hàng. Ông sai quân đóng cũi lũ ấy giải về kinh sư

Trước những công trạng của ông, chúa Trịnh Doanh bàn xét mấy lần quân công thăng cho ông lên Hàn lâm viện thị độc, gia phong tước Bá, lại gia ơn thăng chức Tế Tửu Quốc Tử Giám. Lại vì có quân công nên phong thăng là Hàn lâm viện thừa chỉ.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5, năm Giáp Tý (1744), chúa Trịnh Doanh bổ dụng ông làm Lưu thủ Hưng Hóa nhưng vẫn đóng trụ sở Thái Bạt. Bấy giờ, thế nước lụt khó tiến đánh. Bỗng giặc Tương ở Vĩnh Đồng tràn tới vùng núi khiến quan quân rút chạy. Ông Bá Lân lại vâng mệnh chúa đem quân bản đạo giáp công. Đi tới nơi giặc đã rút về sào huyệt nên ông đưa công văn cho quan Chánh sai rút về nơi đóng quân. Nhân thấy Bất Bạt nhiều người bán rẻ ruộng tư nên ông cho thu mua được 60 mẫu rồi sai người làm ruộng tích lúa, để tính việc tiến đánh giặc.

Niên hiệu Cảnh Hưng, năm Mậu Thìn (1748) - Kỷ Tỵ (1749), giặc Ngũ dùng người Mộc Hoàn dẫn đường, chờ lúc ban đêm đến đốt phá nhà ông Nguyễn Bá Lân cùng nhân dân trong xã không còn sót thứ gì. Trong những ngày tiến quân ở rừng núi, có kẻ báo cáo lên là trong quân của ông có người cướp bóc của dân nên ông bị giáng xuống chức Hàn lâm viện thị giảng, lại bị quan Tể Tướng đương thời ghen ghét.

Bên cạnh tài năng thơ phú, Nguyễn Bá Lân còn được sử sách ghi chép lại là một vị tướng có tài thao lược hơn người. Tranh vẽ minh họa.

Bên cạnh tài năng thơ phú, Nguyễn Bá Lân còn được sử sách ghi chép lại là một vị tướng có tài thao lược hơn người. Tranh vẽ minh họa.

Bấy giờ 4 châu ở Cao Bằng bị giặc chiếm cứ hơn 3 châu, Quan trấn chỉ còn trị được nửa châu ở Thạch Lâm, triều đình liên tiếp sai 3 người làm Đốc trấn nhưng họ đều tình nguyện chịu tội chứ không đi.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11, năm Canh Ngọ (1750), ông Nguyễn Bá Lân nhận được tờ sai của chúa Trịnh Doanh đi đánh giặc ở Cao Bằng. Thấy thế, ông xin vâng mệnh không nửa lời từ chối. Chúa khen ngợi ông dũng cảm rồi thăng lên chức “Đông các thị thư” thống lĩnh đội tả tượng ra đi. Ông mộ được hơn 170 quân sĩ dũng cảm, tháng 11 lên đường qua các địa phương kinh Bắc, Lạng Sơn. Ông nghe có người Cao Bằng lánh nạn bèn mời tới nơi vỗ về bảo họ trở về quê.

Trong thời gian trấn ải, ông Nguyễn Bá Lân mưu lược, đánh bại đội quân của Lý Văn Tài (Trung Quốc) dấy binh ở Thông Nông hợp sức với các tên Quang Vũ, Thất Quý, Bát Cổ trong đội quân đạo tặc làm loạn ở Cao Bằng.

Khi tiến đánh các đồn luỹ giặc, Nguyễn Bá Lân chỉ huy quân sĩ từ trong đánh ra, ngoài đánh vào. Đặc biệt, dùng tình họ hàng đối với những người đã trót theo giặc để vận động họ làm nội ứng.

Sau khi lấy lại toàn bộ đất Cao Bằng, ông dùng tất cả thóc gạo, trâu, ngựa và vũ khí thu được ở các đồn luỹ chia cho dân. Đồng thời tuyển dụng những viên quan cần mẫn để trấn trị từng vùng, từng bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.