Ăn sáo trúc, ngủ sáo trúc
Trò chuyện với Tuấn, người ta sẽ phải tự hỏi, giữa những bộn bề này, rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn lấy, làm thế nào Tuấn giữ được tiếng sáo của mình trong trẻo đến thế? Gần 20 năm gắn bó không phải là một thời gian ngắn, vừa tiếp tục học sáo lên bậc cao hơn, vừa biểu diễn thổi sáo, lại vừa dạy sáo, bất kỳ công việc gì của Tuấn cũng đều liên quan sáo, liệu có bao giờ Tuấn sợ nghề sẽ “mòn” đi?
Rồi một giai điệu “Xa khơi” vang lên, mở ra trước mắt người nghe không chỉ là mênh mang biển lớn, mà còn là những mênh mang của đam mê, niềm đam mê tận cùng. Tuấn không chỉ thổi sáo, Tuấn chơi đùa, say sưa với những giai điệu sáo. Có lẽ, đúng như Tuấn nói, sáo đã là một phần cơ thể.
Phạm Anh Tuấn và niềm đam mê với cây sáo trúc dân tộc.
Anh Tuấn chia sẻ: “Ngay từ lúc sinh ra, có thể sáo đã chọn mình, hoặc mình đã chọn sáo. Điều ấy cũng không quan trọng, quan trọng là có sáo mình vui. Khi mỗi một giai điệu cất lên, với mình nó không chỉ là âm thanh, nó còn là những niềm vui, niềm vui được thỏa mãn thứ mình luôn say sưa, yêu thích...”.
May mắn hơn bạn bè khi được trời phú cho một đôi tai tinh tường, một đôi tay khéo léo, một trái tim dễ rung động theo từng giai điệu lời ca; nhưng có lẽ trên tất cả, Tuấn thấy mình may mắn khi tìm được một người thầy, một người cha thứ hai, người bạn tri kỷ chung tình yêu với sáo trúc.
Phạm Anh Tuấn tâm sự: “Người mở ra con đường mới, giúp Tuấn đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người thầy mà suốt đời mình mang ơn, đó là NSƯT Tiến Vượng. Với kinh nghiệm và tài năng của một nghệ sỹ hơn 40 năm tâm huyết với sáo trúc, thầy đã dạy mình không chỉ là những kỹ thuật mới, cách xử lý mới; mà thầy còn luôn đốt lên trong mình ngọn lửa tình yêu với sáo trúc”.
Chàng trai 9X thả hồn vào làn điệu sáo trúc
Ảnh hưởng rất nhiều từ người thầy, Tuấn luôn ý thức một nghệ sỹ thực thụ, khi đạt đến trình độ nhất định, thì cái mà người nghệ sỹ đem đến cho khán giả không chỉ đơn giản là kỹ thuật điêu luyện, mà nó còn phải là “tiếng lòng, tiềng của tâm hồn, tiếng của trái tim”.
Tuấn cho biết: “Mỗi khi biểu diễn, mình luôn nhớ lời thầy đã dạy, những kỹ thuật mình tập luyện được chỉ là công cụ để truyền tải cảm xúc. Khi trình diễn một bản nhạc, Tuấn thường quên mình phải sử dụng kỹ thuật gì cho hợp lý. Thay vào đó, hòa mình vào giai điệu, đắm chìm vào bản nhạc, tâm hồn ta sẽ chỉ cho ta cách biểu đạt sao cho truyền cảm”.
Giành được HCĐ trong cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc với tác phẩm “Quê mới” do NSƯT Tiến Vượng sáng tác, đó là động lực để Phạm Anh Tuấn tiếp tục hết mình với hành trình đi đến tận cùng đam mê với cây sáo trúc.
Đưa sáo trúc đến gần với giới trẻ
“Nhắc đến sáo trúc, người ta chỉ nhắc đến âm nhạc truyền thống, những giai điệu quê hương, dân gian đặc trưng. Tiếng sáo là nhạc không lời nên người ta hay mặc định là khó hiểu, khó phổ biến, chỉ dành để biểu diễn chuyên nghiệp... Đối tượng người tiếp cận với sáo cũng vì thế mà ngày càng hạn hẹp đi. Và mong muốn lớn nhất của mình là đưa sáo trúc đến gần với đông đảo mọi người, đặc biệt là những người trẻ”, Tuấn tâm sự.
Chỉ cần người học có đủ lòng yêu thích, Tuấn đều nhận dạy.
Những năm gần đây số lượng người yêu thích đã tăng lên nhiều, đặc biệt ở bộ phận học sinh, sinh viên. Vì giá thành cây sáo cũng không quá cao và sáo trúc hiện nay cũng đã được cải tiến lên 10 lỗ nên có thể chơi được nhiều dòng nhạc, thậm chí là cổ điển phương Tây.
Hiện nay, Tuấn đang tiếp tục giảng dạy sáo cho mọi đối tượng người yêu thích sáo. Lớp học của Tuấn có những “học sinh” ngoài 60 tuổi, có cả doanh nhân và cả các bạn sinh viên tuổi đôi mươi. Người học chỉ cần có đủ lòng yêu thích, Tuấn đều nhận dạy.
“Sự đặc biệt trong cách dạy sáo Trúc của Tuấn khiến tôi rất thích thú. Không chỉ là những giai điệu truyền thống, giai điệu quê hương, những bản nhạc Tuấn soạn cho sáo trúc đều rất mới, rất trẻ và dễ tiếp cận cho những người mới học sáo như tôi”, anh Hoàng Trung Kiên, một học sinh của Tuấn, cho biết.